Ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc trong tiêu thụ nông sản

Hướng tới tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản.
nong san
Thu hoạch cà chua sạch tại khu công nghệ cao Lam Sơn (Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa)

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các công việc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân; Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng “Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản”.

Ngày 12 tháng 1 năm nay, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 98/VPCP-TH về đăng ký Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2020, trong đó giao Bộ Công Thương trình Đề án vào tháng 10 năm 2020.

Dự kiến Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ Đề án trong tháng 10/2020 theo đúng tiến độ được giao.

Hiện nay, hoạt động tiêu thụ hàng nông sản nước ta liên tục gặp nhiều khó khăn, hàng nông sản thường xuyên rơi vào tình cảnh “được mùa mất giá”.

Hiện tượng này có nguyên nhân lớn từ phía nền sản xuất nông nghiệp của nước ta chủ yếu là tự phát, manh mún và chưa gắn với thị trường, với chuỗi giá trị ngành hàng.

Các doanh nghiệp kinh doanh về lĩnh vực nông nghiệp của nước ta chưa phát triển theo hướng bền vững, chưa mạnh dạn xây dựng các vùng nguyên liệu vì chưa có thị trường ổn định.

Mối quan hệ giữa người nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ hàng nông sản chưa có sự gắn kết cao. Người nông dân thường chỉ bán hàng nông sản qua thương lái mà ít làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp nông sản.

Một số phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản mới, có sự gắn kết giữa các chủ thể theo chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản bước đầu đã được hình thành, hoạt động có hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, các phương thức kinh doanh nông sản mới chưa được định hình rõ nét, nhiều khó khăn vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời, cần có sự can thiệp của Nhà nước để khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy trong thời gian tới.

Để giải quyết vấn đề tiêu thụ hàng hóa nông sản của Việt Nam, cần có những giải pháp căn cơ, mang tính chất khuyến khích, hỗ trợ các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản hiệu quả, các chủ thể tham gia có sự gắn kết bền vững và lâu dài.

Phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản cần phát huy đầy đủ vai trò dẫn dắt thị trường, là cầu nối và định hướng hoạt động sản xuất nông sản theo tín hiệu của thị trường.

Mục tiêu chính của Đề án hướng tới là tháo gỡ, thúc đẩy và hỗ trợ các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo hướng hiệu quả và bền vững;

Phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.

Ưu tiên phát triển kênh tiêu thụ nông sản có liên kết theo chuỗi, để hạn chế và dần xóa bỏ hiện tượng “được mùa mất giá”.

Chủ động thị trường và giá bán nông sản, từ đó nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập của các tổ chức, cá nhân kinh doanh nông sản.

Định án sẽ hướng tới tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản.

 

 

 

 

 

 

 

Bình Điền