Cần khắc phục tâm lý e ngại khi tham gia các vụ việc
Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thông qua việc tiếp cận các vụ việc cụ thể đã nâng cao hiểu biết dần đối với vấn đề phòng vệ thương mại, mặc dù vậy vẫn còn một số doanh nghiệp có tâm lý e ngại khi tham gia vào các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, đối với ứng phó điều tra chống lẩn tránh cũng điều tra phòng vệ thương mại nói chung thì vai trò quan trọng nhất là vai trò của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần hiểu rằng đây là lợi ích của bản thân doanh nghiệp khi tham gia vào xử lý thành công các vụ việc điều tra chống lẩn tránh của nước ngoài vì đối tượng điều tra là doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ phải cung cấp thông tin, trả lời câu hỏi và phải giải trình với cơ quan điều tra của nước ngoài. Những cơ quan khác như cơ quan quản lý nhà nước, kể cả hiệp hội hoặc những cơ quan liên quan tham gia vào quá trình, xác nhận cho hoạt động doanh nghiệp chỉ là những cơ quan hỗ trợ cung cấp thông tin bổ sung, vai trò chủ động phải là của doanh nghiệp.
“Chúng tôi có những chương trình trao đổi và chia sẻ với các doanh nghiệp để doanh nghiệp hiểu được những nguyên tắc điều tra chống lẩn tránh như thế nào, thấy được vai trò tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đó quan trọng như thế nào và giúp cho doanh nghiệp có thể xác định được ngay từ đầu chủ động ứng phó nếu như chẳng may là đối tượng bị điều tra thì cũng không e ngại mà sẵn sàng tham gia để chứng minh doanh nghiệp Việt Nam không phải là đối tượng cần phải áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh”, ông Trung chia sẻ.
Bên cạnh đó, trên cơ sở những cảnh báo giúp dự báo trước cho doanh nghiệp những mặt hàng có thể gặp rủi ro bị tiến hành điều tra chống lẩn tránh, các doanh nghiệp có thời gian để chuẩn bị trước và dự kiến trước những phát sinh có thể xảy ra, từ đó chủ động hơn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Doanh nghiệp cần chủ động và tích cực
Từ thực tiễn các vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm thép, bà Trang Thu Hà, Chánh văn phòng Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, các cơ quan nhà nước nói chung, đặc biệt là Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đã có sự đồng hành, hỗ trợ rất nhiều trong tất cả các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép xuất khẩu Việt Nam tại các nước thời gian qua.
Kinh nghiệm tiếp cận cũng như quá trình thực tế xử lý khi các doanh nghiệp thép tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại cho thấy, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp phải tìm kiếm đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu để giảm bớt những rủi ro khi một thị trường bị điều tra, áp dụng một hoặc nhiều biện pháp phòng vệ thương mại.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thường xuyên trao đổi kết nối thông tin nghiên cứu thị trường. Bản thân các doanh nghiệp cũng phải chủ động tích cực nghiên cứu thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thông tin từ các bạn hàng, các nhà nhập khẩu chính là những người có cùng lợi ích với nhà sản xuất xuất khẩu của Việt Nam.
Các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục nâng cấp hệ thống quản trị sản xuất cũng như hệ thống tài chính kế toán tiệm cận với những quy chuẩn của quốc tế để khi có vụ việc xảy ra thì thời gian cung cấp thông tin, thời gian điều tra rất là ngắn, khoảng 10 – 12 tháng trong khi đó hệ thống sổ sách, thông tin cần phải cung cấp cho Cơ quan điều tra khá nhiều, do vậy các doanh nghiệp phải chủ động chuẩn bị sắp xếp.
Liên quan đến các vụ việc chống lẩn tránh thuế, doanh nghiệp phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Khi cung cấp nhanh và tích cực cũng là một điểm cộng cho các doanh nghiệp khi được coi là hợp tác với cơ quan điều tra.
"Ví dụ như đối với các vụ việc phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ điều tra, áp dụng đối với sản phẩm thép cách đây 5 năm, kéo dài 3 năm mới ra kết luận nhưng cuối cùng việc các doanh nghiệp thép sử dụng những nguyên liệu nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong nước sản xuất được cung cấp cho Cơ quan điều tra Hoa Kỳ nên chúng ta không bị áp dụng những mức thuế cao", bà Trang Thu Hà thông tin.
Điều đó cho thấy, việc các doanh nghiệp có vai trò chủ động và tích cực trong tham gia các hoạt động điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho các vụ việc điều tra có thể đảm bảo được kết quả tốt nhất cho chính doanh nghiệp.
Cùng với đó cần có sự kết nối giữa các doanh nghiệp với nhau cũng như sự kết nối giữa doanh nghiệp với hiệp hội ngành hàng; với vai trò đầu tàu của hiệp hội để kết nối các doanh nghiệp đảm bảo khi xử lý một vụ việc phòng vệ thương mại không chỉ là công việc của một doanh nghiệp mà là công việc của cả một ngành sản xuất. Bởi lợi ích bị ảnh hưởng là lợi ích của cả một ngành và sẽ có những thông tin cần sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong ngành với nhau thông qua cầu nối hiệu quả là hiệp hội ngành hàng, bên cạnh sự hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước cũng như cơ quan ngoại giao, tham tán tại các nước xuất khẩu cung cấp các thông tin để các doanh nghiệp có thể chủ động nắm bắt được các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.