USDA: Báo cáo bán niên về ngành mía đường Trung Quốc năm 2013

Theo Báo cáo bán niên về ngành mía đường Trung Quốc năm 2013 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng sản lượng đường niên vụ 2013/14 của Trung Quốc dự báo đạt 14,8 triệu tấn (tạm tính), tăng 5% so với dự b
Sản xuất đường

Tổng sản lượng đường trong niên vụ 2013/14 của Trung Quốc được dự báo sẽ đạt mức 14,8 triệu tấn (tạm tính); tăng 5% so với dự báo trước đây của USDA do năng suất và diện tích gieo trồng mía cây của Trung Quốc tăng lên. Dự kiến tổng sản lượng đường của Trung Quốc trong niên vụ 2013/14 cao hơn 6% so với niên vụ 2012/13. Nguyên nhân sản lượng mía cây tăng cao hơn, bù lại mức giảm 15% của sản lượng củ cải đường. Sản lượng củ cải đường của Trung Quốc giảm do diện tích gieo trồng bị thu hẹp. Trong niên vụ 2013/14, sản lượng đường được làm từ mía cây và củ cải đường của Trung Quốc được dự báo lần lượt đạt: 13,8 triệu tấn và 1 triệu tấn (tạm tính).

Mía đường

Dựa trên số liệu được Tổng cục thống kê Trung Quốc công bố, USDA đã giảm nhẹ dự báo sản lượng mía cây của Trung Quốc trong niên vụ 2013/14 xuống mức 128 triệu tấn. Theo số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc, sản lượng mía cây trong niên vụ 2012/13 của Trung Quốc cũng được USDA điều chỉnh xuống còn 123 triệu tấn. Dự kiến tổng diện tích trồng mía cây của Trung Quốc trong niên vụ 2013/14 đạt 1,81 triệu ha, tăng 3% so với dự báo trước đây của USDA.

Nông dân tại tỉnh Quảng Tây, tỉnh trồng mía cây lớn nhất Trung Quốc, đã phải chịu cảnh thời tiết bất lợi trong suốt niên vụ 2012/13 như: lượng mưa mùa đông thấp hơn mức trung bình, trì hoãn trong việc gieo trồng vụ xuân, bão tàn phá trong mùa hè. Tuy nhiên, các nguồn tin của USDA cho biết vụ mía của Quảng Tây ít bị sâu bọ tàn phá và dự báo sản lượng mía cây của tỉnh Quảng Tây trong niên vụ 2012/13 tăng cao hơn 5% so với niên vụ trước.

USDA dự báo diện tích gieo trồng mía cây của tỉnh Quảng Tây trong niên vụ 2013/14 sẽ giảm nhẹ do nông dân gia tăng trồng sắn (để lấy tinh bột) – loại cây cho mức lợi nhuận cao hơn mía, hoặc chuyển sang trồng các loại cây lớn nhanh, tốn ít nhân công hơn (để sản xuất giấy). Chi phí sử dụng đất và nhân công tăng lên cùng với mức trợ giá thấp đối với đường của Chính phủ Trung Quốc đang làm giảm diện tích trồng cây nguyên liệu cho sản xuất đường. Trong niên vụ 2012/13, chính quyền tỉnh Quảng Tây đã giảm mức giá trả cho đường do giá đường giảm xuống (giảm 25 NDT/tấn). Dự báo việc này sẽ tiếp tục diễn ra trong niên vụ 2013/14 do mức biên lợi nhuận của các nhà máy sản xuất đường giảm xuống.

Tại tỉnh Vân Nam, tỉnh trồng mía cây lớn thứ hai Trung Quốc, diện tích gieo trồng mía cây trong niên vụ 2013/14 dự kiến sẽ tăng 10% so với niên vụ trước. Do các khoản đầu tư trước mùa vào các nhà máy sản xuất đường đã hỗ trợ việc mở rộng sản xuất mía. Thêm vào đó, vị trí địa lý của tỉnh Vân Nam nằm sâu trong đất liền cho phép Vân Nam ít phải đối mặt với sự cạnh tranh về nguồn nhân lực hơn so với các tỉnh ven biển của Trung Quốc; do vậy chi phí sử dụng đất và nhân công của tỉnh Vân Nam thấp hơn tỉnh Quảng Tây. Tuy nhiên diện tích gieo trồng mía cây tại tỉnh Vân Nam có tiếp tục tăng lên hay không có thể phụ thuộc vào liệu giá đường sẽ tiếp tục giảm đến đâu.

Sự sụt giảm của giá đường đang khiến mức lợi nhuận biên của các nhà máy sản xuất mía đường tại Trung Quốc bị thu hẹp lại. Giá bán buôn đường trung bình trong niên vụ 2012/13 đã giảm xuống còn 5.532 NDT/tấn; so với mức 6.372 NDT/tấn vào niên vụ trước. Trong khi đó, chi phí sản xuất trung bình dao động từ 5.300 NDT đến 5.400 NDT/tấn.

Chi phí sản xuất tăng cao trở thành vấn đề khó khăn dài hạn đối với ngành mía đường Trung Quốc, đặc biệt, trong bối cảnh giá đường quốc tế xuống thấp. Kể từ khi Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ các nhà sản xuất mía đường nội địa của mình bằng việc thu mua với mức giá cao hơn giá quốc tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho đường nhập khẩu xâm nhập thị trường Trung Quốc.

Bảng giá thu mua mía cây tại một số tỉnh trồng chính thuộc Trung Quốc

Củ cải đường

Dự kiến diện tích gieo trồng của cải đường trong niên vụ 2013/14 tại Trung Quốc sẽ đạt 210.000 ha, giảm 30% so với dự báo trước đó của USDA. Hầu hết sự sụt giảm diện tích gieo trồng xảy ra tại tỉnh Tân Cương , khu vực trồng củ cải đường lớn nhất Trung Quốc, do nông dân tại khu vực này chuyển sang trồng ngô, loại cây trồng cho mức lợi nhuận cao hơn củ cải đường. Sản lượng củ cải đường từ các tỉnh Tân Cương, Hắc Long Giang, khu vực Nội Mông chiếm khoảng 90% tổng sản lượng củ cải đường của Trung Quốc.

Sản lượng củ cải đường của Trung Quốc trong niên vụ 2013/14 dự báo đạt 10,5 triệu tấn, giảm 2 triệu tấn so với dự báo trước đó do diện tích gieo trồng và năng suất trung bình giảm xuống. Dựa trên số liệu của Tổng cục thống kê Trung Quốc, sản lượng củ cải đường của Trung Quốc trong niên vụ 2012/13 được USDA hạ dự báo xuống mức 11,7 triệu tấn.

Giá thu mua củ cải đường tại một số tỉnh trồng chính thuộc Trung Quốc

Tình hình tiêu thụ

Dựa trên các báo cáo về nguồn cung, mức dự trữ đường hiện sẵn có cùng với xu hướng tiêu thụ, USDA dự báo, lượng đường tiêu thụ của Trung Quốc sẽ tăng 6% trong niên vụ 2013/14 và 2012/13.

Lượng đường tiêu thụ trong niên vụ 2012/13 của Trung Quốc dự báo đạt 15,1 triệu tấn (tạm tính), tăng 6% so với niên vụ trước. Việc giá đường sụt giảm nhanh hơn giá đường gốc tinh bột, đã giúp giá đường trở nên cạnh tranh hơn và khiến nhu cầu gia tăng lên. Các nguồn tin từ ngành mía đường của USDA dự báo trong niên vụ 2013/14, giá đường sẽ tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh về giá so với đường gốc tinh bột trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống do sản lượng đường và mức dự trữ đường tăng cao.

Giá trung bình của đường và đường gốc tinh bột tại Trung Quốc (10/2010 - 10/2013)

Giao dịch đường

Trong niên vụ 2013/14, dự kiến lượng đường được Trung Quốc nhập khẩu sẽ đạt 2,8 triệu tấn (tạm tính), tăng 200.000 tấn so với con số ước tính của niên vụ 2012/2013 do đường thô nhập khẩu được dự báo sẽ có mức giá cạnh tranh hơn giá đường nội địa Trung Quốc.

Lượng đường được Trung Quốc nhập khẩu trong niên vụ 2012/13 hiện được dự báo đạt 3,8 triệu tấn; tăng cao đáng kể so với mức hạn ngạch thuế quan (TRQ): 1,95 triệu tấn. Mặc dù lượng đường được nhập khẩu ngoài mức hạn ngạch thuế quan sẽ phải chịu mức thuế suất 50%, đường thô và đường tinh luyện nhập khẩu vẫn có giá cạnh tranh hơn giá đường nội địa Trung Quốc do giá đường quốc tế ở mức thấp. Phản ứng lại với điều này, các nhà sản xuất đường Trung Quốc đang vận động Chính phủ Trung Quốc nâng cao mức thuế suất đối với lượng đường nhập khẩu ngoài hạn ngạch nhằm bảo vệ ngành sản xuất đường nội địa. Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc dường như sẽ không thay đổi mức thuế suất hiện tại do thiếu hụt nguồn cung tại Trung Quốc.

Nhằm tận dụng mức chênh lệch giữa quốc tế và giá nội địa Trung Quốc đối với đường thô, một số công ty thuộc Chính phủ Trung Quốc và công ty tư nhân đang đầu tư vào các nhà máy tinh luyện đường gần các cảng biển. Theo Hiệp hội mía đường Trung Quốc (CSA), tổng công suất sản xuất đường tinh luyện của Trung Quốc đã tăng từ 3 triệu tấn trong năm 2010 lên mức 7 triệu tấn trong năm 2013 và tiếp tục được mở rộng do các nhà máy mới dự kiến được xây dựng. Tuy nhiên, CSA đang thúc giục ngành mía đường Trung Quốc cẩn trọng với những rủi ro trên thị trường và cân nhắc về mức lợi nhuận biên thấp mà các nhà sản xuất đường nội địa Trung Quốc đang phải chịu trong những năm gần đây.

Dự trữ đường tại Trung Quốc

Lượng đường dự trữ tính đến cuối niên vụ 2013/14 của Trung Quốc dự báo sẽ đạt mức cao nhất từng được ghi nhận với 8,4 triệu tấn (tạm tính). Trong niên vụ 2012/13, Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã tuyên bố Chính phủ Trung Quốc sẽ mua vào 3 triệu tấn đường nội địa cho kho dự trữ quốc gia với giá 6.100 NDT/tấn như là một phương án để hỗ trợ thu nhập cho nông dân trồng mía đường tại nước này. Tuy nhiên, tổng lượng thu mua thực tế chỉ đạt 1,8 triệu tấn. NDRC đã yêu cầu đường được bán cho kho dự trữ quốc gia phải có thời hạn sử dụng 18 tháng.

Dựa trên những hoạt động thu mua trước đây cho việc dự trữ và nhập khẩu đường của Chính phủ Trung Quốc, USDA ước tính lượng đường dự trữ tính đến cuối niên vụ 2013/14 của Trung Quốc đạt 6,8 triệu tấn với lượng đường tại các kho dự trữ quốc gia Trung Quốc ước đạt 5,5 triệu tấn. USDA dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ giữ lượng đường dự trữ này trong ngắn hạn.

Các loại đường khác

Đường hóa học (saccharine)

Chính sách của Chính phủ Trung Quốc quản lý chặt chẽ việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất đường hóa học tại Trung Quốc nhằm bảo vệ thị trường đường nội địa, cùng với đó là các lo ngại ảnh hưởng xấu đến môi trường, an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng. Chính phủ Trung Quốc thực thi việc quản lý bằng các biện pháp như hạn chế việc sản xuất đường hóa học và kinh doanh trong nội địa, tiến hành các báo cáo xem xét hàng năm về các kế hoạch sản xuất đường hóa học, tiêu chuẩn hóa các các thức sử dụng đường hóa học làm chất phụ gia trong thực phẩm. Hiện chỉ có 4 nhà máy duy nhất tại Trung Quốc được cấp phép sản xuất đường hóa học.

CSA quản lý và thanh tra, kiểm tra các nhà máy sản xuất đường hóa học tại Trung Quốc. Theo các nguồn tin trong ngành mía đường Trung Quốc của USDA, kế hoạch sản xuất đường hóa học trong năm 2013 được giữ không đổi so với năm 2012 tại mức 19.000 tấn (3.200 tấn để tiêu thụ nội địa và 15.800 tấn dùng để xuất khẩu). Hàng năm, lượng đường hóa học được bán trong nội địa Trung Quốc vượt quá kế hoạch đề ra của Chính phủ Trung Quốc. Ví dụ, trong năm 2012, lượng đường hóa học được bán trong nội địa Trung Quốc đạt 3.787 tấn.

Các chất tạo ngọt gốc tinh bột

Việc giá đường giảm đã dẫn đến nhu cầu sử dụng đường gốc tinh bột giảm xuống trong năm 2013. Theo nguồn tin trong ngành mía đường Trung Quốc của USDA, tổng lượng đường gốc tinh bột trong năm 2013 của Trung Quốc dự báo đạt 12,70 triệu tấn, giảm 2% so với năm trước. Trong năm 2012, sản lượng đường gốc tinh bột của Trung Quốc ước đạt 13 triệu tấn, cao hơn 10% so với năm 2011. Khi giá trở nên cạnh tranh hơn, đường gốc tinh bột có thể được sử dụng như một nguyên liệu thay thế cho đường trong chế biến thực phẩm, sản xuất bánh kẹo, bơ sữa, nước giải khát và dược phẩm.

Một số bảng biểu khác

Bảng 1: Lượng đường Trung Quốc nhập khẩu theo các thị trường trong niên vụ 2011/12 (tấn)



Bảng 2: Lượng đường Trung Quốc nhập khẩu theo các thị trường trong niên vụ 2011/12 (tấn)