Theo nghiên cứu mới nhất của Hội Khoa học công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (VECEA) về thực trạng sử dụng máy móc, cũng như bảo vệ môi trường của ngành dệt, nhuộm Việt Nam, cho thấy, năm 2016 chuyên ngành dệt nhuộm Việt Nam có 1.335 doanh nghiệp, tăng 334 doanh nghiệp so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp toàn ngành đạt trung bình 8,66%/năm.
Năm 2018-2019, VECEA đã có cuộc điều tra, khảo sát trong các doanh nghiệp của ngành dệt, nhuộm. Kết quả cho thấy, tỷ lệ thiết bị nhuộm của các doanh nghiệp dệt nhuộm trên 17 năm tuổi (từ năm 2000 trở về trước) là 12,8%; các thiết bị có tuổi đời dưới 10 năm là 34% và các thiết bị có tuổi đời dưới 7 năm chiếm tỷ lệ 36,2%. Điều này cho thấy, những thiết bị cũ, lạc hậu, năng suất thấp, ô nhiễm môi trường đã được các đơn vị loại bỏ, đồng thời bổ sung những thiết bị khá mới.
Cũng theo nghiên cứu này, thực tế quy trình xử lý nhuộm - hoàn tất của các đơn vị ở Việt Nam đang sử dụng cả 3 dạng quy trình gián đoạn, bán liên tục (cuộn ủ) và liên tục. Trong nhuộm gián đoạn thì thiết bị có dung tỷ từ 1:10-1:15 chiếm đa số khoảng 70%, dung tỷ thấp từ 1:2,5-1:8 chiếm 26%, còn lại 14% là dung tỷ cao từ 1:20 trở lên.
Với 70% thiết bị có dung tỷ 1:10-1:15, lượng nước cấp, nước thải của quá trình nhuộm và hoàn tất vẫn còn lớn, kéo theo các chi phí về xử lý nước cấp, hóa chất, thuốc nhuộm, xử lý nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với cả nước cấp và nước thải vào giá thành của sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm, gia tăng áp lực cho doanh nghiệp về kinh tế, môi trường; giảm hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp trong cộng đồng.
Theo số liệu thống kê, toàn ngành dệt may thải ra môi trường trung bình khoảng 70 triệu m3 nước thải/năm. Tuy nhiên, hiện tình hình ô nhiễm môi trường ngành dệt may, trước hết là ô nhiễm nước thải ở nhiều khu vực vẫn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã di dời đến khu tập trung có các trung tâm xử lý nước thải hiện đại, tuy nhiên số lượng nhà máy dệt - nhuộm nằm trong khu vực này là chưa nhiều. Mới có khoảng hơn chục doanh nghiệp được chứng nhận đạt quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000.
Hầu hết các doanh nghiệp còn lại vẫn chỉ áp dụng các biện pháp xử lý nước thải thô sơ, nước thải sau xử lý vẫn chứa phần lớn các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các khu công nghiệp làng nghề.
Đã có nhiều doanh nghiệp bên cạnh việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung thì còn áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn.
Trên cơ sở các nghiên cứu này, VECEA đã đề xuất định hướng ưu tiên phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường đối với công nghiệp dệt, nhuộm Việt Nam đến năm 2025. Cụ thể:
Các công nghệ sạch xử lý hoàn tất cho sản xuất vải bông
Nhóm nghiên cứu của VECEA đã đề xuất sử dụng 26 công nghệ hiệu quả trong xử lý vật liệu bông. Sử dụng những công nghệ này cần đầu tư từ thấp đến cao. Các công nghệ này thuộc bốn nhóm, cụ thể như sau:
a) Quá trình xử lý
Chuẩn bị và nhuộm cuộn ủ lạnh; Xử lý liên tục vải dệt kim; Chuẩn bị vải dệt thoi hai công đoạn; Kết hợp nấu và tẩy trắng sợi và vải dệt kim; Nhuộm, hoàn tất và tráng phủ ngoài; Công nghệ nhuộm Econtrol; Nhuộm đúng màu từ lần nhuộm đầu tiên.
b) Hóa chất và thuốc nhuộm
Cation hóa cho nhuộm không dùng muối; Nhuộm hoạt tính gắn màu cao với ít muối hơn; Xử lý enzym; Thuốc nhuộm khử trước dạng dung dịch; Áp dụng ngấm ép pigment.
c) Thiết bị
Máy nhuộm Jet dung tỷ thấp; Nhuộm quả sợi dung tỷ thấp; Thu hồi và tái sử dụng xút; Bảo ôn máy nhuộm, sấy và máy sấy văng; Gia nhiệt nước bằng năng lượng mặt trời.
d) Các hệ thống kiểm soát và quản lý
Nhuộm và cấp hóa chất tự động; Thiết bị kỹ thuật cao và kiểm soát quá trình
Danh mục các công nghệ khuyến khích đầu tư
a) Công nghệ xử lý trước vải bông thân thiện môi trường
Công nghệ tiền xử lý vải sợi bông sử dụng men vi sinh.
b) Công nghệ nhuộm tận trích vải bông bằng thuốc nhuộm hoạt tính thân thiện với môi trường
Các phương pháp hiện có trong ứng dụng các công nghệ nhuộm bằng thuốc nhuộm hoạt tính thân thiện với môi trường gồm:
+ Nhuộm dung tỷ thấp
+ Nhuộm tận trích xơ xenlulô bằng thuốc nhuộm hoạt tính đa chức
+ Nhuộm tận trích xenlulô bằng thuốc nhuộm hoạt tính ít sử dụng muối
+ Xử lý giặt sau nhuộm hoạt tính bằng enzym
+ Nhuộm cuộn ủ nguội
+ Phương pháp gắn màu không sử dụng silicat trong nhuộm cuộn ủ nguội
+ Quy trình nhuộm Econtrol®.
c) Công nghệ nhuộm vải PET thân thiện môi trường
Nhuộm vật liệu dệt từ xơ polyeste bằng thuốc nhuộm phân tán với 5 giải pháp nhằm đảm bảo quá trình nhuộm đáp ứng các tiêu chí thân thiện với môi trường
d) Công nghệ xử lý chống nhàu vải bông thân thiện môi trường
+ Sử dụng hồ mềm silicon kết hợp với chất tạo liên kết ngang chứa ít hoặc không chứa formaldehyt trong xử lý hoàn tất.
+ Sử dụng chất liên kết ngang không fomaldehyt.
Các thuốc nhuộm và chất trợ thân thiện với môi trường
Hiện có bốn nhóm các thuốc nhuộm thân thiện với môi trường thông dụng là các thuốc nhuộm hoạt tính, thuốc nhuộm phân tán, thuốc nhuộm axit và thuốc nhuộm trực tiếp.
Kỹ thuật nhuộm đúng màu ngay lần nhuộm đầu tiên
Khái niệm xử lý đúng lần đầu tiên (RFT) được công nhận nhanh chóng vào những năm 1980, khi thuật ngữ ban đầu được sử dụng là nhuộm mù màu.
RFT được công nhận là đã mang lại cho các sản phẩm chất lượng cao hơn, cũng như tối ưu hóa năng suất, hiệu quả xử lý, tối ưu lợi nhuận và đồng thời giảm thiểu tải lượng thải bỏ ra môi trường.
Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất dệt nhuộm bền vững
Các lĩnh vực ứng dụng chính của công nghệ sinh học trong công nghiệp dệt gồm: Cải tiến các loại cây sử dụng trong sản xuất xơ dệt; Cải thiện xơ lấy từ động vật; Tạo ra các xơ mới từ polyme sinh học và từ vi sinh học biến đổi gen; Thay thế quá trình xử lý sử dụng các hóa chất độc hại và yêu cầu năng lượng bằng quá trình xử lý enzym trong gia công, xử lý hoàn tất dệt; Các hướng thân thiện môi trường cho chất trợ dệt; Phát triển các chất tẩy rửa trên cơ sở enzym năng lượng thấp; Quản lý chất thải.
Cải tiến thiết bị xử lý dệt nhuộm thân thiện với môi trường
Tối ưu hóa thiết bị để thích ứng với máy nhuộm Jet; Giảm thiểu thất thoát dung dịch trong quá trình nhuộm cuộn ủ lạnh; Tối ưu hóa việc tiêu thụ năng lượng trên máy sấy văng (stenter); Công nghệ plasma.
VECEA cũng đề nghị, cần hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch, từng bước thực hiện đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng công nghệ sạch trong toàn ngành công nghiệp dệt, nhuộm để đến năm 2030, 100% các cơ sở sản xuất trong toàn ngành công nghiệp dệt nhuộm phải áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch.