“Ngấm đòn” Covid-19, nhưng kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng
3,82% là tốc độ tăng trưởng kinh tế của quý I/2020. Khi con số này được Tổng cục Thống kê chính thức công bố cuối tuần qua, không ít người bất ngờ, bởi trong các kịch bản tăng trưởng kinh tế được đưa ra trước đó, thì dù kém lạc quan nhất, tăng trưởng GDP quý I cũng được dự báo ở mức trên 4,2%.
Rõ ràng, tác động của dịch Covid-19 nặng nề và nghiêm trọng hơn dự báo. Điều này xảy ra không chỉ với Việt Nam, mà trên toàn cầu. Ngay cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng đã liên tục có những kịch bản khác nhau về tác động của dịch Covid-19 tới kinh tế Việt Nam và toàn cầu. Dịch Covid-19 đã diễn biến quá nhanh, từ tâm dịch đầu tiên ở Vũ Hán (Trung Quốc), giờ đã lan ra toàn cầu, với số người mắc bệnh tính đến ngày 28/3 đã lên tới gần 600.000 ca.
Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới năm nay sẽ bằng 0. Bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc IMF còn nói rằng, đại dịch Covid-19 đã đẩy kinh tế toàn cầu vào suy thoái và thậm chí, mức độ còn tồi tệ hơn năm 2009, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu như vậy, theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm là “thắng lợi của các cấp, các ngành, cộng đồng doah nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định tương tự. Theo ông Hiếu, bức tranh kinh tế quý I vẫn “tương đối khả quan”, mặc dù đã có sự suy giảm cho với thời kỳ trước. “Kinh tế Việt Nam thường quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước, nên mức tăng trưởng này không đáng lo ngại lắm”, ông Hiếu nói.
Đúng là trên một khía cạnh nào đó, đây vẫn là dấu hiệu đáng ghi nhận, nhất là ở một nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Chưa kể, ở trong nước, cũng còn nhiều yếu tố rủi ro, khó khăn, như hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, dịch bệnh ở gia súc, gia cầm…
Cũng chính vì những yếu tố rủi ro như vậy, mà trong quý I/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ tăng 0,08% và đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung. Thậm chí, trong khu vực này, ngành nông nghiệp tăng trưởng âm 1,17%.
Ngành nông nghiệp, trong những giai đoạn kinh tế khó khăn, đã từng được coi là một “điểm tựa” quan trọng. Nhưng nay, điểm tựa đang bị lung lay. Trong khi đó, hai khu vực kinh tế còn lại cũng tăng trưởng ở mức thấp. Cụ thể, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,15%, đóng góp 58,4%; khu vực dịch vụ tăng 3,27%, đóng góp 41,4% vào tăng trưởng chung.
Không thể kỳ vọng kinh tế tăng trưởng cao
Dù nhìn ở góc độ lạc quan nhất để thấy rằng, nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng, song rõ ràng cũng phải thừa nhận, mức tăng trưởng 3,82% của quý I/2020 là rất thấp, thấp nhất trong các quý I từ năm 2011 đến nay, thậm chí chỉ bằng một nửa so với tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2018. Câu hỏi đặt ra là, năm 2020, nền kinh tế sẽ tăng trưởng như thế nào?
Một cách thẳng thắn, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Tổng cục Thống kê đã liên tục cập nhật các kịch bản tăng trưởng. Ban đầu, các phương án được đưa ra là khi dịch được khống chế trong quý I hoặc quý II, nhưng bây giờ, các giả thiết phải “đẩy lùi” dịch sang kết thúc vào quý II hoặc quý III/2020.
“Ở cả hai kịch bản, tăng trưởng GDP đều chỉ trên 5%, nếu dịch kéo dài hết quý III, thì vẫn tăng trưởng trên 5%, nhưng thấp hơn kịch bản 1”, ông Lâm nói.
“Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm, nếu kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên 5% đã là thành công rực rỡ”, ông Lâm nói.
Nhìn vào tốc độ tăng trưởng của cả 3 khu vực kinh tế trong quý I, khó có thể kỳ vọng kinh tế tăng trưởng ở mức cao trong năm nay. Thậm chí, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, sang quý II, kinh tế sẽ còn khó khăn hơn.
Điều này cũng đã được nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình. Bởi thực tế, quý I năm nay, nền kinh tế vẫn đang được hưởng lợi từ “đà tăng trưởng” của năm ngoái. Các hợp đồng xuất khẩu, sản xuất cũng được ký kết từ trước, nên tình hình khá ổn định trong 2 tháng đầu năm. Phải sang tháng 3, tình hình mới khó khăn hơn. Nhưng sang quý II, tình hình sẽ khác, khi nhiều nước đã thực hiện biện pháp “bế quan, tỏa cảng”; ngay cả ở Việt Nam, lệnh đóng cửa các cửa hàng, các dịch vụ không thiết yếu cũng sẽ được thực hiện tới giữa tháng 4. Điều này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới kinh tế Việt Nam trong quý II và cả năm.
“Rất muốn lạc quan, nhưng với tình hình hiện tại, khó có thể lạc quan. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta cần có liều thuốc riêng cho kinh tế Việt Nam”, ông Hiếu nói.
Hiện tại, để cứu nền kinh tế, các nước đều có các gói cứu trợ. Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ, mà Nghị quyết số 11/NQ-CP là ví dụ điển hình. Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để có thêm chính sách, nhằm vực dậy nền kinh tế khi dịch bệnh qua đi.