Đại dịch Covid-19 và những tuyến “chốt chặn” của nền kinh tế

3 tuyến “chốt chặn” tuy không thể ngăn cản cuộc suy thoái kinh tế gây ra bởi đại dịch trên quy mô toàn cầu, diễn ra ở hơn 200 nước nhưng có thể kiềm chế ở mức thấp nhất, với chi phí “rẻ” nhất.

Nhận diện điểm xung yếu

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Gần như toàn bộ các chỉ số tăng trưởng của quý I năm 2020 đều thấp hơn quý I của các năm trong giai đoạn 2016-2020, từ GDP cho đến tiêu dùng, xuất khẩu, dịch vụ, du lịch, đầu tư… Việc so sánh các chỉ số của quý I qua các năm có thể chưa có nhiều ý nghĩa mang tính luận giải, vì đương nhiên, một dịch bệnh mang tính toàn cầu, diễn ra ở hơn 200 quốc gia tất sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi nền kinh tế.

Dưới đây là bảng so sánh đóng góp vào mức tăng trưởng chung trong quý I của các khu vực kinh tế từ 2016 đến nay. Đơn vị tính (%)

bang 1

Số liệu trên bảng cho thấy, khi xuất hiện tình huống khủng hoảng, bao giờ khu vực nông nghiệp sẽ bị tổn thương trước hết. Quý I năm nay, với xâm nhập mặn diễn ra sớm, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, và đại dịch Covid-19 đã khiến khu vực này chỉ tăng 0,08%,  đóng góp có 0,2% vào mức tăng trưởng chung.

Nếu quý I/2016 nông nghiệp thất thu chủ yếu về sản lượng do bất lợi thời tiết, thì quý I năm nay thiệt hại “kép”, ở cả sản lượng và đầu ra sản phẩm. Dịch bệnh covid-19 làm doanh nghiệp nông lâm thủy sản giảm 35%-50% đơn hàng do đối tác hủy, hoãn hợp đồng. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm so với cùng kỳ năm trước: Thủy sản giảm 11,9%, rau quả giảm 11,5%, cà phê giảm 6,4%, cao su giảm 26,1%, tiêu đạt giảm 17,6%...

Công nghiệp - Xây dựng lên ngôi

Với hai khu vực còn lại, có 3 điểm đáng chú ý. Thứ nhất, từ nhiều năm trước cho đến 2018, đóng góp vào mức tăng trưởng chung của khu vực công nghiệp-xây dựng luôn thấp hơn dịch vụ. Từ 2019 có sự đổi ngôi, khu vực công nghiệp-xây dựng vượt lên dẫn đầu.

Thứ hai, nếu so sánh quý I/2019 và 2020 sẽ thấy khoảng cách đóng góp giữa 2 khu vực có độ dãn cách rất mạnh. Cụ thể, khoảng cách chênh lệch giữa công nghiệp-xây dựng quý I/2019 là 51,2% - 41,4% = 7,3%; trong khi quý I/2020 khoảng cách này tăng lên hơn 2 lần (58,4% - 41,4% = 17,0%).

Nguyên nhân chính là dịch vụ, bao gồm du lịch và vận tải hàng không đã bị giáng một đòn nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể quý I/2020 doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 9,6%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 27,8%; vận tải hành khách giảm 6,1%, trong đó vận tải hàng không giảm 8%; khách du lịch quốc tế giảm 18,1%.

Thứ ba, vấn đề chính yếu là vì sao khu vực công nghiệp-xây dựng bỏ xa khu vực dịch vụ với sự đóng góp vào mức tăng trưởng chung gần 60%? Nhất là trong tình hình nhiều ngành sản xuất công nghiệp đang khó khăn vì đại dịch?

cong nghiep xay dung
Từ 2019 khu vực công nghiệp-xây dựng đã vượt lên dẫn đầu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp tăng 5,28%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%, thấp nhất giai đoạn 2016-2020 do Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều quốc gia đã ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo.

Cùng với nông nghiệp, công nghiệp cũng chịu thiệt hại kép. Đầu vào thiếu nguyên liệu, đầu ra nhiều ngành bị ách tắc. Một số đối tác của doanh nghiệp dệt may, da giày ở thị trường Mỹ và EU tạm hoãn và hủy đơn hàng dẫn đến lao động có khả sẽ thiếu việc làm 30% tới 50%; xuất khẩu dệt may giảm 8,9%, da giày giảm 1,9%... Vậy nhờ đâu mà khu vực công nghiệp-xây dựng vươn lên dẫn đầu trong đóng góp vào tăng trưởng chung?

Đó chính là nhờ ngành xây dựng. Vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước chủ yếu nhằm vào các công trình hạ tầng xây dựng-giao thông tăng 16,4% (cùng kỳ năm 2019 tăng 3,7%) mặc dù mặc dù kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 cao hơn 18% so với năm 2019.

Đây là tín hiệu tích cực phản ánh kết quả việc Chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và cũng là một nguyên nhân cơ bản nâng đỡ khu vực công nghiệp-xây dựng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Kiềm chế ở mức thấp nhất

Những số liệu ở 3 khu vực trên cho thấy, dịch bệnh Covid-19 đang dồn sức ép rất mạnh tới sức chống chịu của nền kinh tế, nhưng cũng mở ra một số tuyến phòng ngự “chốt chặn” của nền kinh tế. Trước hết, mặc dù kim ngạch xuất khẩu quý I/2020 chỉ tăng 0,5% so với cùng kỳ, nhưng nhìn trên tổng thể, cán cân thương mại vẫn thặng dư 2,8 tỷ USD, cao hơn so với 1,5 tỷ USD của cùng kỳ 2019.

Điều này cực kỳ quan trọng. Từ 2016 đến nay Việt Nam liên tục xuất siêu và tăng nguồn dự trữ ngoại hối. Năm 2016 dự trữ ngoại hối 31 tỷ USD thì 2019 con số đã lên 79 tỷ USD, tăng hơn 2 lần. Đến nay chưa có con số chính thức, nhưng dựa vào con số thặng dư xuất khẩu 2,8 tỷ USD quý I/2020, chắc chắn dự trữ ngoại hối đã vượt ngưỡng 80 tỷ USD, là tấm đệm lớn cho ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát.

thao go kho khan cho doanh nghiep
Các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những “chốt chặn” hiệu quả

Chúng ta biết rằng, ở 2 cuộc khủng hoảng trước: Cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm1998 đưa chỉ số lạm phát nước ta lên mức 9,2%; khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đưa chỉ số lạm phát lên 19,8%. Mức độ khác nhau, nhưng điểm chung ở 2 cuộc khủng hoảng này là lạm phát cao hơn tăng trưởng GDP từ 2 đến 3 lần; nhập siêu ở mức cao, từ 24% đến 30% trên tổng kim ngạch xuất khẩu; và giá đồng USD tăng mạnh từ 14% đến 21%.

Nhập siêu là nguyên nhân chính khiến đồng USD tăng, dẫn đến lạm phát phi mã. Lạm phát cao làm chi phí lãi vay của doanh nghiệp cao, làm khoản nợ nước ngoài của Chính phủ tăng lên do VND mất giá. Cuối cùng, VND mất giá khó thu hút đầu tư.

Tiếp tục xuất siêu trong quý I năm nay giúp cho lượng dự trữ ngoại hối dồi dào, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhập khẩu; đồng nội tệ ổn định, chỉ số giá USD tháng 3/2020 chỉ tăng 0,17% so với tháng trước; tăng 0,51% so với tháng 12/2019 và tăng 0,17% so với cùng kỳ năm 2019.

Cho đến lúc này có thể nói, các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, điều tiết nhập khẩu ở mức hợp lý là một trong những “chốt chặn” hiệu quả kiềm chế cuộc khủng hoảng dịch bệnh lây lan sang khủng hoảng kinh tế ở mức thấp nhất có thể.

Tuyến “chốt chặn” thứ hai là tiêu dùng nội địa. Quý I năm nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 1,2 triệu  tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 9,3%).

Nhưng xét về cơ cấu, mức tăng thấp hơn cùng kỳ 2019 chủ yếu xuất phát từ khu vực dịch vụ. Còn doanh thu bán lẻ hàng hóa  vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất với 79,1% và tốc độ tăng cũng cao nhất 7,7%. Chính vì thế, kích cầu trong nước là một trong 4 nội dung quan trọng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các địa phương ngày 31/3 vừa qua.

Tuyến “chốt chặn” thứ ba là xây dựng, một lĩnh vực có thể nói “miễn nhiễm” với đại dịch Covid-19 do ít bị ảnh hưởng bởi thị trường trong và ngoài nước. Khu vực xây dựng gắn với trọng tâm là giải ngân vốn đầu tư công, một kênh quan trọng cho tăng trưởng. Chúng ta có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay.

3 tuyến “chốt chặn” này tuy không thể ngăn cản cuộc suy thoái kinh tế bởi đại dịch trên quy mô toàn cầu, diễn ra ở hơn 200 nước, nhưng có thể kiềm chế ở mức thấp nhất, với chi phí “rẻ” nhất.

 

Nguyễn Văn