Trước đó, ngày 18 tháng 11 năm 2013 Hiệp hội các công ty sản xuất sợi nhân tạo Châu Âu (CIRFS: European Man-made Fibres Association) đã nộp hồ sơ tới EC yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống trợ cấp đối với mặt hàng sợi nói trên. Hiện nay sản phẩm này đang chịu mức thuế nhập khẩu vào EU là 4%.
Ngay sau khi có thông báo về việc các nhà sản xuất sợi Châu Âu nộp đơn yêu cầu, chính phủ Việt Nam đã tham gia phiên tham vấn với cơ quan điều tra và trình bày quan điểm, lập luận của Chính phủ đối với đơn kiện.
Tính từ năm 2009 đến nay, Việt Nam đã bị điều tra 4 vụ việc chống trợ cấp từ Hoa Kỳ liên quan đến sản phẩm túi PE, ống thép, mắc áo thép và tôm xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị kiện điều tra chống trợ cấp từ EU.
Sợi Polyester (polyester staple fibres- PSF)EC thông báo tiến hành điều tra đối với tất cả các chương trình/chính sách mà nguyên đơn cáo buộc là có thể trợ cấp dựa trên rất nhiều những văn bản pháp luật của Việt Nam liên quan đến chính sách ưu đãi đầu tư, ưu đãi lãi suất cho vay, miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu thô… Cụ thể, các chương trình/nhóm chương trình bị cáo buộc có thể được tóm tắt như sau:
(i) Các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp và bảo lãnh vay: mà các doanh nghiệp dệt và hoá chất Việt Nam nhận được từ các Ngân hàng; tín dụng ưu đãi đối với đầu tư nước ngoài;
(ii) Chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp và Khu Công nghệ cao: như trợ cấp xuất khẩu (tín dụng xuất khẩu và bảo lãnh tín dụng xuất khẩu), giảm thuế thu nhập doanh nghiệp….
(iii) Các chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp: miễn thuế nhập khẩu đối với thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định; khấu hao nhanh đối với tài sản cố định...;
(iv) Các ưu đãi về thuế: miễn thuế và hoàn thuế đã trả đối với nguyên liệu thô được nhập khẩu; ưu đãi thuế VAT đối với hàng xuất khẩu; ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp,
(v) Ưu đãi về quyền sử dụng đất: miễn giảm tiền thuê đất, mặt nước; cung cấp đất với giá thấp hơn giá thông thường
(vi) Các ưu đãi khác như: cung cấp nguyên vật liệu thô cho các doanh nghiệp PSF và hoá chất thuộc sở hữu nhà nước (SOEs) với giá thấp hơn giá thông thường; khấu hao nhanh; hỗ trợ đầu tư trong nước......
(vii) Ngoài ra EC có quyền thực hiện điều tra đối với những chương trình trợ cấp khác mà họ phát hiện được trong quá trình tiến hành điều tra chống trợ cấp
Cùng với thông báo khởi xướng này, EC đã đưa ra bản yêu cầu cung cấp thông tin dành cho các nhà xuất khẩu nhằm mục đích chọn mẫu (bản yêu cầu được gửi kèm thông cáo này). Các bên liên quan có 15 ngày kể từ ngày EU đăng công báo (19/12/2013) để trả lời bản yêu cầu nói trên.
Ngoài ra, trong vòng 21 ngày kể từ ngày EU đăng công báo (19/12/2013), các bên liên quan cũng có thể cung cấp thêm những thông tin khác liên quan đến việc chọn mẫu (ngoại trừ những thông tin đã khai trong bản yêu cầu nói trên).
Sau khi thực hiện việc chọn mẫu, cơ quan điều tra (EC) sẽ gửi bản câu hỏi (questionaire) tới các doanh nghiệp bị đơn. Doanh nghiệp bị đơn sẽ có 30 ngày kể từ ngày nhận được bản câu hỏi để trả lời.
Thời gian điều tra của vụ việc này là 13 tháng.
Trong các vụ điều tra phòng vệ thương mại, sự hợp tác của doanh nghiệp bị đơn với cơ quan điều tra đóng vai trò rất quan trọng ảnh hưởng tới việc cơ quan điều tra xem xét đánh giá thông tin do doanh nghiệp cung cấp. Trong trường hợp doanh nghiệp không hợp tác hay cung cấp thông tin sai lệch, căn cứ theo Điều 28 của Luật chống trợ cấp của EU, cơ quan điều tra có thẩm quyền loại bỏ không xem xét thông tin do doanh nghiệp cung cấp mà thay vào đó sử dụng những thông tin bất lợi sẵn có. Việc sử dụng những thông tin bất lợi này sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến kết quả của vụ việc và tạo ra những tiền lệ không tốt cho những vụ việc có thể xảy ra trong tương lai.