Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội.
Về phía khách mời có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; đại diện các cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Nội chính Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Bộ Quốc phòng, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết dự kiến trong 2 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến xem xét đối với 2 nhóm vấn đề.
Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với các dự án luật dự kiến trình Quốc hội xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ 7. Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 7 sẽ có 10 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu. Căn cứ vào kết quả và tiến độ chuẩn bị, tính đến nay mới 5 dự án luật có đủ hồ sơ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp này, gồm: dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về hồ sơ của dự án Luật Phòng không nhân dân.
Trong đó, dự án Luật Phòng không nhân dân là luật hoàn toàn mới để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng ta về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đối với Dự án Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, theo Nghị quyết 41/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh chương trình xây dựng pháp luật và pháp lệnh năm 2024 đã có kết luận là: "Trường hợp dự án luật này được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội đạt được sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo quy trình tại một kỳ họp".
Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vị trí việc làm đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngày 1/7 tới sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Nội hàm cơ bản nhất của cải cách chính sách tiền lương lần này là trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh của cán bộ lãnh đạo. Để tiến hành xây dựng hệ thống thang bảng lương thì việc quan trọng đầu tiên là phải xây dựng được vị trí việc làm. Trong phân công của Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải xem xét ban hành nghị quyết này làm căn cứ để xây dựng thang bảng lương áp dụng cho: đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở Trung ương; cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Văn phòng Quốc hội; Viện Nghiên cứu lập pháp; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, ngoài phiên họp thường kỳ tháng 4, một số các dự án luật còn lại, một số dự thảo nghị quyết của Quốc hội có thể tiếp tục phải họp thêm trong tháng 4 và tháng 5 để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7. Do đó, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tăng cường phối hợp với các cơ quan của Chính phủ và các cơ quan trình để sớm có tài liệu.
Ngay sau phát biểu khai mạc, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Ngày 29/12/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 41/2023/UBTVQH15 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Sau khi điều chỉnh, theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) Quốc hội sẽ thông qua 9 Luật, 1 Nghị quyết và cho ý kiến 12 dự án Luật; tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) Quốc hội sẽ thông qua 12 Luật, cho ý kiến 3 dự án Luật.
Cụ thể, Quốc hội sẽ thông qua 9 Luật tại Kỳ họp thứ 7 gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Trình Quốc hội cho ý kiến 12 dự án Luật: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
12 dự án Luật này sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8; đồng thời trình Quốc hội cho ý kiến 3 dự án Luật gồm: Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi).