Chị Hoa, ở quận 5 (TP HCM) cho biết, mỗi năm chỉ có một mùa vải nên thấy cửa hàng trái cây Hà Nội đăng bán là chị đặt liền. Vì là hàng đầu mùa lại đi đường hàng không nên chị phải trả tới 150.000 đồng một kg.
"Số lượng hàng bán tại các cửa hàng không nhiều chỉ vài chục kg nên chúng có giá khá cao. Dẫu vậy, vải đầu mua ăn vẫn còn chua chứ không đậm đà như chính vụ", chị Hoa nhận xét.
Chị Loan, chủ cửa hàng trái cây trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp) cho biết, giá vải năm nay cao hơn năm ngoái. Cùng kì năm ngoái vải đầu mùa được chị bán với giá 60.000 đồng thì nay tăng lên 80.000 đồng một kg. "Đây là vải được hái tại một số nhà vườn ở miền Nam chứ không phải miền Bắc nên giá thấp hơn. Còn vải đi đường hàng không thì giá quá cao chị không dám nhập để bán", chị Loan nói.
Các sản phẩm này đang có giá cao, theo chị Thanh, là vì năm nay vải mất mùa, trong khi đó, vải sớm được tuyển chọn từ các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng ngon và thời gian bảo quản lâu hơn, nên giá cao. Riêng với hàng GlobalGAP, đa phần được các đơn vị đặt hàng đi xuất khẩu nên cần mua, thương lái phải mua với số lượng lớn.
Không chỉ vải được bán giá cao tại Sài Gòn mà ở Hà Nội, sản phẩm này cũng tăng giá mạnh hơn so với năm ngoái. Tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên, loại rẻ nhất nhập là 40.000–45.000 đồng một kg loại xô, còn loại 1 có giá 60.000-80.000 đồng. Riêng giá bán lẻ tại các chợ và cửa hàng thực phẩm sạch dao động 70.000-100.000 đồng một kg.
Theo dự báo của huyện Lục Ngạn, sản lượng vải thiều toàn huyện năm nay đạt hơn 80.000 tấn, trong đó có khoảng 12.500 tấn vải chín sớm. So với vụ vải thiều trước, năm nay sản lượng vải của Lục Ngạn giảm gần 50%.
Nguyên nhân là thời tiết không thuận lợi, nhiều hộ trồng theo phương pháp hữu cơ nên sản lượng trái thu hoạch không nhiều. Do đó, giá vải thiều đang ở mức cao, mức bình quân giá tại vườn chờ thu hoạch là 40.000 đồng một kg, gấp 3 lần so với mùa vải trước (năm 2018 trung bình giá vải 12.000 đồng một kg).