Bản chất của kinh doanh là tìm kiếm lợi nhuận, làm giàu. Trên thực tế, có những doanh nghiệp thành công dễ dàng, làm gì cũng thuận buồm xuôi gió; sản xuất hàng tiêu dùng: đắt khách; mở rộng sang may mặc: đơn hàng nối nhau chảy về; làm thêm xuất khẩu nông sản: kim ngạch tăng theo từng năm. Trong khi cũng có những doanh nghiệp lận đận chuyển hết nghề này đến nghề khác, luôn cảm thấy bấp bênh từ dòng vốn, cho đến đối tác cũng như sự thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao tôi cố gắng rất nhiều, nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu, thậm chí không được gì, rồi than thân, trách phận. Cùng một hoàn cảnh như vậy, nhưng một số người khác không oán trời, trách người. Họ quan sát, họ suy ngẫm và đi đến kết luận: Chúng ta sống trong một thế giới được chi phối bằng quy luật, không phải bằng sự tình cờ; mỗi nguyên nhân hay hành động đều cho ra một loại kết quả nào đó cho dù chúng ta có nhìn thấy nó hay không.
Sự thực là, quy luật “Nhân-Quả” hiện diện trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Quy luật này không do một đấng quyền năng nào chi phối, mà là quy luật của tự nhiên. Hành động tốt, mang lại lợi ích cho cộng đồng, sẽ có kết quả tốt đẹp. Hành động bất hợp pháp, vi phạm tiêu chuẩn đạo đức cộng đồng, sẽ mang về kết quả tệ hại.
“Nhân-Quả” là một thuyết phổ biến trong các tôn giáo lớn. “Nhân-Quả” trong đạo Phật giáo chỉ mối quan hệ qua lại giữa các sự vật và hiện tượng trong thế giới, nguyên nhân này sẽ dẫn đến kết quả kia. Thuyết “Nhân-Quả” cũng được đề cập đến trong Ki tô giáo về Luật gieo-gặt của cái chết, Luật này nói rằng, “Con người ta gieo cái gì , thì đó cũng là cái mà họ sẽ gặt được”.
Kant, một triết học gia người Đức cho rằng, tất cả những hiện tượng trong thiên nhiên đều nằm trong liên hệ nhân quả và cùng nằm trong qui luật: Mọi “quả” đều có “nhân”, quả thành tựu là do nhân. Nhà khoa học người Anh Isaac Niu-tơn, khẳng định: “Luôn luôn có một phản ứng ngang bằng và ngược chiều cho mọi hành động”. Các cụ ta ngày xưa đã chiêm nghiệm “gieo gió, gặt bão”; “ác giả ác báo”; “có phúc có phần”; “của thiên trả địa”; “con dại cái mang”; “ở hiền gặp lành”; “đời cha ăn mặn đời con khát nước”; “có làm thì mới có ăn”…
Trên thế giới, nhiều doanh nhân, bằng kinh nghiệm thực tiễn đã thấu hiểu rằng, “cho đi là còn mãi”; rằng cuộc sống chính là quá trình trao tặng và đón nhận không ngừng. Có rất nhiều thứ chúng ta có thể trao tặng cho người khác, từ của cải vật chất cho đến một lời khuyên, kinh nghiệm, lời nói chân tình, hay thậm chí chỉ là một ánh mắt thiện cảm, một nụ cười đôn hậu… Những hành động chia sẻ đó thể hiện tấm lòng yêu thương của chúng ta dành cho mọi người. Và chắc chắn rằng chúng ta cũng sẽ đón nhận được không ít điều tuyệt vời bắt nguồn từ sự cho đi cao đẹp này. Charles Chuck Feeney, Warren Buffett, Bill Gates, Mark Zuckerberg... đều là những tỷ phú nổi tiếng thế giới về tài kinh doanh và hoạt động từ thiện.
Ở nước ta, những doanh nhân thành đạt nhất đều cho rằng, tiền không phải là động lực lớn nhất thúc giục họ hành động, hay quyết định. Năm 2018, Vingroup sau những thành công liên tục trên thương trường, bất ngờ công bố chiến lược trong 10 năm tới. Theo đó, công nghệ sẽ là số 1, công nghiệp là số 2 và thương mại dịch vụ (hiện đang là lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận nhất) chỉ ở số 3.
Không những thế, thương mại dịch vụ được xác định có nhiệm vụ “kiếm tiền để nuôi số 1 và số 2” theo như lời tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Bởi vì trong thời gian đầu chuyển hướng sang công nghệ, công nghiệp phải lấy thương mại dịch vụ bù lỗ cho ôtô, bù lỗ cho điện thoại thông minh. Đây là con đường chông gai, nhưng Vingroup quyết làm, vì theo chia sẻ của Chủ tịch Vingroup “Một khi công nghệ, công nghiệp phát triển rồi thì mình có thể góp phần đổi đời cho rất nhiều người. Ví dụ như người nghèo bây giờ một tháng thu nhập của họ không đáng kể, nhưng nếu họ trở thành những công nhân công nghệ bình thường thôi, lương của họ cũng sẽ cao hơn nhiều”. Phải chăng, động lực vì cộng đồng đã giúp Vingroup tiếp tục thành công và phát triển bền vững.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng con đường kinh doanh của ông có điểm gì vui, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương chia sẻ, mỗi giai đoạn sẽ có những tôn chỉ khác nhau.
"Giai đoạn 1 được đánh dấu khi vừa mới ra trường, bắt đầu đi làm. Lúc đó, tôn chỉ của mình chỉ là kiếm tiền để phụ giúp gia đình, nuôi sống bản thân, và lo được gia đình bằng năng lực của mình. Giai đoạn 2 là khi ta đã nhận thức được rằng ta hạnh phúc khi ta đạt được thành công. Hạnh phúc là cảm giác biến giấc mơ thành hiện thực. Hạnh phúc là khi làm được những việc lớn, mang lại lợi ích, giá trị cho nhiều người, cống hiến lớn cho xã hội. Ngày hôm nay, niềm vui của tôi là làm được nhiều việc, cống hiến được nhiều giá trị. Giờ đây, đó không chỉ là niềm vui cá nhân, mà còn là trách nhiệm. Mình cảm thấy có những việc mình làm sẽ hiệu quả hơn người khác. Nếu mình không làm việc đó thì tự mình cảm thấy có lỗi với xã hội, với đất nước".
Ông Nguyễn Thanh Trung, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tôn Đông Á bày tỏ quan điểm của mình: “Theo tôi, thành quả kinh doanh của doanh nghiệp đạt được, ngoài chiến lược, định hướng của chủ doanh nghiệp, sự hợp sức của người lao động thì có sự đóng góp to lớn từ người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung. Vậy nên, với Tôn Đông Á, trách nhiệm đóng góp cho xã hội nằm trong kế hoạch hàng năm như là một danh mục kinh doanh không thể thiếu của công ty. Tôn Đông Á sẵn sàng dành ra hàng tỷ đồng mỗi năm để tặng nhà, làm cầu đường nông thôn, cấp học bổng… cho người nghèo trên khắp cả nước”.
Những năm gần đây, Tập đoàn Novaland đã dành hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng, giáo dục, sức khỏe và an sinh xã hội với hàng triệu người thụ hưởng trên khắp cả nước. Bên cạnh đó là các hoạt động mang tính bền vững, có tác động lâu dài đến sự phát triển của cộng đồng như: Trao học bổng đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, xúc tiến đầu tư - du lịch địa phương, tổ chức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật nhằm duy trì và phát huy bản sắc dân tộc... Mới đây, Tập đoàn đã tài trợ 11 tỷ đồng cho dự án trồng 50 triệu cây xanh tại Lâm Đồng, nhằm nâng cao tác dụng phòng hộ khu vực đầu nguồn, giảm sự tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giảm xói mòn, rửa trôi đất trong canh tác nông, lâm nghiệp, tạo thêm cảnh quan môi trường và phòng hộ sản xuất nông nghiệp, hướng tới nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân theo hướng phát triển bền vững. Và sẽ tiếp tục dự án trồng cây xanh ở nhiều tỉnh thành khác.
Sự thành công không chỉ đến với các doanh nghiệp lớn, quy luật “Nhân-Quả” có mặt ở mọi cá nhân, tổ chức ở nhiều quy mô khác nhau. Năm 2016 Hội LHPN xã Quảng Trị, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng đã thành lập mô hình “Tổ phụ nữ không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi” tại thôn 4. Kết quả xuất chuồng đàn lợn ngày càng tăng và thu lợi nhuận nhiều hơn. Cụ thể, khi mới thành lập mô hình, chị em trong tổ nuôi khoảng 200 con. Mỗi năm, xuất chuồng hơn 50 tấn lợn thịt, lãi suất trên 400 triệu đồng/năm. Năm 2017 có 300 con heo xuất chuồng khoảng đạt khoảng 62 tấn. Năm 2018 xuất chuồng khoảng 68 tấn, năm 2019 xuất chuồng khoảng 75 tấn, lãi 2,8 tỷ đồng, và năm 2020 xuất chuồng 90 tấn, lãi 3,3 tỷ đồng.
Quy luật “Nhân-Quả” cho thấy, vạn vật đều thuận theo tự nhiên để phát triển. Những người hiểu quy luật này sẽ luôn làm những điều tử tế, lợi người, lợi cộng đồng, lợi mình trong hoạt động kinh doanh. Họ vận dụng quy luật này theo hướng tôn trọng luật pháp, không dùng thủ đoạn thấp hèn để cạnh tranh trục lợi, nghĩ đến lợi ích của khách hàng, và công việc kinh doanh của họ, thương hiệu của họ tạo uy tín dài lâu trong xã hội.