Trong tiếng Khmer, “Chôl” có nghĩa là “vào”, “Chnăm Thmây” có nghĩa là “năm mới”. Lễ hội Chôl Chnăm Thmây là lễ hội có nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa, nghệ thuật, thể thao… rất đa dạng. Do đó, các tỉnh thành Tây Nam Bộ nói chung, An Giang nói riêng thường thu hút du khách đến tham quan du lịch vào dịp này.
Nằm ở biên giới Tây Nam, An Giang là tỉnh giàu tiềm năng phát triển du lịch. Bởi, nơi đây không chỉ có sông nước hữu tình, núi non hùng vĩ, mà còn hội tụ bốn tộc người Việt (Kinh), Khmer, Chăm, Hoa với diện mạo văn hóa đa dạng và đặc sắc. Trong đó, cộng đồng Khmer là tộc người thiểu số sinh sống lâu đời tại An Giang, tập trung đông đảo ở thị xã Tịnh Biên và huyện Tri Tôn.
Người Khmer sở hữu kho tàng văn hoá truyền thống độc đáo, mang đậm dấu ấn Phật giáo, thể hiện rõ qua các lễ hội như Chôl Chnăm Thmây, Sen Đôn-ta, Oóc Om-bóc, Kathina… Người Khmer theo Phật giáo Nam truyền, hầu hết mọi sinh hoạt văn hóa gắn liền với ngôi chùa. Đó không chỉ là nơi chứa đựng những giá trị tôn giáo, mà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng, giáo dục và bảo tồn văn hóa.
Đặc biệt, cộng đồng Khmer An Giang có ba Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Hội đua bò Bảy Núi, Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá Buông, Nghệ thuật sân khấu Dì kê. Bên cạnh đó, họ còn có nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian rất hấp dẫn. Như biểu diễn nhạc ngũ âm, múa trống sa-dăm, múa rô-băm, múa lâm-vông, hát đối đáp aday, chầm-riêng chà-pây…
Lễ hội Chôl Chnăm Thmây được tổ chức theo lịch cổ truyền của người Khmer, kéo dài trong ba ngày, thường rơi vào khoảng giữa tháng 4 dương lịch. Năm 2024, Lễ hội Chôl Chnăm Thmây diễn ra từ ngày 13 đến ngày 16/4. Trong đó vào ngày thứ nhất, bà con mang lễ vật đến chùa thực hiện nghi thức rước Đại lịch (Maha Sangkran). Ngày thứ hai, buổi sáng các Phật tử đến chùa cúng dường cho các nhà sư, buổi chiều thực hiện nghi thức đắp núi cát cầu may mắn.
Tục "Đắp núi cát" là một trong những nghi thức không thể thiếu trong Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer. Cát sạch được đổ thành từng đống quanh đền thờ Phật, chung quanh sân chính điện. Đắp những núi cát nhỏ theo tám hướng, núi thứ chín ở giữa là trung tâm trái đất. Nghi lễ này gọi là Anisâng Pun Phnôm Khsách. ”Phúc duyên đắp cát” là một phong tục nhằm tích phước, tích đức vào dịp Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer Nam Bộ.
Ngày thứ ba, chùa thực hiện nghi thức tắm tượng Phật, dân gian còn gọi là lễ té nước. Đây là nghi lễ quan trọng và thiêng liêng đối với đồng bào Khmer. Nghi lễ tắm tượng Phật liên quan nhiều đến tâm thức ứng xử với nước của người Khmer, với ý nghĩa rửa sạch hết muộn phiền trong năm cũ để sang năm mới được thanh sạch, vui vẻ hơn.
Tất cả những nghi lễ được thực hiện trong 3 ngày Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer Nam Bộ đều là những bài học về cách sống, lối sống cho người Khmer theo triết lý đạo Phật. Không chỉ thực hiện các nghi lễ trên chùa, người Khmer còn thỉnh các sư về nhà mình để tụng kinh chúc phúc cho gia đình
Đến với Lễ hội Chôl Chnăm Thmây, du khách sẽ được trải nghiệm văn hóa Khmer và thưởng thức những đặc sản như thốt nốt, cốm dẹp, bánh katum, gà đốt, bò nướng, cháo bò, đu đủ đâm…