TÓM TẮT:
Qua hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là sau khi thực hiện Chỉ thị 68-CT/TW, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác dân tộc... kinh tế hộ nông dân (KTHND) đồng bào dân tộc thiểu số Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, sự phát triển KTHND đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL thời gian qua cũng bộc lộ nhữngkhó khăn. Bài viết nghiên cứu về phát triển KTHND đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL đến năm 2030.
Từ khóa: phát triển kinh tế, hộ nông dân, đồng bào dân tộc Khmer, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
1. Một số kết quả đạt được trong thời gian qua
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 13 tỉnh, thành phố, hiện có 27 thành phần dân tộc cùng sinh sống với dân số trên 17 triệu người, trong đó dân tộc Khmer có gần 1,3 triệu người, chiếm tỷ lệ trên 7% so với dân số toàn vùng, sinh sống tập trung nhất tại 9 tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ. Trong những năm qua, KTHND đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL đã đạt được những kết quả sau:
Thứ nhất, chuyển từ tình trạng tự cấp, tự túc lên kinh tế hàng hoá, từng bước phát triển sản xuất hàng hóa lớn. Cũng như những dân tộc khác trong vùng, từ khi thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị, hộ Khmer được xác định là đơn vị kinh tế tự chủ. Trong các phum, sóc, bà con đã biết tận dụng tiềm năng đất đai, lao động tạo ra nhiều sản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu gia đình và xã hội.
Dưới tác động tích cực của những chính sách trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, chủ yếu và trực tiếp nhất là những chủ trương, chính sách trong phát triển kinh tế - xã vùng đồng bào dân tộc, bước đầu đã tạo nên một sự thay đổi về chất đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh của bà con dân tộc Khmer.
Từ sản xuất chủ yếu để ăn, dần dần bà con chuyển sang sản xuất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Nhiều hộ nông dân Khmer đã mạnh dạn lựa chọn phương hướng sản xuất chính phù hợp với các vùng chuyên canh theo quy hoạch, góp phần định hình các vùng sản xuất chuyên môn hóa. Qua điều tra cho thấy loại hình chuyên môn hóa cây trồng, vật nuôi chiếm tỷ trọng sản phẩm nông nghiệp tương đối cao trong tổng giá trị sản xuất của các nông hộ Khmer.
Thứ hai, cơ cấu sản xuất, ngành nghề ngày càng tiến bộ. Nếu như trước đây, bà con dân tộc Khmer chủ yếu chỉ biết làm lúa một vụ, làm nương rẫy, chăn nuôi quy mô nhỏ, thì hiện nay đã có sự chuyển biến khá rõ về ngành nghề, lĩnh vực. Vẫn trên nền tảng cây lúa là chủ yếu, nhưng tùy theo đặc thù từng địa phương, bà con đã biết thực hiện những mô hình thâm canh, tăng vụ; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu thị trường; chú trọng khôi phục và phát triển các ngành nghề truyền thống, từng bước tiếp cận và phát triển các loại hình thương mại dịch vụ tại địa phương.
Thứ ba, năng lực kinh tế của đồng bào dân tộc Khmer được tăng cường; nhiều hộ nông dân Khmer đã có xu hướng sử dụng các yếu tố sản xuất ngày càng hợp lý hơn và đã mang lại hiệu quả kinh tế bước đầu. Trước hết, đối với bản thân chủ hộ cũng như các thành viên khác, qua thực tiễn sản xuất dần dần họ đã tích lũy được những kiến thức, kinh nghiệm quý báu để thích nghi ngày càng tốt hơn trong kinh tế thị trường. Vì vậy, ở vùng đồng bào dân tộc Khmer hiện nay đã bắt đầu xuất hiện nhiều mô hình hoạt động có hiệu quả trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.
Thứ tư, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập và mức sống của đại đa số bà con vùng dân tộc. Sự phát triển KTHND đồng bào dân tộc Khmer thời gian qua không những làm gia tăng năng lực kinh tế, mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho lực lượng lao động ở nông thôn. Thu nhập và mức sống của đại đa số đồng bào Khmer đã được cải thiện đáng kể. Số hộ đủ ăn và khá ngày càng nhiều. Mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của bà con được đảm bảo. Bộ mặt nông nghiệp, nông thôn vùng đồng bào dân tộc có sự chuyển biến tích cực.
Sự phát triển KTHND của đồng bào Khmer thời gian qua đã tạo nên một sự chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc, giúp phát triển lực lượng sản xuất, củng cố quan hệ sản xuất mới; góp phần giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội, tạo cơ sở vững chắc chống lại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Thứ năm, kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL phát triển, nhất là một số hộ đã hướng theo hình thức sản xuất kinh tế trang trại gia đình, góp phần giải quyết tốt vấn đề lao động việc làm và bảo vệ môi trường sinh thái của vùng.
Thứ sáu, các hộ nông dân Khmer rất thiếu kiến thức về phát triển kinh tế hộ nông dân trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. 100% các hộ nông dân được phỏng vấn đều trả lời không biết những ảnh hưởng của hội nhập quốc tế đến phát triển sản xuất của hộ nông dân.
2. Những khó khăn, thách thức
Bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, quá trình phát triển KTHND đồng bào dân tộc Khmer An Giang thời gian qua còn không ít những khó khăn, thách thức, khái quát lại có “6 thiếu”:
Thứ nhất, thiều nguồn lực đầu tư. Cũng như các vùng khác trong cả nước, vùng ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo người Khmer còn cao, trong đó, tỷ lệ hộ Khmer nghèo trong tổng số hộ Khmer còn chiếm khoảng 40%. Đây là một khó khăn, thách thức trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer. Trong vùng ĐBSCL và vùng sản xuất chính là nông nghiệp, không riêng đồng bào Khmer, đời sống của đại đa số các dân tộc anh em khác vẫn còn nhiều khó khăn.
Thứ hai, thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trình độ dân trí trong đồng bào Khmer nhìn chung còn thấp, tỷ lệ mù chữ còn cao, phần đông số lao động hiện nay chỉ là lao động phổ thông, thiếu chuyên môn kỹ thuật và khả năng thích nghi với cơ chế thị trường.
Trình độ học vấn của chủ hộ Khmer còn rất hạn chế, những người chưa đi học chiếm hơn 40%, trình độ học vấn cấp I; cấp II chiếm khoảng hơn 50%, cấp III trở lên chiếm dưới 10%. Nguyên nhân là do phần lớn bà con sống ở vùng sâu, vùng xa, ít được tiếp cận những thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật, mà có tiếp cận được thì khả năng ứng dụng cũng hạn chế, do đó chủ yếu canh tác theo tập quán cổ truyền, nên chi phí sản xuất cao, năng suất thấp, không tạo được sức cạnh tranh của hàng hóa.
Thứ ba, thiếu đội ngũ cán bộ đủ năng lực. Hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc nhìn chung còn yếu, chưa đủ sức chuyển tải đầy đủ chủ trương, chính sách đến người dân, chưa xử lý kịp thời các sự kiện, sự việc phát sinh. Đội ngũ cán bộ người Khmer, nhất là ở cơ sở phát triển chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, vừa thiếu số lượng và yếu về chất lượng.
Thứ tư, thiếu đất sản xuất đang là vấn đề nan giải hiện nay. Thời gian qua, chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn với phương thức đầu tư trực tiếp đến hộ đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào các dân tộc. Tuy nhiên, cho đến nay, tỷ lệ hộ dân tộc không đất và thiếu đất sản xuất của vùng vẫn còn nhiều.
Thứ năm, thiếu vốn để phát triển sản xuất và mở rộng ngành nghề. Do tập quán sản xuất lạc hậu, hiệu quả sản xuất, kinh doanh còn thấp, nên phần lớn bà con dân tộc chỉ duy trì tái sản xuất giản đơn. Việc tích lũy vốn, đất đai chỉ diễn ra ở một bộ phận nhỏ. Do đó, thiếu vốn là thực trạng chung của các hộ dân tộc hiện nay.
Thứ sáu, thiếu khả năng tiếp cận và định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường. Phần lớn diện tích đất canh tác nằm ở vùng cao, vùng sâu, nên điều kiện sản xuất khó khăn, mang tính chất nhỏ lẻ là chủ yếu. Do vậy, số đông người Khmer chỉ sản xuất hàng hóa theo khả năng mà chưa dự báo được nhu cầu thị trường.
3. Một số giải pháp thời gian tới
Một là, cần phát huy các nguồn lực tự nhiên
Về phương diện địa - kinh tế, vùng đồng bào dân tộc Khmer ĐBSCL có vị trí chiến lược rất quan trọng, có đường biên giới giáp Campuchia dài gần 100 km. Đây là vùng đất khá đa dạng về các nguồn tài nguyên thiên thiên (đất đai, sông nước, núi rừng, thủy sản, khoáng sản,...) và có lợi thế trong phát triển toàn diện về nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy hải sản). Mô hình lúa - màu, kết hợp chăn nuôi bò, làm một số nghề thủ công (làm đường thốt nốt, dệt vải, đánh bắt thủy hải sản,…). Mô hình lúa - cá tra, cá ba sa ở vùng đất cù lao giữa sông Tiền và sông Hậu; Mô hình nông - lâm kết hợp với việc trồng rừng và chăn nuôi dưới tán, rừng… đã đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer ĐBSCL.
Đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Khmer ĐBSCL có lợi thế so sánh với nhiều vùng khác trong nước về phát triển kinh tế biên giới và du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái - văn hóa. Các khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Khánh Bình tỉnh An Giang; Cửa khẩu Giang Thành, Hà Tiên tỉnh Kiên Giang hợp thành khu vực mậu dịch xuyên biên giới với các nước liền kề thuộc tiểu vùng sông Mêkông (Campuchia, Thái Lan, Lào). Một số khu du lịch ở vùng này đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.
Hai là, cần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, lao động, đất đai - cơ sở hạ tầng. Cần điều chỉnh chính sách giao quyền sử dụng đất theo hướng gia tăng diện tích và thời gian giao quyền sử dụng đất cho hộ nông dân Khmer. Hạn mức sử dụng đất là hạn mức diện tích đất nông nghiệp Nhà nước giao cho hộ gia đình sử dụng trong một thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, việc "nới" thời hạn giao quyền sử dụng đất và hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ tạo điều kiện cho các nông hộ tiến hành sản xuất lớn, phù hợp với cơ chế thị trường.
Nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng thiết yếu các khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, Vĩnh Xương, Khánh Bình, Xà Xía... để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế biên giới, làm chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL theo hướng ngày càng tập trung vào lĩnh vực hoạt động thương mại, dịch vụ.
Quy hoạch, xây dựng và phát triển các khu du lịch văn hóa - lịch sử, sinh thái - văn hóa, hình thành các tuyến du lịch liên huyện/thị xã nội vùng, liên kết với các tuyến du lịch trong, ngoài vùng và xuyên biên giới (Campuchia, Lào, Thái Lan); phát triển dịch vụ du lịch kết hợp hài hòa với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích khảo cổ học (Óc Eo), làng nghề (làng nghề dệt, đan chiếu...), nghề thủ công (làm gốm, làm đường thốt nốt, thêu ren...) và lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.
Ba là, phát triển các hợp tác xã và tổ hợp tác kiểu mới phục vụ phát triển kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL
Liên kết sản xuất - kinh doanh luôn là hướng được khuyến khích phát triển của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Tại Việt Nam, sự liên kết này càng cần thiết, bởi ngành nông nghiệp vẫn còn đang là sản xuất nhỏ, manh mún. Theo lý thuyết chung, liên kết là nhằm mục tiêu phân bổ lợi ích và rủi ro giữa những người tham gia để các tác nhân tham gia cùng nhau phát triển. Bởi vậy, trong thời gian tới, Nhà nước cần tạo cơ chế để đẩy mạnh các hình thức liên kết giữa các hộ nông dân Khmer với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức đa dạng, cụ thể:
Cùng với việc tăng quy mô ruộng đất cho hộ nông dân Khmer, việc tăng cường mối quan hệ liên kết giữa các hộ với nhau và giữa các hộ với doanh nghiệp cũng là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer theo hướng bền vững. Thực tế đã chứng minh, hoạt động của từng hộ gia đình đơn lẻ, dù ở trình độ nào, vẫn vấp phải những giới hạn mà tự họ không thể vượt qua, như việc giải quyết các nhu cầu về giống, vật tư, nông nghiệp, bảo vệ thực vật, đưa kỹ thuật mới vào đồng ruộng, và đặc biệt là chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Bốn là, tăng cường áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất của hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer
Khuyến khích bà con dân tộc tăng cường ứng dụng chương trình “3 giảm - 3 tăng” theo hướng đi vào hiệu quả, chất lượng thật sự. Đồng thời, xây dựng và nhân rộng mô hình tiết kiệm nước kết hợp với “3 giảm - 3 tăng” trong sản xuất lúa.
Xây dựng cơ chế phối hợp giữa trung tâm khuyến nông các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống để mở các lớp tập huấn, triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tiếp tục mở rộng các dạng đối thoại và các điểm trình diễn thực địa trên cơ sở lấy kết quả mùa màng, hiệu quả sản xuất - kinh doanh minh họa.
Thường xuyên vận động bà con tham gia các chương trình tập huấn kỹ thuật, tham gia sinh hoạt tại các câu lạc bộ khuyến nông tại các điểm chùa, xóm, ấp. Đa dạng hóa các hình thức khuyến nông như xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức cho nông dân Khmer tham quan, khuyến khích việc trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa các hộ dân tộc Khmer và giữa họ với các hộ người Kinh. Qua đó, giúp họ nâng cao trình độ hiểu biết, nắm bắt khoa học công nghệ.
Năm là, nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý của các hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer
Cả về mặt lý luận và thực tiễn đều cho thấy, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập với bên ngoài, việc liên kết, hợp tác trong sản xuất - kinh doanh là một xu thế tất yếu. Song, do trình độ lực lượng sản xuất nước ta, đặc biệt là trong nông nghiệp, nông thôn còn thấp, nên việc tổ chức các mô hình liên kết, hợp tác thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu.
Riêng đối với đồng bào dân tộc Khmer, do trình độ hạn chế, tập quán sản xuất lạc hậu, ít nhanh nhạy trước những biến động của kinh tế thị trường nên đa phần bà con vẫn theo lối cổ xưa, tự cày bừa và sản xuất trên phần ruộng của mình. Những mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất - kinh doanh vẫn còn khá mới mẻ, thậm chí xa lạ với người Khmer. Vì vậy, một mặt, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi (đất đai, vốn, kỹ thuật, thị trường…) để giúp những nông hộ Khmer có khả năng mở rộng quy mô sản xuất, phát triển lên mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã; mặt khác cần tính toán cụ thể những mô hình, biện pháp, bước đi trong việc phát triển các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp. Trên cơ sở đó, tích cực tuyên truyền, vận động bà con thấy rõ lợi ích thiết thực để tự nguyện, tự giác tham gia.
Sáu là, phát triển các mô hình liên kết gắn sản xuất với chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm đầu ra của hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL
Tiêu thụ sản phẩm là khâu quyết định việc thu hồi vốn và có lãi của người sản xuất. Tuy nhiên, đây là khâu mà người sản xuất hàng hóa ít làm chủ nhất vì thường bị động với thị trường. Người sản xuất hàng hóa nhất là nông dân, thường chịu nhiều rủi ro ở khâu này. Những rủi ro thường gặp là biến động giá, biến động thị trường theo hướng co hẹp cầu, cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ,…
Bảy là, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ
Yêu cầu trước hết đối với cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc về công tác giảm nghèo đối với người nghèo nói chung và người nghèo dân tộc Khmer nói riêng. Đây là nội dung, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của toàn Vùng. đồng thời, đây cũng là nhiệm vụ có liên quan đến việc giữ vững an ninh chính trị, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh quốc phòng ở các địa bàn xung yếu vùng sâu, vùng biên giới - nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Ngăn chặn âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc của các thế lực thù địch để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, làm mất ổn định xã hội. Cho nên đây cũng là nhiệm vụ quan trọng để đảm bảo quá trình phát triển bền vững ở ĐBSCL.
Tám là, phát triển kinh tế hộ nông dân đồng bào dân tộc Khmer toàn diện và bền vững.
Thực chất khủng hoảng môi trường hiện nay là khủng hoảng về mô hình phát triển. Do đó, phải thay đổi mô hình phát triển từ trước đến nay là dựa trên cơ sở lạm dụng tài nguyên thiên nhiên bằng giải pháp phát triển bền vững, sao cho sự phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm phương hại đến khả năng của các thế hệ tương lai, đáp ứng nhu cầu bản thân của họ. Như vậy, quan điểm tổng quát của phát triển bền vững phải làm sao xây dựng được mối quan hệ cộng sinh hài hòa lâu dài giữa con người và tự nhiên, nghĩa là làm sao nâng cao chất lượng sống của mỗi người dân.
Chín là, nâng cao trình độ dân trí, làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Khmer vùng ĐBSCL.
Các giải pháp dạy nghề nông, du nhập nghề mới tạo nguồn nhân lực ngày càng có chất lượng phù hợp với yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp chuyên canh đi đôi với phát triển tổng hợp; Thâm canh dựa trên nền tảng kỹ thuật và công nghệ hiện đại phải được thực hiện từ chính quy hoạch đã xác định với cách làm nhất quán và có hệ thống.
Cùng với các giải pháp đó, phải hết sức coi trọng việc cung cấp cho nông dân những tri thức cần thiết, tối thiểu về các quy định trên thị trường trong nước và quốc tế thời kỳ hội nhập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ủy ban Dân tộc, Vụ địa phương III (2019). Báo cáo chuyên đề công tác dân tộc Khmer Nam bộ, Cần Thơ.
- Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2016). Đề án tổng thể về chính sách đối với Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào Khmer vùng Tây Nam bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Hoàng Thị Lan (2012). Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng đối với đồng bào dân tộc Khmer ở ĐBSCL, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, tháng 2/2012.