TÓM TẮT:
Chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy thực hiện đạt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, giúp hộ nghèo nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện và ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Bài viết nghiên cứu về việc thực hiện chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng, qua đó đề xuất một số giải pháp phát huy hiệu quả chính sách này trong thời gian tới.
Từ khóa: Chính sách tín dụng, đồng bào dân tộc Khmer, chính sách xã hội, tỉnh Sóc Trăng.
1. Chủ trương, chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Đến nay, đã có nhiều chương trình, chính sách của Trung ương và địa phương nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Cụ thể như: Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05-3-2007 của Thủ tướng Chính phủ Về việc vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn (được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 126/2008/QĐ-TTg ngày 15/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục được thay thế theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012-2015); Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ); Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017- 2020.
Việc cho vay tín dụng ưu đãi đối với đồng bào chủ yếu thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn chính là đối tượng được vay vốn. Chính sách ưu đãi được thiết kế khá đa dạng: các hộ có thể vay một hoặc nhiều lần; tổng mức vay không quá 8 triệu đồng/hộ; không phải dùng tài sản để đảm bảo tiền vay và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn, thời hạn cho vay tối đa không quá 5 năm[1]. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 nhằm phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. Hiện nay, NHCSXH đã thực hiện 18 chương trình tín dụng chính sách đối với các hộ Khmer nghèo.
2. Thực trạng thực thi chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng
Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, việc thực thi chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng đã đạt được những thành tựu sau: nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với 100% các khóm, ấp trong tỉnh; đã tác động toàn diện đến mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc Khmer, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ngày càng được cải thiện, giúp hộ đồng bào dân tộc Khmer vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội, góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Từ đó, củng cố và tăng cường niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước.
Thông qua việc triển khai nguồn vốn tín dụng chính sách, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đã lồng ghép được các chương trình tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân về các mô hình, cách thức làm ăn có hiệu quả, dần dần nâng cao nhận thức cho hộ nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập, nhằm giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, thông qua việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách cũng đã góp phần củng cố tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh. Vốn tín dụng không những giúp đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với việc vay vốn sản xuất kinh doanh mà còn giúp họ chuyển biến về nhận thức, giúp đồng bào dân tộc Khmer tự tin, tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên, cải thiện và ổn định đời sống, góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen ở nông thôn.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2016 - 2018 từ nguồn vốn NHCSXH, tỉnh đã triển khai thực hiện đầu tư 15 chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ định của Chính phủ và một số chương trình nhận ủy thác đầu tư tại địa phương.
Ngân hàng đã phát vay nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho 64.766 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo (trong đó có 20.018 lượt hộ nghèo, 15.280 lượt hộ cận nghèo và 29.468 lượt hộ mới thoát nghèo) với số tiền là 1.352 tỷ đồng, phục vụ đầu tư sản xuất, mua con giống, thức ăn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình; phát vay cho 2.120 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, với kinh phí là 81,59 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm được 5.062 hộ, với kinh phí thực hiện là 107,278 tỷ đồng; phát vay cho 11.074 lượt hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn, hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, với số tiền là 254,942 tỷ đồng[4].
Hiện nay, Sóc Trăng có 42/80 xã đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện tỉnh đã trình hồ sơ cho Trung ương thẩm định đối với 01 đơn vị cấp huyện (thị xã Ngã Năm), đạt 100% chỉ tiêu được giao. Dự kiến đến năm 2020, tỉnh công nhận thêm 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 200% chỉ tiêu được giao[7]. Ngoài ra, chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc Khmer là một trong những nguồn lực quan trọng trong việc thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại tỉnh Sóc Trăng, từ nguồn vốn vay tín dụng giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có điều kiện vượt khó, vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 - 3%/năm.
Theo kết quả điều tra, rà soát, đến cuối năm 2018, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 27.154 hộ - tỷ lệ 8,40%, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số là 13.605 hộ, tỷ lệ 11,75%. Tổng số hộ cận nghèo năm 2018 là 38.401 hộ, tỷ lệ 11,87%, trong đó cận hộ nghèo dân tộc thiểu số là 16.184 hộ, tỷ lệ 13,98%[5].
Nhìn chung, chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số đã làm cho bộ mặt nông thôn vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer ngày càng đổi mới, tình hình kinh tế, đời sống của bà con nơi đây không ngừng được cải thiện. Đồng thời, chính sách tín dụng đã tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã, ấp đặc biệt khó khăn có vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao tính cộng đồng, đoàn kết chung tay cùng giúp nhau giảm nghèo, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh Sóc Trăng đang gặp phải một số vấn đề như:
Kinh tế của đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, phần lớn người dân sinh sống ở vùng sâu, tập quán sinh hoạt và canh tác lạc hậu nên đời sống còn nhiều khó khăn, dẫn đến kinh tế - xã hội phát triển chậm so với tốc độ chung của toàn tỉnh. Mặt khác, hạ tầng cơ sở còn nhiều yếu kém, nhất là tình trạng không có đất ở, nhà ở, điện, nước sinh hoạt trong một bộ phận dân cư người Khmer; trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, tỷ lệ lao động có tay nghề còn thấp.
Đồng thời, tỷ lệ số hộ nghèo, cận nghèo cao so với các dân tộc khác trong tỉnh. Thu nhập bình quân một hộ của toàn tỉnh Sóc Trăng năm 2018 là 6.683 USD nhưng thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ có 4.009 USD[5]. Từ đó, dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của đồng bào dân tộc Khmer chưa cao; tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu chiếm 1,21%/dư nợ [6]. Trong đó, đa số là hộ quá nghèo nhưng chưa có chính sách xử lý rủi ro; cũng như còn một bộ phận hộ nghèo không được bổ sung vào danh sách kịp thời, không được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; vẫn còn tình trạng cào bằng, chia đều vốn cho các hộ gia đình mà không căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng hộ.
Mặt khác, thực hiện xử lý nợ đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương đi làm ăn xa gặp rất nhiều khó khăn. Do không có ở địa phương nên không thể tiến hành xử lý thu hồi được, dẫn đến nợ tiềm ẩn bị rủi ro, lãi tồn đọng cao ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng. Chương trình cho vay của NHCSXH cũng chưa gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động cho vay vốn tín dụng ưu đãi với hoạt động khuyến nông, hướng dẫn cách làm ăn. Việc dạy nghề nông thôn ở cơ sở còn ít, việc xét cho vay vốn học nghề còn mang tính cào bằng;
Chính sách cho vay vốn chưa thực sự khuyến khích đồng bào dân tộc Khmer hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, do quy mô cho vay manh mún, thời gian cho vay ngắn, dàn trải cho quá nhiều lĩnh vực, mục tiêu. Vấn đề đặt ra là cần tích hợp các chính sách tín dụng hỗ trợ cho hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer để đảm bảo sản xuất và kinh doanh, phát triển nghề; có chính sách xóa nợ, khoanh nợ, giãn nợ cho đối tượng nghèo mất khả năng trả nợ. Đồng thời, tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận vốn cải tạo và tái sản xuất (các hộ chí thú làm ăn nhưng gặp rủi ro trong sản xuất và kinh doanh) là yêu cầu cấp bách hiện nay.
3. Một số giải pháp nhằm phát huy hiệu quả của chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng
Những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nông dân, nhất là người dân nghèo và hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số sẽ là đối tượng chịu tổn thương nặng nề nhất do thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi của thời tiết và khí hậu.
Vì vậy, giải quyết những khó khăn về vốn giúp đồng bào dân tộc Khmer phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, đồng thời phát huy hiệu quả chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc Khmer, cần thực hiện một số giải pháp như sau:
Một là, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trong và cả ngoài ngân sách nhà nước cho đồng bào dân tộc Khmer. Tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương nhằm thu hút sự tham gia, đóng góp của cộng đồng xã hội. Cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn, chất lượng, gắn với thị trường. Đồng thời, thực hiện tốt việc ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện chính sách tín dụng đối với đồng bào dân tộc Khmer, mang lại hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Hai là, về chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Khmer. Thời gian qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm đầu tư phát triển tỉnh Sóc Trăng nói chung và vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, nhưng việc đầu tư còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Do đó, cần triển khai thực hiện nghiêm túc chính sách phát triển kết cấu hạ tầng như Quyết định số 638/QĐ-TTg ngày 28-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống; tập trung ưu tiên phát triển mạng lưới hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc Khmer. Trung ương cần quan tâm phân bổ nguồn vốn hỗ trợ cho tỉnh Sóc Trăng, để địa phương tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc. Chính quyền địa phương cần tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho các hộ đồng bào không có đất ở, đất sản xuất; chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo và hộ nghèo ở các ấp, xã đặc biệt khó khăn đang thiếu đất sản xuất; kết hợp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Ba là, có cơ chế, chính sách khoanh nợ, xóa nợ đối với các trường hợp hộ đồng bào dân tộc Khmer chí thú làm ăn, nhưng làm ăn thua lỗ, không còn tư liệu sản xuất, chỉ đi làm thuê kiếm sống qua ngày, bỏ nơi cư trú đi làm ăn xa; hộ quá nghèo, già cả neo đơn không có khả năng trả nợ. Chính quyền địa phương cần có những chính sách tạo thuận lợi cho các hộ gia đình Khmer còn khó khăn về vốn dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng từ các tổ chức, như: ưu đãi lãi suất, kéo dài thời hạn cho vay, nâng cao nguồn vốn vay cho các chủ hộ đồng bào dân tộc Khmer tham gia vay vốn là nữ; chia từng hạn mức vốn vay theo độ tuổi khác nhau.
NHCSXH các cấp cần kịp thời điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng giữa các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Tập trung giải ngân hết các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng không để tồn đọng vốn gây lãng phí; Tổng hợp nhu cầu vốn của các đối tượng thụ hưởng để đề nghị NHCSXH Việt Nam bổ sung nguồn vốn vay cho địa phương.
Bên cạnh đó, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác; kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, đưa hoạt động tín dụng chính sách ngày càng ổn định và bền vững; Theo dõi sát các diễn biến và chất lượng tín dụng, có các biện pháp xử lý kịp thời, như: Tích cực đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; Xử lý dứt điểm những khoản nợ chay ỳ; Thành lập Đoàn kiểm tra chuyên đề để kiểm tra và nắm bắt tình hình chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại các huyện, thị xã, thành phố, nhằm đề ra giải pháp xử lý có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng.
Bốn là, tăng cường vai trò phối hợp của các tổ chức trong hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cùng với Ban giám sát cộng đồng trong hoạt động giám sát, nhằm nâng cao hiệu quả của nguồn vốn vay. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo định kỳ, tổ chức sơ kết và tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng đồng bào dân tộc Khmer, cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, ý chí vươn lên của dân tộc mình khi được vay vốn từ chính sách tín dụng, phải thực sự có nhu cầu vay vốn để sản xuất, sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
- Lê Quốc Lý (2017), Chính sách đối với Phật giáo Nam tông Khmer và đồng bào dân tộc Khmer vùng Tây Nam bộ, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.206-207.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2018). Báo cáo số 209/BC-UBND về Tình hình cán bộ tại vùng dân tộc thiểu số, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2019). Báo cáo số 233/BC-UBND về Đánh giá kết quả triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần thực hiện chương trình quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2019). Báo cáo số 152/BC-UBND về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2012 - 2018.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2019). Báo cáo số 110/BC-UBND về Kết quả đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2018 và mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021 - 2030.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2019). Báo cáo số 86/BC-UBND về Tổng kết Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
- Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng (2019). Báo cáo số 18/BC-UBND về Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.