Đây là nội dung mới trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh do Bộ Tài chính đưa ra và đang lấy ý kiến đóng góp, nhận được sự quan tâm của dư luận.
Vụ trưởng Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, mục đích xây dựng dự thảo Thông tư ngoài việc hướng dẫn các quy định mới của Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định số 126 thì còn có một số nội dung sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong thời gian qua.
Trong đó trọng tâm là tăng cường công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh lớn, hộ sử dụng nhiều hóa đơn.
Thực tế, các hộ kinh doanh lớn nộp thuế thực hiện theo phương pháp khoán, có thể viết hóa đơn hàng hóa dịch vụ bán ra để cung cấp cho các doanh nghiệp (DN) trong khi khoản doanh thu này không phải chứng minh các khoản chi phí đầu vào, mua ở đâu.
Điều này cũng tiềm ẩn những rủi ro do DN có thể lợi dụng hóa đơn của các hộ kinh doanh để hợp thức hóa chi phí đầu vào cho DN, gây thất thu cho ngân sách khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp.
Để khắc phục vấn đề này, dự thảo thông tư có quy định các hộ kinh doanh quy mô lớn (trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, công nghiệp, xây dựng có số lao động không quá 10 người và tổng doanh thu không quá 3 tỷ đồng một năm;
Trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, tổng doanh thu không quá 10 tỷ đồng một năm), sẽ thực hiện chế độ sổ sách kế toán đơn giản.
Theo đó, các hộ kinh doanh lớn không phải nộp báo cáo tài chính mà chỉ cần có 4 quyển sổ để theo dõi doanh thu; sổ theo dõi tiền lương, theo dõi các chi phí quản lý và sổ theo dõi hàng hóa dịch vụ mua vào.
Sở dĩ các đối tượng này không phải nộp báo cáo tài chính là do cơ quan thuế có thể căn cứ vào sổ chi phí, sẽ có các thông tin để xác định được chính xác doanh thu của người nộp thuế, theo nguyên tắc chi phí sẽ phải tương ứng với doanh thu.
Hơn nữa, để tạo thuận lợi cho các bước tập dượt giúp các hộ kinh doanh lớn “không ngại” phát triển lên thành doanh nghiệp.
Một trong những nội dung mới nữa trong dự thảo Thông tư hướng dẫn thuế và quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh đó là quản lý thuế đối với cá nhân cư trú kinh doanh thương mại điện tử.
Với các cá nhân này, cơ quan thuế chia thành 2 nhóm đó là: các cá nhân kinh doanh theo mô hình truyền thống kết hợp với các hình thức kinh doanh thương mại điện tử;
Nhóm thứ 2 là các cá nhân không có địa chỉ kinh doanh cố định nhưng có doanh thu bán các sản phẩm dịch vụ nội dung thông tin số và có thu nhập từ quảng cáo.
Đối với nhóm kinh doanh truyền thống kết hợp với thương mại điện tử, cơ quan thuế sẽ quản lý theo quy mô, địa bàn kết hợp với việc khai thác thông tin từ bên thứ 3 để xác định doanh thu của hộ, cá nhân kinh doanh để quản lý thu thuế.
Đối với nhóm không có địa điểm kinh doanh cố định có phát sinh hoạt động thương mại điện tử như cung cấp sản phẩm nội dung số được các nhà cung cấp nước ngoài trả tiền, cơ quan thuế từ Tổng cục Thuế đến các chi cục thuế sẽ tuyên truyền hướng dẫn cho cá nhân tự kê khai nộp thuế.
Ngành Thuế sẽ khai thác thông tin và đề nghị cung cấp thông tin từ các bên trung gian ví dụ các công ty đối tác trung gian các ngân hàng thương mại để nắm được thông tin của các cá nhân kinh doanh để yêu cầu người nộp thuế kê khai theo đúng quy định của pháp luật.
Về căn cứ tính thuế, theo dự thảo thông tư, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế TNCN theo nguyên tắc tính trực tiếp trên doanh thu theo biểu thuế suất toàn phần.
Công thức tính:
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Đối với cách tính thuế này, Bộ Tài chính cho rằng, không phát sinh thủ tục hành chính; công tác quản lý thuế đảm bảo hướng dẫn đầy đủ cách xác định số thuế phải nộp theo đúng quy định.