Với vai trò Cơ quan quản lý trực tiếp, Vụ Khoa học và Công nghệ (KHCN) Bộ Công Thương đã theo dõi và chỉ đạo sát sao các hoạt động tại Viện, đồng thời tạo mọi điều kiện, đảm bảo phục vụ hiệu quả và kịp thời cho các đơn vị sản xuất các mặt hàng ưu tiên trong thời gian dịch bệnh. Việc báo cáo tình hình tư vấn, sản xuất vải kháng khuẩn, chứng nhận hợp quy, thử nghiệm vải, khẩu trang vải kháng khuẩn được thường xuyên, liên tục với tần suất 2 ngày/lần với Vụ KHCN, Vụ Thị trường Trong nước Bộ Công Thương.
Làm việc không ngày nghỉ
Hưởng ứng lời kêu gọi chung tay, đẩy mạnh phòng chống dịch Covid-19 của Lãnh đạo Bộ Công Thương, từ ngày 06/02/2020, Viện nghiên cứu Dệt may đã vào cuộc tham gia một cách chủ động và tích cực vào các hoạt động nhằm hỗ trợ việc ngăn ngừa và phòng chống dịch bệnh Covid 19, với mong muốn đóng góp một phần chung tay cùng cả nước phòng chống đại dịch bệnh đang diễn biến khó lường như hiện nay.
Cụ thể Viện đã thành lập tổ phòng chống dịch gồm 10 thành viên tham gia chống dịch tại đơn vị và hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp, khách hàng một cách nhanh nhất. Ngoài ra đơn vị đã có văn bản gửi Vụ Thị Trường trong nước – Bộ Công Thương tới các Tỉnh thành nhằm tạo kênh thông tin hỗ trợ cho các địa phương tham gia sản xuất vải kháng khuẩn và sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn phục vụ nhân dân.
Đồng thời cùng tham gia tư vấn, góp ý kiến cho Hướng dẫn kỹ thuật tạm thời cho khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn, kháng nước. Dựa trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã kịp thời đưa ra Quyết định 870/QĐ-BYT ngày 12/3/2020 về Khẩu trang vải phục vụ phòng dịch Covid-19
Theo ông Phạm Văn Lượng - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Viện Nghiên cứu Dệt May cho biết thời gian qua, các chuyên gia của Viện đã tư vấn và trả lời khoảng 30 lượt/ngày cho các doanh nghiệp sản xuất vải, sản xuất khẩu trang và khách hàng đặt mua khẩu trang. Đã kết nối được nhiều các khách hàng, sở Công thương các Tỉnh với công ty sản xuất khẩu trang.
Do số lượng mẫu thử nghiệm nhiều, đòi hỏi thời gian thử nghiệm gấp khiến anh chị em cán bộ phải làm việc liên tục không có ngày nghỉ, làm ngoài giờ để đảm bảo tiến độ trả kết quả cho khách hàng và cho doanh nghiệp để đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất các sản phẩm phòng dịch, ông Lượng cho biết thêm.
Mặt khác, do còn thiếu về trang thiết bị nên dịch vụ thử nghiệm cho đồ phòng dịch còn hạn chế, mới thực hiện được một số chỉ tiêu cơ bản. Công ty rất mong muốn có sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Vụ KHCN trong việc nghiên cứu, xây dựng quy trình thử cho sản phẩm phòng dịch.
Việc tiến hành lấy mẫu giám định cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn cách ly xã hội theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Viện đã cố gắng sắp xếp để thực hiện đánh giá chứng nhận nhanh nhất (kể cả ngoài giờ, ngày nghỉ), các chuyên gia phải chọn thời điểm lấy mẫu thích hợp, đáp ứng yêu cầu khách hàng, trong quá trình thực hiện phải trang bị các phương tiện bảo hộ đảm bảo an toàn.
Tính đến thời điểm này, Viện đã Thử nghiệm kháng khuẩn (AATCC 100) cho gần 300 khách hàng: từ nguyên, phụ liệu, đến các sản phẩm thành phẩm như khẩu trang, quần áo chống dịch. trong đó phải kể đến một số khách hàng quan trọng như: Công ty TNHH – MTV Dệt kim Đông Xuân, Tổng công ty CP Dệt May Hà Nội (Hanosimex), Công ty CP Dệt may đầu tư và Thương mại Minh Thắng, Công ty TNHH dệt may Trung Quy, Công ty CP X20, Công ty CP Dệt lụa Nam Định, Công ty CP Dệt may và thương mại Minh Trí…
Trung tâm Giám định và Chứng nhận sản phẩm của Viện đã xây dựng phương pháp thử: chống xâm nhập của chất lỏng (AATCC 42) cho các sản phẩm phòng dịch; Tư vấn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở cho bộ đồ phòng dịch cho thương hiệu TNG thuộc Công ty Cổ phần và Đầu tư Thương mại TNG, thương hiệu Đức Giang của Tổng Công ty Đức Giang.
Đặc biệt, thực hiện theo tinh thần Công văn chỉ đạo của Bộ Công Thương, Trung tâm đã sắp xếp nhân lực, đảm bảo yêu cầu Dịch vụ thử nghiệm cho mẫu theo QCVN 01/2017/BCT thực hiện chỉ trong 1 ngày làm việc.
Tham gia trực tiếp sản xuất sản phẩm phòng dịch
Với vai trò là tổ chức nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ và cung cấp dịch vụ kỹ thuật, Viện đã theo dõi, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát sinh trong đợt phòng chống dịch COVID 19.
Viện đã góp phần vào việc bình ổn thị trường khẩu trang để phòng dịch Covid-19, xúc tiến chương trình sản xuất vải kháng khuẩn; tư vấn, chuyển giao công nghệ xử lý, sản xuất vải kháng khuẩn cho các doanh nghiệp như Công ty CP Dệt may đầu tư và Thương mại Minh Thắng, Công ty TNHH nhà nước MTV X20 Nam Định. Kết quả thử nghiệm vải sản xuất từ các công ty này có khả năng ức chế trên 90% hoạt động của vi khuẩn (thử nghiệm theo tiêu chuẩn AATCC 100: 2012).
Ngoài ra, Viện còn tham gia kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất vải với các doanh nghiệp may khẩu trang và đơn vị có nhu cầu về khẩu trang vải. Cụ thể, Công ty CP Dệt may đầu tư và Thương mại Minh Thắng đã sản xuất được hơn 100 tấn vải kháng khuẩn, cung cấp cho hơn 50 công ty may và sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn như, Tổng công ty May 10, Công ty Hải Đăng, Công ty CP Dệt may và thương mại Minh Trí, Công ty Max Palengo, Công ty Thời Trang Kd's Closet, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, Công ty Tân Ý, Công ty Tân Phú…; Công ty X20 cũng đã sản xuất hơn 70 tấn vải, phục vụ may khẩu trang cho lực lượng vũ trang.
Bên cạnh đó, Viện còn phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội (HTU) để tiến hành sản xuất 10.000 khẩu trang vải kháng khuẩn, chịu độ bền qua nhiều lần giặt, loại vải này là sản phẩm khoa học của đề tài cấp Nhà nước do Viện chủ trì thực hiện. Số khẩu trang này được cấp phát miễn phí, trang bị cho cán bộ, nhân trong cơ quan Viện và các công ty đối tác... Đây là những món quà tuy nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa, góp phần cùng cả nước phòng chống dịch bệnh Covid-19.