Theo Cục Sở hữu trí tuệ, là một nước nông nghiệp, cùng với các yếu tố đặc trưng về mặt tự nhiên và con người, nên Việt Nam có nhiều sản phẩm có chất lượng, danh tiếng, tính chất đặc thù và có giá trị kinh tế gắn với các địa danh cụ thể. Hiện nhiều sản phẩm đặc sản của Việt Nam đã nộp đơn đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận hoặc nhãn hiệu tập.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, chỉ dẫn địa lý đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới xây dựng, phát triển và sử dụng như một bằng chứng bảo đảm với người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, mà còn là công cụ hữu hiệu để quảng bá, nâng cao hình ảnh và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Hiện có khoảng hơn 10.000 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ trên thế giới, với giá trị giao dịch thương mại hàng năm ước đạt 50 tỷ USD. Riêng khu vực ASEAN, hiện đã có hơn 120 chỉ dẫn địa lý được đăng ký bảo hộ.
Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là sản phẩm thô, một số sản phẩm giá trị không cao. Trong khi đó, việc đăng ký bảo hộ chủ yếu là các cơ quan quản lý nhà nước, không phải là các người sản xuất, nên chưa phát huy được hiệu quả bảo hộ.
Ngoài ra, một số địa phương tiến hành đăng ký chỉ dẫn địa lý ra nước ngoài nhưng chưa thành công do không hiểu rõ về các quy định, yêu cầu của nước ngoài. Đến nay, cả nước mới chỉ có nước mắm Phú Quốc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở châu Âu.
Một số chỉ dẫn địa lý đang trong quá trình chuẩn bị đăng ký ra nước ngoài với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Thực tế, một số địa danh của Việt Nam bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký tại nước ngoài (nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột), gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Dũng - Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, được sự hỗ trợ của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hệp quốc (FAO), Cục đang triển khai chương trình hỗ trợ về tài chính, chuyên gia cho các địa phương, giúp các doanh nghiệp tại địa phương đó tiếp cận gần hơn với vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Cục đang đề nghị xây dựng một loại nhãn chỉ dẫn địa lý quốc gia. Doanh nghiệp đóng nhãn chứng nhận chỉ dẫn địa lý quốc gia có nghĩa là đáp ứng được các quy định, quy chế sử dụng được quy định trong bộ quy chế quốc gia. Như vậy, trong tương lai, nếu xây dựng được loại nhãn này, các sản phẩm khi ra thị trường sẽ được gắn 3 nhãn chứng nhận: chỉ dẫn địa lý của quốc gia, nhãn chỉ dẫn địa lý của địa phương và một nhãn của chính doanh nghiệp đó.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, “việc gắn các nhãn chỉ dẫn địa lý của cấp quốc gia không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao được hình ảnh, thương hiệu với người tiêu dùng mà phía nhà quản lý cũng kiểm soát được các loại sản phẩm trên thị trường”.