Tham dự có hơn 100 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước, doanh nghiệp, hiệp hội sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý khu vực miền Trung - Tây Nguyên, về phía tỉnh có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl và đại diện các sở, ngành hữu quan.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl cho biết, đến nay đã có 10 doanh nghiệp Dak Lak được cấp chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột với sản phẩm cà phê nhân Robusta, diện tích hơn 15.000 ha, sản lượng đăng ký hơn 46.000 tấn/năm. Tuy đã được bảo hộ ở trong nước, nhưng chỉ dẫn này chưa được bảo hộ ở nước ngoài, mới đây, UBND tỉnh đã uỷ quyền cho Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đăng ký bảo hộ quốc tế tại 17 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó, có một số thị trường lớn ở châu Âu như: Pháp, Anh, Italia, Thuỵ Sỹ…
Các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đến chính sách và pháp luật về bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam; tình hình quản lý, sử dụng và khai thác chỉ dẫn địa lý của Việt Nam; việc đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Việt Nam ở nước ngoài; quy trình, thủ tục đăng ký một chỉ dẫn địa lý tại châu Âu; đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm trong việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc, xoài cát Hoà Lộc, thanh long Bình Thuận…
Bà Jana Herceg, Phó Ban Kinh tế - Thương mại của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, cho rằng: việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý của EU và Việt Nam có vai trò quan trọng cho kinh tế và xã hội của cả 2 bên, nhất là đối với vùng nông thôn, nếu không có một sự bảo hộ, các sản phẩm hàng hoá có nguy cơ biến mất khỏi thị trường, ảnh hưởng đến cả những người sản xuất, doanh nghiệp và quốc gia; vì thế, Liên minh châu Âu sẽ có những hỗ trợ thích đáng để các sản phẩm hàng hoá Việt Nam, đặc biệt là nông sản được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại châu Âu, trong đó có cà phê Buôn Ma Thuột.