Việt Nam - Italia sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD

Italia hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong Liên minh EU và Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong khối ASEAN với kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng qua các năm.

Việt Nam và Italia thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, đến tháng 01/2013 hai nước chính thức nâng cấp quan hệ hợp tác lên Đối tác chiến lược. Trong những năm qua, quan hệ đối ngoại giữa hai quốc gia ngày càng được củng cố, đồng thời hai bên cũng tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực tiềm năng như: đầu tư, kinh tế, thương mại, khoa học, giáo dục, quốc phòng, bảo vệ môi trường…

Trong các cuộc gặp mặt cấp cao, Chính phủ Italia luôn đánh giá Việt Nam là quốc gia ưu tiên phát triển quan hệ tại khu vực Đông Nam Á, đồng thời khẳng định nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều phương diện với Việt Nam; trong khi đó, Việt Nam luôn xem Italia là đối tác quan trọng hàng đầu tại châu Âu.

thương mại
Bến container tại cảng Genoa, Italia - một trong những cảng đông đúc và quan trọng nhất ở châu Âu. (Ảnh: pg.world)

Việt Nam - đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong khu vực ASEAN

Về hợp tác thương mại, hiện nay Italia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam trong Liên minh EU (EU27), chỉ sau Hà Lan và Đức. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Italia trong khối ASEAN với kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng qua các năm. Xuất khẩu của Việt Nam sang Italia tăng trưởng mạnh với mức độ trung bình 10-15% mỗi năm và liên tục duy trì vị trí xuất siêu.

Một trong những thuận lợi cho tăng trưởng thương mại giữa hai nước đó là Việt Nam và Italia có những điểm tương đồng về cơ cấu kinh tế khi có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, nền kinh tế hai nước cũng có sự bổ trợ lẫn nhau về ngành hàng cũng như sản phẩm. 

Italia là một quốc gia có thế mạnh về công nghiệp với nhiều lĩnh vực đa dạng, mức thu nhập bình quân đầu người tương đương với Anh và Pháp. Tuy nhiên, để phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước, Italia nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu thô dùng cho các ngành sản xuất công nghiệp, năng lượng và nhiều sản phẩm tiêu dùng như nông sản, thực phẩm....

Đặc biệt, việc thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tạo ra bước ngoặt quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ trao đổi thương mại giữa Việt Nam - EU nói chung và Việt Nam - Italia nói riêng trong thời gian qua. Nhờ tác động tích cực của Hiệp định EVFTA, ngay trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì thương mại song phương vẫn tăng trưởng ổn định, trong đó, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước tăng 21,1% trong năm 2021 và 11% trong năm 2022.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Italia trong giai đoạn 2013 - 2023 (đvt: Triệu USD)
xuất khẩu Italia
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Năm 2023, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Italia đạt 6,1 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2022, trong đó xuất khẩu đạt 4,47 tỷ USD, nhập khẩu đạt 1,62 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Italia đạt 3,4 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu sang Italia đạt 2,5 tỷ USD, tăng 9,2%; nhập khẩu từ Italia đạt 0,88 tỷ USD, tăng 10,3%. Thặng dư thương mại với Italia đạt 1,6 tỷ USD, cao hơn mức 1,51 tỷ USD của cùng kỳ năm 2023.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Italia là thủy sản, cà phê, dệt may, giày dép, điện thoại, máy tính, gỗ và sản phảm gỗ, sắt thép các loại. Đáng chú ý, Việt Nam là nguồn cung lớn nhất trong số những nguồn nhập khẩu hạt điều bóc vỏ vào Italia, chiếm khoảng 60-70% tổng kim ngạch nhập khẩu hạt điều của Italia.

Ngược lại, các mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Italia là máy móc thiết bị phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, vải các loại, dược phẩm, hóa chất...

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Italia tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024
xuất khẩu Italia
(Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Giải pháp để sớm đạt kim ngạch thương mại hai chiều 7 tỷ USD

Với những kết quả tích cực thời gian qua, Việt Nam và Italia đang phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 7 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu này, công tác xúc tiến, thúc đẩy kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Italia được coi là một trong những giải pháp quan trọng.

Trong bối cảnh nhiều cạnh tranh giữa các nguồn cung, thời gian qua Thương vụ Việt Nam tại Italia đã tổ chức nhiều hoạt động, tìm kiếm gặp trực tiếp các đối tác tại Italia để tìm hiểu nhu cầu của bạn, từng bước tạo niềm tin chỗ đứng về hỉnh ảnh sản phẩm Việt Nam, nhằm kết nối doanh nghiệp hai bên.

Đặc biệt, với việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia, trưng bày sản phẩm liên tục tại các lễ hội, hội chợ, triển lãm, thông tin và hình ảnh các sản phẩm nông sản Việt Nam đã được giới thiệu và biết đến nhiều hơn tại thị trường Italia.

"Đối với một nước xuất khẩu nông sản lớn và có xu hướng bảo vệ nông nghiệp như Italia, đây là dấu hiệu đáng khích lệ cho khả năng các sản phẩm nông sản Việt Nam tìm được chỗ đứng tại thị trường Italia", Thương vụ Việt Nam tại Italia nhận định.

Qua tìm hiểu thực tế thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Italia khuyến nghị các doanh nghiệp nên đa dạng hóa sản phẩm, ngoài trái cây tươi, có thể đẩy mạnh sản xuất quảng bá trái cây sấy dẻo, sấy khô, nước quả chiết xuất hoặc bột quả. Hiện tại, Thương vụ cũng đang phối hợp với một số đối tác Italia tìm nhà phân phối về sản phẩm quả sấy khô và nước quả chiết xuất.

Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng và bảo lãnh tín dụng hàng đầu của Italia như CDP/Simest và Sace đang tăng cường hiện diện tại Việt Nam và coi Việt Nam là một trong những thị trường có mức tăng trưởng cao. Nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam như Nutrifood, PVgas đã được tiếp cận vốn với sự bảo lãnh của Sace. Simest đã thiết lập Platform để kết nối các doanh nghiệp Italia với đối tác tiềm năng của Việt Nam. Những động thái này đóng vai trò lớn trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp uy tín của Việt Nam tiếp cận công nghệ, máy móc thiết bị, hàng hóa phục vụ sản xuất của Italia.

Hiện tại, Thương vụ đang hỗ trợ những doanh nghiệp quy mô lớn của Việt Nam kết nối với các tổ chức tín dụng của Italia để doanh nghiệp có thể mua máy móc, chế biến sản xuất của Italia, đầu tư dây chuyền sản xuất.

Đối với các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu Việt Nam, để phát triển kinh doanh tại thị trường Italia, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần am hiểu về thị trường cũng như sản phẩm dự định xuất khẩu, tìm hiểu thị phần đối thủ cạnh tranh của sản phẩm đó. Doanh nghiệp cần tìm hiểu và đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, ngay từ khẩu vị, bao bì, an toàn thực phẩm, và hàng hóa muốn xuất sang Italia cần tuân thủ các tiêu chuẩn rất cao về lao động, môi trường...

Về chính sách, Việt Nam cần tăng cường nhiều hơn nữa công tác chỉ dẫn địa lý (geography indications) nhằm thông tin cụ thể, minh bạch hơn nữa về các sản phẩm hàng hóa của mình. Bởi vì khi hai bên có đầy đủ các thông tin chính xác địa lý về nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa thì vấn đề bảo hộ thương hiệu và thương mại hai chiều chắc chắn sẽ được tăng cường.

Song song đó, việc kết nối các doanh nghiệp giữa hai nước thông qua việc phối hợp tăng cường truyền tải thông tin, hỗ trợ thủ tục pháp lý, tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát thị trường Italia và Việt Nam... sẽ giúp thúc đẩy cơ hội đầu tư và kinh doanh cho doanh nghiệp Italia và Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối quan hệ đối tác. Điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Italia chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm sản xuất chất lượng cao với các doanh nghiệp của Việt Nam, góp phần củng cố công nghiệp sản xuất cũng như khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm Việt Nam. 

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia Antonio Tanjani, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng đoàn công tác Việt Nam có chuyến công tác tại Italia tham dự Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng từ ngày 15 - 20/7/2024.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi trao đổi song phương với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia - ông Antonio Tajani. 

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Antonio Tanjani khẳng định, Italia luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghiệp và năng lượng. Đặc biệt, Italia coi Việt Nam là đối tác quan trọng của Italia trong khu vực ASEAN và đánh giá rất cao vai trò quan trọng của Bộ Công Thương trong Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế đặc biệt trong vai trò là cầu nối của doanh nghiệp hai nước.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Antonio Tanjani cho rằng, Việt Nam là một hình mẫu thành công trong tăng trưởng kinh tế dựa trên các thành quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư, tham gia thành công vào tiến trình toàn cầu hóa và tái định hình chuỗi cung ứng khu vực và quốc tế.

Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Italia đã gửi thư mời tham dự Phiên họp mở rộng Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam gặp gỡ, trao đổi để đóng góp phần mình cùng các nước đối tác xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững và ổn định trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và khó đoán định như hiện nay. Đồng thời, là dịp quý báu để thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước G7 và đặc biệt là Italia.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay, Italia là một trong số đối tác quan trọng của Việt Nam tại EU trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại. Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch song phương hai nước trung bình khoảng trên dưới 10% trong thời gian qua và số lượng các dự án đầu tư của Italia vào Việt Nam tăng trưởng hàng năm chứng tỏ tiềm năng hợp tác của hai bên vẫn còn rất lớn.

Việt Hằng