Việt Nam là nước tăng trưởng cao thứ 3 trong khu vực ASEAN+3, sau Myanmar và Campuchia

Ngày 1.5, tại Fiji, Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) đã công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 năm 2019.

Tăng trưởng của Việt Nam trong 2019 dự báo giảm mạnh

Theo đó, các chuyên gia của AMRO cho rằng kinh tế các nước ASEAN+3 (ASEAN + Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc) dự kiến sẽ duy trì đà phục hồi, dù cán cân rủi ro toàn cầu đang chuyển dịch dần về hướng bất lợi, đi kèm với gia tăng thách thức đối với các nước mới nổi.

kinh tế Việt Nam
AMRO dự báo kinh tế Việt Nam sẽ giảm tăng trưởng 0,5% vào 2019. ẢNH AMRO

 

Bước vào năm 2019, chỉ tiêu kinh tế vĩ mô suy yếu cùng với kinh tế toàn cầu (bao gồm Trung Quốc) dự kiến tăng trưởng chậm trên diện rộng sẽ làm tăng bất ổn trên thị trường. Sự “đối đầu” trong lập trường chính sách tiền tệ giữa Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) - mặc dù đang trong giai đoạn bình thường hóa, đã phần nào củng cố mối quan ngại của thị trường về tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại một cách đồng bộ, dẫn đến gia tăng bất ổn.

Tuy nhiên, trong tương lai, việc nới lỏng chính sách tài chính toàn cầu vẫn có thể hỗ trợ cho tăng trưởng, miễn là các định hướng chính sách được thông báo một cách cụ thể và các thị trường không phải liên tục đón nhận các bất ngờ.

Theo kịch bản cơ sở, tăng trưởng kinh tế khu vực ASEAN+3 dự kiến sẽ giảm nhẹ trong giai đoạn 2019 - 2020, chi phối bởi bất ổn tăng trưởng toàn cầu, sẽ đạt mức khoảng 5,1% (giảm nhẹ so với mức 5,3% của năm 2018). Lạm phát cơ bản dự kiến duy trì ổn định ở mức khoảng 2%, tương đương năm 2018.

AMRO cũng điều chỉnh lại dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc theo hướng tăng nhẹ, lên mức 6,3% cho năm 2019 (cao hơn 0,1% so với dự báo trước đây) và 6,2% cho năm 2020.

Dự báo tăng trưởng cho khu vực ASEAN duy trì ở mức 5,1% cho 2019 và tăng nhẹ lên 5,2% cho năm 2020.

Theo dự báo lần này, nền kinh tế tăng trưởng cao nhất của khu vực là Myanmar (7,3% vào 2018, 7,3% vào 2019 và 7,4% vào 2020), tiếp đến là Campuchia (lần lượt là 7,2%, 7,1% và 7%); trong khi nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất là Nhật Bản (lần lượt là 0,6%, 0,6% và 0,5%).
Việt Nam là nước được dự báo tăng trưởng cao thứ 3 trong khu vực, tiếp tục giữ đà tăng trưởng cao 7,1% vào 2018 (cao hơn dự báo của ADB), nhưng sẽ giảm mạnh vào 2019 với 6,6% và tăng nhẹ trở lại vào 2020 với 6,7%.

Căng thẳng leo thang, về lâu dài Mỹ sẽ thiệt hại nhiều hơn

Kinh tế khu vực sẽ tiếp tục chịu thử thách từ tác động bất lợi của suy giảm thương mại toàn cầu. Các bất ổn xung quanh thương mại duy trì ở mức cao và rủi ro leo thang xung đột thương mại vẫn còn lớn, mặc dù gần đây đã đạt được một số kết quả trong thỏa thuận đàm phán thương mại Mỹ - Trung.

kinh tế Việt Nam
Tiến sĩ Hoe Ee Khor, Chuyên gia Kinh tế trưởng của AMRO, tại buổi công bố. ẢNH AMRO

 

AMRO cho rằng rủi ro từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ chuyển dịch đến khu vực ASEAN chủ yếu thông qua kênh xuất khẩu và chuỗi giá chị toàn cầu. Ảnh hưởng có thể bị khuếch đại do tác động từ tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu. Các nền kinh tế trong khu vực xuất khẩu trực tiếp sang Trung Quốc cũng như gián tiếp thông qua chuỗi giá trị toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng mạnh hơn trong ngắn hạn. Các nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore và ở một mức độ nào đó, Việt Nam, đặc biệt dễ bị ảnh hưởng.

Theo kịch bản tiêu cực của AMRO, các biện pháp trả đũa leo thang trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể làm tăng trưởng kinh tế của khu vực suy giảm 0,4% so với kịch bản cơ sở. Theo tình huống tiêu cực này, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ áp mức thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu giữa hai quốc gia. Trong ngắn hạn, mức độ ảnh hưởng lên tăng trưởng của từng quốc gia trong khu vực sẽ lớn hơn về mặt tuyệt đối, lên mức khoảng -1%.

Bản thân Mỹ và Trung Quốc cũng gánh chịu ảnh hưởng không nhỏ. Mỹ có thể ảnh hưởng tuyệt đối thấp hơn trong giai đoạn 2019 - 2020 (mức -0,3%) so với Trung Quốc (-0,6%), nhưng ảnh hưởng gián tiếp có thể sẽ cao hơn với Mỹ (khoảng 13% mức tăng trưởng kinh tế trung bình trong giai đoạn 2019 - 2020) so với Trung Quốc (dưới 10%).

Chuyển dịch là không thể tránh khỏi sau 2 thập kỷ "sản xuất để xuất khẩu"

Chuyên gia AMRO cảnh báo, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần luôn tỉnh táo và linh hoạt trong bối cảnh rủi ro có tính tiêu cực ngày càng trở nên rõ rệt. Một vài quốc gia đã lựa chọn các biện pháp chính sách có tính phủ đầu để giảm bớt các quan ngại của thị trường.
Ở một vài quốc gia, chính sách tiền tệ được thắt chặt nhằm mục tiêu duy trì ổn định tài chính bắt nguồn từ thời kỳ duy trì mức lãi suất thấp kéo dài. Các biện pháp khác, ví dụ như việc đình chỉ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nặng về nhập khẩu, cũng được thực hiện để giảm bớt áp lực lên cán cân vãng lai.

Trong trung và dài hạn, các nước ASEAN+3 cần triển khai nhiều hơn các chính sách hỗ trợ triển vọng tăng trưởng khu vực và củng cố đà phục hồi. Các ưu tiên chính sách về dài hạn, ví dụ như xây dựng năng lực sản xuất, tính kết nối và phát triển thị trường vốn trong nước, nên được ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo của tăng trưởng khu vực.

Chiến lược “sản xuất để xuất khẩu” đóng vai trò trụ cột đã giúp cả khu vực phát triển thịnh vượng trong 2 thập kỷ vừa qua, tuy nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang ngành dịch vụ là điều không thể tránh khỏi và các vấn đề liên quan đến đầu tư cho ngành, lĩnh vực cần thiết để tạo ra và duy trì đà tăng trưởng sẽ cần phải tiếp tục được nghiên cứu, giải quyết.