Trong bảng xếp hạng sức khỏe tài chính của 66 nền kinh tế mới nổi của The Economist, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau dịch Covid-19 nhờ các chỉ số tài chính ổn định. Ngân hàng Thế giới (WB) thì đánh giá, kinh tế Việt Nam có thể khởi sắc trở lại sau khi nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội.
Đón đầu các cơ hội mới
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp (ngày 9/5), đại diện các tổ chức quốc tế khẳng định, sự quyết đoán, kịp thời của Chính phủ đã giúp Việt Nam thành công trong cuộc chiến chống dịch bệnh và cũng là cách để cứu doanh nghiệp khỏi khủng hoảng, từ đó làm tăng độ tin cậy của giới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tại đây, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) đánh giá cao các biện pháp của Chính phủ Việt Nam đã áp dụng để bảo vệ doanh nghiệp. Eurocham nhìn nhận, Việt Nam có vị thế tốt để đón đầu các cơ hội mới. Các biện pháp của Việt Nam đang trở thành hình mẫu cho các quốc gia khác, bảo vệ sức khỏe của người dân, giúp duy trì niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.
Là quốc gia tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, điều quan trọng và cần thiết là Việt Nam không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà còn cả các doanh nghiệp nước ngoài - những nhân tố quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của đất nước khi nền kinh tế khôi phục trở lại, đại diện Eurocham nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Ousmane Dione cho rằng, Chính phủ Việt Nam có nhiều công cụ khác nhau để hỗ trợ doanh nghiệp, như hỗ trợ tài chính qua miễn giảm và giãn thuế; cấp phát ngân sách và giảm các loại phí; hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có lịch sử tín dụng tốt và có khả năng trả nợ; hỗ trợ tiền mặt một lần cho các doanh nghiệp phi chính thức quyết định đăng ký chính thức; hay Quỹ hỗ trợ đặc biệt cung cấp vốn lưu động cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ với mức lãi suất cố định hằng năm...
Hiện Việt Nam đã và đang đi theo hướng này, đặc biệt là thông qua một loạt biện pháp mà Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhằm giảm khó khăn thanh khoản và nới lỏng điều kiện tín dụng cũng như các gói hỗ trợ mà Chính phủ công bố hồi đầu tháng Tư, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.
Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham), Phó Chủ tịch Hong Sun khẳng định, với môi trường kinh doanh ổn định và giải pháp chống dịch hiệu quả của Chính phủ Việt Nam, Korcham sẽ tiếp tục giới thiệu các doanh nghiệp có chất lượng đầu tư vào Việt Nam, đảm bảo chủ trương thu hút FDI có chọn lọc theo Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ cùng doanh nghiệp Việt Nam tạo mối liên kết mạnh mẽ để xây dựng chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh Covid-19, đồng thời cam kết đồng hành với Việt Nam hồi phục nền kinh tế, phát triển trong tương lai.
Covid-19 có thể là chất xúc tác mới
Tại Hội nghị, đại diện các tổ chức quốc tế cũng nhận định, làn sóng chuyển dịch nguồn vốn FDI đã bắt đầu và Việt Nam sẽ là một điểm đến an toàn, hấp dẫn hàng đầu sau đại dịch. Bởi lẽ, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về phòng chống dịch, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư, kinh doanh. Hơn nữa, Việt Nam được đánh giá là quốc gia thuộc nhóm các nước bị ảnh hưởng ít nhất bởi dịch và dự báo sẽ vượt qua “cơn bão” suy thoái kinh tế toàn cầu.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong bốn tháng đầu năm, cam kết vốn FDI vào Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, tuy giảm 15,5% so cùng kỳ năm trước nhưng giá trị vốn FDI cam kết quay đầu trong tháng Tư tăng 81% so với tháng Ba và tăng 62% so với tháng 4/2019.
Nếu xét về giá trị, vốn đăng ký bốn tháng đầu năm nay vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016-2018 (52,3% so với năm 2018, 16,4% so với năm 2017 và 79% so với năm 2016). Tính đến ngày 20/4, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Gần đây nhất, một điều tra với hơn 3.500 doanh nghiệp Nhật Bản do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện về dự định đầu tư nước ngoài, số doanh nghiệp chọn Việt Nam tăng 5,5 lên 41%. Hay các doanh nghiệp Đức tại Đông Nam Á đánh giá các chỉ số của Việt Nam đều cao hơn các nước khác. 90% doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam khẳng định không giảm đầu tư ở Việt Nam. Các nhà đầu tư cho rằng, nếu bỏ qua thị trường Việt Nam, thiệt hại với họ còn lớn hơn những gì đại dịch gây ra.
Từ góc nhìn doanh nghiệp, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Việt Nam cần tranh thủ cơ hội chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao từ một số quốc gia khác vào Việt Nam. Chẳng hạn Chính phủ Nhật Bản đã dành 2,2 tỷ USD trong gói cứu trợ kinh tế cao kỷ lục của nước này để giúp các nhà sản xuất chuyển sản xuất sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Cũng theo VCCI, năm 2021 sẽ là thời điểm tăng vốn FDI nhờ vào thu hút đầu tư nước ngoài do có thương hiệu, nơi đến đầu tư an toàn và trung thực. Đây là cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam để có thể hợp tác đón nhận các dòng đầu tư này từ các quốc gia phát triển với nguồn vốn dồi dào và trình độ công nghệ cao.
Vì vậy, “Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại hồi năm ngoái. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ càng hấp dẫn với các doanh nghiệp FDI trong lương lai”, Tổng Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường JLL Việt Nam Stephen Wyatt nhận định.