Vinatex: Năm 2024 lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2023

Ngày 25/12/2024, tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã tổ chức gặp mặt báo chí với sự tham dự của Lãnh đạo Tập đoàn và Công đoàn Dệt May Việt Nam.

Cùng với thông tin về kết quả hoạt động SXKD trong năm 2024, một số nhận định về thị trường năm 2025. Tại sự kiện Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng đã có các trao đổi về phong trào công nhân lao động ngành Dệt May năm 2024, công tác chăm lo người lao động trong hệ thống Công đoàn các cấp ngành Dệt May trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Ngành Sợi giảm tới 90% lỗ, tăng trưởng gần 11% so với năm 2023

Thông tin tại sự kiện Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết trong năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, sự thiếu hụt và cạnh tranh lao động tại các trung tâm sản xuất, khu công nghiệp lớn… gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất. Tuy nhiên với nhiều nỗ lực ngành Dệt May Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Dự kiến năm nay Ngành sẽ cán mốc xấp xỉ 44 tỷ USD xuất khẩu, đạt mức tăng trưởng gần 11% so với năm 2023.

Kết quả năm 2024 của Vinatex: Doanh thu hợp nhất ước đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8% so với năm 2023; Lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023; Thu nhập bình quân đạt 10,3 triệuđồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023. Theo Vinatex, thống kê sơ bộ lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động trong hệ thống ước bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người, tương đương 1,5-2 tháng lương. Đồng thời với sự quyết liệt, nhiều đổi mới tích cực trong công tác điều hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động toàn hệ thống, Vinatex bảo toàn được nguồn lực cốt lõi là lao động và khách hàng, vượt qua khó khăn năm 2024.

Thực tế ước tính cả năm 2024, tổng cầu dệt may thế giới đạt khoảng 794 tỷ USD, tăng gần 3% so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 8% so với năm 2022. Trong đó với Dệt May Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2024 thị trường có tốt hơn so với giai đoạn trước nhưng vẫn là mạch trầm lắng khó khăn của 2023 kéo dài. Trong 6 tháng cuối năm, đơn hàng vào Việt Nam tăng đột biến do những biến động chính trị bất ngờ tại các quốc gia cạnh tranh.

Chia sẻ tại sự kiện Vinatex cho biết linh hoạt ứng phó với những diễn biến mới của thị trường, Tập đoàn đã đẩy mạnh nhiều giải pháp nhằm duy trì và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), đón bắt đơn hàng quay trở lại. Kết quả, ngành May giữ được đà tăng trưởng với hiệu quả SXKD cải thiện rõ rệt từ quý 3/2024, không có đơn bị nào bị lỗ trong năm 2024. Ngành sợi đã giảm tới 90% lỗ so với 2023, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với khó khăn kéo dài dẫn đến SXKD chưa có hiệu quả.

Cụ thể tại sự kiện ông Cao Hữu Hiếu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết trong bối cảnh nhiều thách thức để hoàn thành các mục tiêu năm 2024, bên cạnh linh hoạt trong điều hành, sự đoàn kết, nhất trí cao của tập thể, Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển chuỗi cung ứng để trở thành một điểm đến trọn gói đồng thời tập trung triển khai nhiều giải pháp trọng tâm.

tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam
Ông Cao Hữu Hiếu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu tại sự kiện.

Cụ thể năm 2024 Vinatex đã đưa Trung tâm Phát triển sản phẩm và Kinh doanh thời trang Vinatex vào hoạt động trên cơ sở kiện toàn Trung tâm Kinh doanh hàng thời trang Vinatex; Khai thác thị trường mới, thị trường ngách bằng các sản phẩm đặc biệt, kỹ thuật cao như vải và trang phục chống cháy (Hợp tác kinh doanh với Tập đoàn COATS, Vương Quốc Anh), nghiên cứu phát triển các loại sợi lõi Filament, sợi pha mới; Triển khai triệt để hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp trên nền tảng số (ERP); Tiếp tục triển khai nhiều hoạt động về phát triển bền vững trong DN dệt may, đáp ứng yêu cầu xanh hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh ngành Dệt May (tổ chức Hội nghị hội thảo về phát triển bền vững, báo cáo ESG - môi trường, xã hội và quản trị; chỉ đạo đầu tư thêm nhà máy xử lý nước thải số 2 công suất 8.000 m3/ngày đêm bên cạnh Nhà máy xử lý nước thải số 1, hướng tới xây dựng KCN dệt may xanh kiểu mẫu tại khu vực phía Bắc...).

dệt may
Năm 2024, Vinatex cho biết đã tiếp tục đổi mới cách thức quản lý, đánh giá người đại diện vốn tại các doanh nghiệp, qua đó tạo mạng lưới kết nối giữa các đơn vị trong Tập đoàn thông qua người đại diện vốn nhằm chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm quản trị. Đặc biệt, kiên trì chiến lược liên kết chuỗi.

Đặc biệt năm 2024 Vinatex cho biết trong lĩnh vực May, Tập đoàn đã thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ đơn vị còn khó khăn, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động như: tái cơ cấu lại hoạt động; điều động nhân sự quản lý, sắp xếp lại lao động, thay đổi thu nhập để thu hút lao động; tuyển dụng, đào tạo nhân sự thị trường... Đồng thời công tác dự báo thị trường được Vinatex thực hiện thường xuyên, kịp thời; công tác quản trị sản xuất và hệ thống hoạt động tích cực tại từng đơn vị, đặc biệt triển khai nhiều giải pháp quản trị sản xuất có kết quả rõ nét đối với các đơn vị may còn yếu...

Sự thay đổi cách thức phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ SXKD Sợi của Tập đoàn đã giúp minh bạch về thông tin quản trị; Quản trị sản xuất ngành Sợi nâng lên một tầm cao mới; hỗ trợ nội bộ về tài chính (giúp cho không có đơn vị nào rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán mặc dù lỗ khá sâu sau hơn 2 năm…). Kết quả từ giúp giảm xấp xỉ 90% mức lỗ trong năm 2024 so với năm 2023,

Chia sẻ thêm về hoạt động SXKD tại sự kiện Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May cho biết dù được hưởng lợi do sự dịch chuyển đơn hàng từ Bangladesh nhưng năm 2024 đơn hàng ngành May chủ yếu vẫn là nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật, chất lượng, thời gian giao hàng nhanh, đặc biệt đơn giá ngành May vẫn ở mức thấp, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận hi sinh lợi nhuận để tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Năm 2025 - năm có nhiều dấu mốc quan trọng với đất nước (80 năm thành lập nước và đặc biệt hơn với quan điểm định hướng “đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, năm diễn ra đại hội Đảng các cấp…). Năm 2025 sẽ đánh dấu mốc Vinatex kỷ niệm 30 năm thành lập (1995-2025), bắt đầu nhiệm kỳ mới của HĐQT Tập đoàn, do đó, đây cũng được coi là kỷ nguyên mới của Vinatex. Để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này, Vinatex cho biết sẽ phát triển bền vững trên cả 4 trụ cột môi trường- xã hội - quản trị và tài chính (ESGF), có vị thế vững chắc trong các chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, sở hữu những sức mạnh cạnh tranh riêng thông qua ứng dụng công nghệ mới và sản phẩm đặc biệt, có văn hoá doanh nghiệp kết hợp chọn lọc giữa truyền thống nhân văn của các thế hệ đi trước và khoa học, hiện đại hướng đến người lao động của hôm nay.

Cụ thể các trọng tâm giai đoạn tiếp theo Vinatex hướng tới  là: Tiếp tục phát huy sức mạnh nội sinh tiềm tàng của từng doanh nghiệp, trong định hướng phải tổng hợp được thành sức mạnh chung toàn Tập đoàn. Hình thành năng lực cạnh tranh cấp Tập đoàn trong giai đoạn mới, là cơ sở quan trọng nhất để đối diện với thách thức của thị trường, cũng là điều kiện số một để gia nhập các chuỗi cung ứng toàn cầu với vị thế cao;

Thu hút, đãi ngộ và sử dụng chung một cách có hiệu quả nguồn lực con người chất lượng cao, tạo lực kéo tất cả các doanh nghiệp cùng tiến bộ, không chờ đợi việc phát triển nguồn nhân lực ở từng doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh trên thị trường lao động rất cao, nhân lực giỏi khan hiếm;

Đẩy nhanh tốc độ đổi mới phương thực quản trị thông qua chuyển đổi số và áp dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp tốt nhất đang có trong Tập đoàn đến tất cả các doanh nghiệp;

Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, thị trường ngách, tạo những giá trị riêng ngoài sản xuất hàng dệt may thông thường, tự xây dựng rào cản công nghệ và thị trường để bảo vệ sự bền vững của Tập đoàn, từng bước cân bằng giữa khu vực sản xuất cạnh tranh cao với khu vực có giá trị sáng tạo lớn;

Ứng dụng công nghệ tự động hoá, trí tuệ nhân tạo để giảm sự phụ thuộc vào lao động, đưa giá trị của một người lao động trong ngành dệt may theo kịp bước tiến của kinh tế cả nước; Gìn giữ truyền thống đoàn kết, chia sẻ, tương thân tương ái giữa các doanh nghiệp trong Tập đoàn, bên cạnh đó xây dựng bổ sung các nét văn hiện đại về đổi mới sáng tạo, đề cao nhân tài, và chấp nhận rủi ro có cân nhắc...

Công đoàn Dệt May: Đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhiều hoạt động thiết thực chăm lo người lao động

Hướng về cơ sở, đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp và NLĐ, năm 2024 Công đoàn Dệt May Việt Nam (Công đoàn Dệt May) cho biết đã tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Tập đoàn và các doanh nghiệp triển khai toàn diện, thực chất các phong trào thi đua; chăm lo thiết thực việc làm, đời sống cho NLĐ… duy trì mối quan hệ hài hoà, ổn định, tiến bộ, đóng góp vào kết quả chung của Tập đoàn Dệt May Việt Nam.

Nổi bật là các hoạt động: Thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể ngành lần thứ VI, xác lập thêm nội dung mới tiến bộ hơn quy định của pháp luật; Triển khai đồng bộ các hoạt động của Tháng Công nhân 2024 với chủ đề "Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết"; Phối hợp vớp Tập đoàn tổ chức thành công Ngày hội Lao động sáng tạo ngành Dệt May lần thứ VI, với nhiều đề tài giải pháp, sáng tạo thiết thực đáp ứng yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp dệt may hiện nay là “Xanh hóa và phát triển bền vững”; tiếp tục xét chọn, tôn vinh “Doanh nghiệp vì NLĐ”,Trao Giải thưởng “Nguyễn Thị Sen”, Mở hàng chục lớp đào tạo, nâng cao trình độ, kĩ năng tay nghề cho NLĐ tại 15 doanh nghiệp; Đồng thời tổ chức thành công Hội diễn văn nghệ ngành Dệt May Việt Nam tại 3 miền qua đó nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong ngành Dệt May;

hoạt động công đoàn Dệt May
Năm 2024 Công đoàn Dệt May Việt Nam  đã tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với Tập đoàn và các doanh nghiệp triển khai toàn diện, thực chất các phong trào thi đua; chăm lo thiết thực việc làm, đời sống cho NLĐ.

Đồng thời làm tốt các hoạt động xã hội từ thiện vì cộng đồng: Quyên góp ủng hộ NLĐ và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ, tổ chức "Hành trình đỏ" Bắc, Trung, Nam hiến máu tình nguyện, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, nuôi trẻ mồ côi, hỗ trợ đồng bào khó khăn…

Về việc chăm lo cho đoàn viên, NLĐ nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025, bà Phạm Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, phối hợp với Tập đoàn tổ chức Chương trình Tết sum vầy - Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình tại nhiều điểm trên cả nước với các nội dung: Bán các mặt hàng thiết yếu với giá ưu đãi, tặng quà cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ chuyến xe, tấm vé nghĩa tỉnh đưa NLĐ về quê đón tết, cùng nhiều hoạt động bên lề khác như: văn hóa văn nghệ, thi gói bánh chưng và bày mâm ngũ quả...

Theo đó dự kiến sẽ có trên 1.990 cán bộ, đoàn viên, NLĐ được công đoàn ngành dệt may tặng quà Tết bằng tiền và hiện vật; có 655 NLĐ được hỗ trợ tấm vé nghĩa tình về quê đón Tết và 129 gian hàng ưu đãi giảm giá, gian hàng 0 đồng. Lợi ích mang đến cho NLĐ dự kiến là trên 4,5 tỷ đồng (chưa bao gồm các hoạt động chăm lo ở cấp cơ sở).

Phan Thúy