Để thực hiện đề án khuyến công năm 2023, Hộ kinh doanh Phạm Tiến Tùng tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng đề án khuyến công trình UBND thị trấn Yên Lạc, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Lạc, Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc xem xét, phê duyệt.
Căn cứ Quyết định của Sở Công Thương Vĩnh Phúc về việc Phê duyệt các nội dung, kinh phí thực hiện chương trình khuyến công nguồn kinh phí ngân sách tỉnh năm 2023 (đợt 2); đơn vị đã ký kết Hợp đồng giữa Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc và Hộ kinh doanh Phạm Tiến Tùng về việc thực hiện đề án “Hỗ trợ kinh phí đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất mộc”. Với tổng kinh phí thực hiện đề án là 560 triệu đồng, trong đó: Kinh phí Khuyến công hỗ trợ 153 triệu đồng; Kinh phí của Cơ sở 407 triệu đồng.
Từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 hỗ trợ, Hộ kinh doanh Phạm Tiến Tùng đã đầu tư mới 100% 02 Máy đục CNC 10 đầu đục, có công xuất đầu khắc 1.5Kw, tốc độ làm việc: 8000mm/ phút, hành trình làm việc 3200mm-1700mm-250mm. Có thể nói máy khắc gỗ CNC ra đời mang lại nhiều lợi ích cho ngành điêu khắc chế tác gỗ. Với dòng máy này nó có thể làm ra những sản phẩm một cách tự động, sản phẩm hoàn thiện vô cùng chính xác và đẹp mắt mà không phụ thược vào tay nghề người thợ.
Máy thích hợp đối với những mô hình kinh doanh sản xuất quy mô lớn. Bởi vì chúng có thể làm việc kiên trì bền bỉ trong thời gian nhiều giờ liên tục. Hơn nữa điểm đặc biệt ở đây là nó có thể khắc cùng lúc nhiều sản phẩm giống nhau. Điều này giúp cho nâng cao hiệu quả năng suất khối lượng công việc. Nhờ vào hiệu quả năng suất chất lượng cao vì thế giá thành gia công thấp. Do vậy dẫn đến sản phẩm sẽ có tính cạnh tranh cao hơn.
Chủ Hộ kinh doanh Phạm Tiến Tùng cho biết: Sau khi đầu tư máy móc thiết bị hiện đại cơ sở ước đạt 300 bộ sản phẩm giường /tháng. Chất lượng sản phẩm có độ tinh xảo, đồng đều, có sự cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng. Tiết kiệm nguyên vật liệu, tiết kiệm thời gian sản xuất hơn so với hiện tại. Giảm thiểu tối đa việc gây ô nhiễm môi trường so với làm thủ công. Đồng thời, máy móc đi vào hoạt động tạo việc làm cho 06 lao động thu nhập đạt 9-10 triệu đồng/tháng, doanh thu đạt 600 triệu đồng/tháng.
Đại diện Trung tâm Phát triển Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc cho biết về tính bền vững, khả năng nhân rộng của đề án sau khi kết thúc hỗ trợ: Đề án tạo doanh thu ổn định cho cơ sở và người lao động; Máy móc đầu tư là loại mới, hiện đại, cho thời gian sử dụng lâu dài; Đồ gỗ vẫn chiếm ưu thế khi so với các loại vật liệu khác… bởi những tính năng ưu việt như: Mát, sang trọng, thân thiện với môi trường, với nét đẹp tự nhiên mộc mạc và gần gũi với người sử dụng.
Ngoài ra, đề án thực hiện nhằm tăng năng suất, tạo thêm nhiều sản phẩm đẹp, có tính thẩm mỹ cao đáp ứng nhu cầu thị yếu của khách hàng, phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao năng lực cho cơ sở, do đó đề án có tính bền vững cao, thị trường ổn định, lâu dài. Đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, về khuyến khích phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp.