Ưu đãi thuế quan theo UKVFTA
Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len và Việt Nam đã ký và đi vào thực thi Hiệp định UKVFTA. Hiệp định này đảm bảo việc xóa bỏ 65% dòng thuế kể từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU có hiệu lực. Mức xóa bỏ này sẽ tăng lên 99% sau lộ trình từ 6 đến 9 năm.
Với những cam kết trên, hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Vương quốc Anh:
- Xóa bỏ 48,5% dòng thuế từ ngày 01 tháng 01 năm 2021;
- Xóa bỏ 91,8% dòng thuế từ ngày 01 tháng 01 năm 2027;
- Xóa bỏ 98,3% dòng thuế từ ngày 01 tháng 01 năm 2029;
- 1,7% dòng thuế còn lại sẽ được tự do hóa một phần qua hạn ngạch thuế quan (khối lượng hạn ngạch phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO và thuế trong hạn ngạch sẽ được xóa bỏ vào năm 2031) hoặc không được hưởng ưu đãi.
Cụ thể, với nhóm hàng máy móc thiết bị nhập khẩu từ Vương quốc Anh, Việt Nam xóa bỏ 61% dòng thuế từ ngày 01 tháng 01 năm 2021; tất cả các sản phẩm khác sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 9 năm. Theo nhận định của Bộ thương mại quốc tế (Vương quốc Anh), đây là nhóm sản phẩm của Vương quốc Anh có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng có nhu cầu nhập khẩu cao. Mức thuế MFN trung bình của Việt Nam vào năm 2020 đối với các sản phẩm và thiết bị cơ khí (HS 84) là 4,9%, đối với máy móc và thiết bị điện (HS 85) là 8,7%.
Với nhóm hàng dược phẩm, Việt Nam xóa bỏ 71% dòng thuế từ ngày 01 tháng 01 năm 2021; tất cả các sản phẩm khác sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 4 đến 6 năm. Với nhóm hàng hóa chất, Việt Nam xóa bỏ 71% dòng thuế từ ngày 01 tháng 01 năm 2021; tất cả các sản phẩm khác sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 4 đến 6 năm.
Với nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, Việt Nam xóa bỏ 80% dòng thuế từ ngày 01 tháng 01 năm 2021; tất cả các sản phẩm khác sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu sau 4 đến 6 năm… Trước khi thực thi UKVFTA, Việt Nam áp dụng mức thuế MFN 12% đối với tất cả nguyên phụ liệu dệt may (HS 50-60). Còn hàng may mặc thành phẩm (HS 61-63) phải chịu mức thuế cao hơn, trung binh, vào khoảng 15% - 20%.
Nguồn nhập khẩu chất lượng cao từ Vương quốc Anh
Điều đáng lưu ý là, những mặt hàng mà Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu cho sản xuất trong nước phục vụ xuất khẩu hoặc tiêu dùng nội địa cũng là những mặt hàng Việt Nam dành ưu đãi thuế quan cho Vương quốc Anh theo hiệp định UKVFTA, và là những nhóm hàng có giá trị nhập khẩu tăng cao.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Anh vào Việt Nam đạt 372,5 triệu USD, tương đương so cùng kỳ năm 2022. Các mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh gồm: Hàng nguyên liệu thủy sản tăng 233,3%. Trên thực tế, đây là nhóm hàng Việt Nam cần nhập khẩu phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2022 kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thủy sản các loại về Việt Nam đạt trên 2,72 tỷ USD, tăng mạnh 36,6% so với năm 2021. Chính nhờ nguồn thủy sản nhập khẩu, các doanh nghiệp chế biến hải sản xuất khẩu đã có sự phát triển mạnh, tạo ra giá trị xuất khẩu cao, giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và tạo ra nhiều công ăn việc làm, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy).
Tương tự, nhập khẩu nguyên phụ liệu may mặc từ Anh trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 15,5%. Đây cũng là nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu cho nhu cầu chế tác xuất khẩu. Trong năm 2022, nhập khẩu các nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày của Việt Nam 6,7 tỷ USD tăng 6,5% so với năm 2021; nhập khẩu vải nguyên liệu đạt 14,7 tỷ USD, tăng 2,7% so với năm 2021; nhập khẩu bông nguyên liệu đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm 2021…
Có thể kể thêm một số nhóm hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng từ Vương quốc Anh: Sản phẩm từ sắt thép tăng 94,6%; Vải các loại tăng 71,9%; Kim loại thường tăng 51,3%; sản phẩm từ chất dẻo tăng 15,4%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 6,4%.
Các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu lớn từ Vương quốc Anh trong 6 tháng đầu năm 2023 gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (24%); Dược phẩm 11,8%; hóa chất 6,4%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (5,2%); thủy sản và nguyên liệu thủy sản 4,6%. Đây đều là những nhóm hàng Việt Nam cần nhập khẩu để sản xuất phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Trong năm 2022, kim ngạch hàng hóa Việt Nam nhập khẩu từ Vương quốc Anh đạt khoảng 771 triệu USD. Trong đó, 4 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; dược phẩm; sản phẩm hóa chất; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày.