Theo đó, mức tăng trưởng thương mại toàn cầu trong năm nay được dự báo sẽ giảm khoảng 9,2%, sau đó sẽ tăng trở lại 7,2% trong năm 2021. Tuy nhiên, con số tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với xu hướng trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Giới phân tích nhận định các hoạt động thương mại toàn cầu sẽ chỉ phục hồi bền vững nếu như dịch bệnh không bùng phát trở lại hoặc có phương pháp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, vaccine chống virus Covid-19 được sử dụng rộng rãi cũng như có các biện pháp hỗ trợ liên tục từ các chính phủ.
Phó Tổng Giám đốc WTO Yi Xiaozhun nhận định các hoạt động thương mại "đóng một vai trò quan trọng" trong việc chống lại các tác động của đại dịch Covid-19 và kêu gọi các quốc gia tránh theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ vốn đang có xu hướng gia tăng trở lại khi các nước tăng cường bảo vệ việc làm và hoạt động sản xuất trong nước. Theo ông Yi Xiaozhun, chủ nghĩa bảo hộ là mộ trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu sau các tác động của đaiaj dịch Covid-19.
Ông Yi Xiaozhun kêu gọi các quốc gia cần tăng cường hợp tác, hợp tác quốc tế là điều cần thiết để vực dậy nền kinh tế và cho rằng WTO là diễn đàn lý tưởng để giải quyết các vấn đề thương mại toàn cầu.
Dữ liệu mới nhất của WTO cho thấy, hoạt động thương mại hàng hoá toàn cầu trong quý 2/2020 đã giảm 14,3% so với quý 2/2019 – đánh dấu mức giảm theo quý lớn nhất lịch sử. Tuy nhiên, hoạt động thương mại hàng hoá toàn cầu trong quý 3/2020 đã bắt đầu phục hồi. Hoạt động thương mại dịch vụ cũng giảm gần 30% trong giai đoạn tháng 4 và tháng 5/2020 khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát ra toàn cầu. Tốc độ suy giảm hoạt động thương mại dịch vụ bắt đầu giảm xuống còn khoảng 20% trong tháng 7/2020. Tuy nhiên, giới phân tích dự báo một số ngành dịch vụ như giải trí, du lịch lữ hành và thể thao sẽ vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức trong thời gian tới cho đến khi có vaccine chống lại dịch bệnh.
Trong các khu vực kinh tế, khu vực Bắc Mỹ được dự báo sẽ chứng kiến mức suy giảm xuất khẩu lớn nhất với mức giảm lên tới 14,7% trong năm 2020 so với năm 2019. Mức giảm nhập khẩu của khu vực Bắc Mỹ sẽ giảm 8,7% trong năm 2020. Trong năm 2021, mức xuất khẩu và nhập khẩu của khu vực này được dự báo sẽ phục hồi trở lại lần lượt tại mức 10,7% và 6,7%. Trong khi đó, khu vực Châu Á được dự báo sẽ suy giảm GDP ở mức 2,4% trong năm nay trước khi bật tăng trở lại ở mức 5,9% trong năm 2021.
So với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn 2008 – 2009, hoạt động thương mại đang đóng vai trò cao hơn trong kinh tế toàn cầu và sự phát triển của một số sản phẩm đặc biệt đã giúp giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19. Các lĩnh vực thương mại hàng hoá vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong đại dịch gồm các sản phẩm công nghệ thông tin, truyền thông và trang thiết bị y tế, bảo hộ cá nhân. Tuy nhiên, hành vi của người tiêu dùng đang dần thay đổi khi mức chi tiêu cho các lĩnh vực như du lịch đang dần chuyển sang cho chi tiêu hàng hoá; du lịch lữ hành là một trong những lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nhất vì đại dịch Covid-19.
Sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu hiện được chống đỡ nhờ hàng hoá gói kích thích kinh tế lớn do các ngân hàng trung ương và các chính phủ trên toàn cầu tung ra.