WTO ra phán quyết lần ba về quy định dán nhãn xuất xứ hàng hóa với thịt từ Mexico và Canada

Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã ra phán quyết lần ba nêu rõ Quy định dán nhãn xuất xứ hàng hóa (COOL) của Mỹ là phân biệt đối xử đối các sản phẩm thịt lợn và thịt bò của hai thị trường trên.
Phán quyết của WTO nhấn mạnh Mỹ đã không điều chỉnh luật dán nhãn xuất xứ sản phẩm phù hợp với các quy định thương mại quốc tế sau hai lần WTO ra phán quyết.


Trong phán quyết đầu tiên đưa ra tháng 6/2012, WTO kết luận, chương trình dán nhãn thịt của Mỹ đã khiến cho sản phẩm thịt gia súc của Canada và Mexico ít được ưa chuộng hơn so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước, do đó đã vi phạm quy định thương mại của WTO.

Theo luật của WTO, các bên trong vụ kiện có 20 ngày để kháng cáo và phía Mỹ cho biết đang cân nhắc việc này. Trong khi đó, phía Canada và Mexico ra tuyên bố chung kêu gọi Mỹ rút bỏ COOL.

Sau khi WTO ra phán quyết lần ba, Bộ trưởng Thương mại quốc tế của Canada Ed Fast, Bộ trưởng Nông nghiệp Canada Gerry Ritz, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Villarreal và Bộ trưởng Nông nghiệp Mexico Enrique Martinez đã ra tuyên bố chung nêu rõ: hai nước sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình để đảm bảo “sự phương hại của chính sách COOL phải bị chấm dứt và các cam kết thương mại quốc tế được tôn trọng.''

Hai nước này cũng nêu rõ sẽ vận dụng các quy định của WTO để đi tới giải pháp cuối cùng cho cuộc tranh cãi hiện nay, trong đó không loại trừ việc áp dụng các biện pháp trả đũa đối với sản phẩm nông nghiệp và phi nông nghiệp của Mỹ nếu cần thiết.

Mỹ áp dụng COOL từ năm 2008 và sửa đổi quy định này một lần vào năm 2013, theo đó quy định các sản phẩm thịt bò và thịt lợn đóng gói tiêu thụ trên thị trường Mỹ phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ từ con giống, nơi chăn nuôi đến nơi chế biến.

Những người ủng hộ quy định này cho rằng, việc sửa đổi là cần thiết, nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin cho người tiêu dùng về xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, những người phản đối thì cho rằng đây là sự phân biệt đối xử đối với những sản phẩm nhập khẩu (vào Mỹ), làm tăng thêm chi phí sản xuất và vi phạm các quy định thương mại tự do.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp Canada, việc sửa đổi COOL đã làm giảm một nửa lượng thịt lợn và thịt bò của Canada xuất sang Mỹ, đồng thời tăng chi phí của ngành công nghiệp gia súc Canada thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.