TÓM TẮT:
Bộ luật Dân sự 2015 đã khẳng định nguyên tắc tự do thỏa thuận lựa chọn pháp luật cho hợp đồng có yếu tố nước ngoài, trong đó có vấn đề liên quan đến hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài. Vậy để thực hiện quyền này, các bên cần tuân theo những điều kiện nào? Quyền này có phải là một quyền tuyệt đối? Những xung đột liên quan đến xác định pháp luật điều chỉnh hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài sẽ được giải quyết như thế nào? Bài viết này sẽ làm rõ các vấn đề liên quan đến xác định pháp luật điều chỉnh hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài.
Từ khóa: hình thức, mua bán hàng hóa, hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài.
1. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài
Theo Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 quy định: “Mua bán hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó bên bán có nghĩa vụ giao hàng, chuyển quyền sở hữu hàng hóa cho bên mua và nhận thanh toán; bên mua có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, nhận hàng và quyền sở hữu hàng hóa theo thỏa thuận”. Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”. Đồng thời, tại Điều 430 Bộ luật Dân sự cũng đưa ra định nghĩa : “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”.
Như vậy, nhìn vào các quy định của Luật Thương mại và Bộ luật Dân sự thấy rằng hợp đồng MBHH nói chung và hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài nói riêng chính là một dạng cụ thể của hợp đồng mua bán tài sản, là sự thảo thuận giữa các bên và đặt ra nghĩa vụ chuyển quyền sở hữu và thanh toán cho bên bán và bên mua trong hợp đồng. Tuy nhiên, hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài lại có sự khác biệt so với hợp đồng MBHH nói chung ở “yếu tố nước ngoài” trong hợp đồng. Việc xác định “yếu tố nước ngoài” trong hợp đồng MBHH hiện nay không dễ dàng. Thêm vào đó, quan điểm lập pháp tại mỗi quốc gia lại là khác nhau, nên việc xác định “yếu tố nước ngoài” cũng có sự khác biệt đáng kể.
Hiện nay ở Việt Nam, BLDS 2015 được coi là luật chung của tất cả các quan hệ dân sự đã đưa ra nguyên tắc chung xác định “yếu tố nước ngoài” tại khoản 2 Điều 663 như sau:
“Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
b) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài;
c) Các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài”.
Còn đối với Luật Thương mại 2005 không dùng thuật ngữ “MBHH có yếu tố nước ngoài” mà chỉ liệt kê các hoạt động “MBHH quốc tế”. Theo đó, mua bán hàng hoá quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập và chuyển khẩu[1], và được cụ thể hóa trong các điều khoản từ Điều 28 đến 30. Nhìn chung, Luật Thương mại năm 2005 chỉ căn cứ vào dấu hiệu “sự chuyển dịch hàng hóa từ lãnh thổ Việt Nam sang nước ngoài hoặc khu vực hải quan riêng và ngược lại từ nước ngoài hoặc khu vực hải quan riêng vào trong lãnh thổ Việt Nam” hay còn được gọi là sự chuyển dịch hàng hóa qua biên giới Việt Nam với nước ngoài. Như vậy, tiêu chí mà Luật Thương mại 2005 đưa ra có phần hẹp hơn so với BLDS 2015.
Theo Công ước Viên năm 1980 của Liên Hiệp Quốc về Hợp đồng Mua bán Quốc tế Hàng hoá thì “yếu tố nước ngoài” được xác định qua tiêu chí: trụ sở kinh doanh của các bên tham gia hợp đồng MBHH đặt ở các nước khác nhau và các nước này là thành viên của Công ước[2]. Công ước Lahaye năm 1964 về mua bán quốc tế các động sản hữu hình quy định các yếu tố xác định “có yếu tố nước ngoài” bao gồm: i) trụ sở thương mại của các bên giao kết hợp đồng MBHH ở các nước khác nhau; hàng hóa là đối tượng của hợp đồng được chuyển qua biên giới của một nước hoặc ii) việc trao đổi ý chí giao kết hợp đồng giữa các bên được thực hiện ở những nước khác nhau. Trường hợp các bên giao kết không có trụ sở thương mại thì căn cứ vào nơi cư trú thường xuyên của họ[3]. Như vậy, theo như quy định của 2 Công ước này thì dấu hiệu “quốc tịch” không được dùng để xác định “có yếu tố nước ngoài” hay không.
Từ những quy định quốc tế và pháp luật Việt Nam, có thể thấy pháp luật không quy định hình thức của hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định nào cả. Hình thức của hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài rất đa dạng, có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành vi cụ thể.
- Hình thức giao kết bằng lời nói: thường được áp dụng với các trường hợp thỏa thuận thực hiện một hợp động với giá trị không lớn hoặc các bên họ có sự tin tưởng tuyệt đối vào nhau, dựa trên sự uy tín của các bên trong quan hệ hợp đồng đó,…
- Hình thức giao kết bằng văn bản: đây là hình thức phổ biến nhất trong tất cả các quan hệ hợp đồng, cả kể hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài. Đối với hình thức này, các bên sẽ giao kết các quyền và nghĩa vụ bằng văn bản. Các bên sẽ cùng ngồi lại với nhau để thỏa thuận các nội dung chính của hợp đồng và đưa nó vào văn bản cụ thể, sau đó là đại diện các bên sẽ ký vào hợp đồng.
- Hình thức giao kết bằng hành vi cụ thể: Đối với trường hợp này nếu như hai bên có thỏa thuận rằng: nếu bên bán gửi thư chào hàng, báo giá mà bên kia không trả lời thì có nghĩa đã chấp nhận mua bán hàng hóa theo giá được báo ở bên trong thư chào hàng.
2. Xác định pháp luật điều chỉnh đối với hình thức hợp đồng
Một hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài muốn có hiệu lực và giá trị pháp lý ràng buộc đối với các bên thì phải đáp ứng được yêu cầu về nội dung và hình thức, trước tiên đó chính là yêu cầu về hình thức. Tuy nhiên, pháp luật tại mỗi quốc gia lại có những quy định khác nhau về điều kiện, yêu cầu hình thức của hợp đồng. Chính điều này đã dẫn đến trường hợp là cùng một hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài nhưng tại quốc gia này thì quy định hình thức như thế này, còn tại quốc gia khác lại quy định hình thức như thế kia. Vấn đề đặt ra cho các bên không phải là xem quy định của hệ thống pháp luật nào hợp lý hơn, mà cần phải xem xét dưới các góc độ hệ thống pháp luật nào có mối liên hệ mật thiết nhất và có liên quan nhất, để từ đó lựa chọn áp dụng điều chỉnh hình thức của hợp đồng cho phù hợp[4].
Pháp luật Việt Nam quy định rất cụ thể về việc xác định pháp luật điều chỉnh đối với hình thức của hợp đồng trong BLDS năm 2015. Theo khoản 7 Điều 683 BLDS năm 2015 quy định: “Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam”. Như vậy, Việt Nam cũng như tất cả các quốc gia khác đều ghi nhận và đề cao sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, việc lựa chọn pháp luật nào dùng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng hoàn toàn do các bên tự thỏa thuận lựa chọn với nhau. Sau khi đã cùng nhau thống nhất được pháp luật điều chỉnh hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài, thì nội dung và hình thức của hợp đồng sẽ tuân theo pháp luật mà các bên đã lựa chọn.
Tuy nhiên, để hạn chế trường hợp hợp đồng bị vô hiệu về hình thức, quy định này mở rộng phạm vi pháp luật áp dụng với hình thức của hợp đồng theo hướng: trường hợp hình thức của hợp đồng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức đó cũng được công nhận tại Việt Nam. Điều này không hạn chế việc các bên được chọn pháp luật của nhiều nước khác nhau áp dụng với những phần khác nhau của hợp đồng. Tuy nhiên, việc lựa chọn nhiều pháp luật có thể dẫn đến xung đột nội tại giữa pháp luật áp dụng trong chỉnh thể hợp đồng thống nhất. Vì vậy, khi lựa chọn pháp luật áp dụng trong hợp đồng, các bên cần cân nhắc kỹ việc lựa chọn nhiều luật hay không.
Chẳng hạn, Công ty A (quốc tịch Canada) và Công ty B (quốc tịch Việt Nam) lựa chọn pháp luật Việt Nam để điều chỉnh hợp đồng mua bán vải lụa. Như vậy, khi mà hai công ty đã thỏa thuận lựa chọn áp dụng pháp luật Việt Nam để điều chỉnh thì hình thức của hợp đồng phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam, mà cụ thể đó là BLDS (luật chung) và các văn bản pháp luật chuyên ngành. Điều 119 BLDS 2015 như sau: “1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản; 2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”.
Vậy hình thức của hợp đồng mua bán vải lụa giữa 2 Công ty A & B được xác lập bằng 1 trong 3 hình thức, đó là: lời nói, văn bản hoặc hành vi cụ thể. Cụ thể hơn, tại khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại năm 2005 quy định về hình thức của hợp đồng MBHH quốc tế như sau: “Mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”.
Có thể thấy, nhằm đảm bảo tính pháp lý cũng như đảm bảo tối đa quyền và lợi ích cho các bên trong hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài (thường là những hợp đồng có giá trị rất lớn) thì pháp luật Việt Nam quy định hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài không thể được xác lập bằng lời nói hay bằng một hành vi cụ thể mà phải được xác lập bằng văn bản cũng như các hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật[5]). Quy định này của pháp luật Việt Nam có điểm khác biệt so với Công ước Viên năm 1980 của Liên Hiệp quốc về Hợp đồng Mua bán Quốc tế Hàng hóa. Căn cứ vào Điều 11 và Điều 13 của Công ước Viên năm 1980 thì hình thức của hợp đồng không nhất thiết bằng văn bản và thừa nhận hình thức telex, điện tín được coi là hình thức tương đương với hình thức văn bản. Bên cạnh đó, Điều 12 và Điều 96 của Công ước Viên năm 1980 cũng quy định rằng bất cứ thành viên nào cũng có quyền tuyên bố bảo lưu nội dung này, có quyền áp dụng quy định bắt buộc về hình thức của hợp đồng bằng văn bản. Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên của Công ước Viên năm 1980 và đã tuyên bố bảo lưu Điều 11, không áp dụng điều khoản này. Việc Việt Nam tuyên bố bảo lưu Điều 11 cũng bởi những ưu điểm của hình thức văn bản đó là tính rõ ràng, chi tiết, minh bạch; tính dễ kiểm tra, giám sát,…
Tại Điều 683 BLDS quy định về việc các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng (trừ trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản; pháp luật do các bên lựa chọn trong hợp đồng lao động, hợp đồng tiêu dùng có ảnh hưởng đến quyền lợi tối thiểu của người lao động, người tiêu dùng; các bên có thể thỏa thuận thay đổi pháp luật áp dụng đối với hợp đồng nhưng việc thay đổi đó không được ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba được hưởng trước khi thay đổi pháp luật áp dụng, trừ trường hợp người thứ ba đồng ý[6]). Và trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.
Hình thức của hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó. Trường hợp hình thức của hợp đồng không phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật áp dụng đối với hợp đồng đó, nhưng phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng hoặc pháp luật Việt Nam thì hình thức hợp đồng đó được công nhận tại Việt Nam[7]. Như vậy, với quy định này, hình thức của hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam sẽ được coi là hợp pháp nếu hình thức của hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật do các bên thỏa thuận thống nhất lựa chọn, trừ một số trường hợp như đã liệt kê ở trên. Trong trường hợp, nếu hợp đồng không phù hợp về hình thức theo quy định của pháp luật đối với hợp đồng đó nhưng phù hợp với hình thức của hợp đồng theo pháp luật Việt Nam hoặc phù hợp với hình thức hợp đồng theo pháp luật nơi giao kết hợp đồng thì hợp đồng đó vẫn được công nhận tại Việt Nam. Tương tự quy định của pháp luật trong nước, các quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết được quy định theo hướng, hình thức hợp đồng được xác định theo pháp luật áp dụng đối với chính hợp đồng đó. Trong trường hợp khác, hình thức của hợp đồng vẫn được coi là hợp pháp nếu phù hợp với pháp luật nơi ký kết hợp đồng. Đối với hợp đồng liên quan tới bất động sản, hình thức của hợp đồng phải phù hợp với pháp luật của nước ký kết nơi có bất động sản (Ví dụ: Điều 37 Hiệp định Tương trợ tư pháp Việt Nam - Ba Lan).
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam vẫn còn một số điểm hạn chế, bất cập và có sự chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật. Chẳng hạn, Khoản 4 Điều 683 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp hợp đồng có đối tượng là bất động sản thì pháp luật áp dụng đối với việc chuyển giao quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là bất động sản, thuê bất động sản hoặc việc sử dụng bất động sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là pháp luật của nước nơi có bất động sản”. Nhưng tại Điều 11 Nghị định số 37/2015/NĐ - CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định về hợp đồng xây dựng quy định “Hợp đồng xây dựng phải áp dụng hệ thống pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tuân thủ các quy định của Nghị định này”. Như vậy, quy định trong 2 văn bản này đã có sự mâu thuẫn với nhau: trong khi BLDS quy định pháp luật điều chỉnh hình thức hợp đồng sẽ là pháp luật của nước nơi có bất động sản, thì trong Nghị định 37 lại quy định phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật Việt Nam về xác định pháp luật điều chỉnh hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định nội dung về hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài trong BLDS. Trong đó, đặc biệt là quy định về xác định pháp luật điều chỉnh cho hình thức hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài, thống nhất sự tản mạn bằng những quy định cụ thể trong BLDS trở thành luật chung cho các luật chuyên ngành. Các quy định có tính chất chung chỉ nên quy định trong BLDS 2015. Trong Bộ luật này cần có những quy định chung có tính khái quát cao, thể hiện rõ quyền tự do hợp đồng để bảo đảm tính ổn định cao của BLDS sau lần sửa đổi, bổ sung này. Không nên đưa vào BLDS các quy định về các loại hợp đồng chuyên biệt, mà để cho các văn bản pháp luật chuyên ngành quy định. Nếu có đưa một loại hợp đồng nào đó vào trong BLDS 2005 thì không nên quy định ở văn bản pháp luật khác nữa để tránh trùng lặp, chồng chéo.
Thứ hai, vẫn hoàn thiện quy định về xác định pháp luật điều chỉnh hình thức hợp đồng trong BLDS 2015 nhưng chỉ hoàn thiện những nền móng cơ bản, còn lại các quy định khác trong BLDS và những quy định tản mạn thì xây dựng một đạo luật riêng biệt điều chỉnh.
Thứ ba, một trong những trọng tâm việc hoàn thiện quy định pháp luật về xác định pháp luật điều chỉnh cho hình thức hợp đồng MBHH có yếu tố nước ngoài là vấn đề pháp điển hóa, xây dựng một luật hợp đồng dân sự thống nhất. Đây là vấn đề mới, đòi hỏi phải có những kinh nghiệm, vốn hiểu biết nhất định và sự quyết tâm cao của những nhà làm luật.
Đối với hợp đồng MBHH quốc tế, Luật Thương mại 2005 chỉ công nhận theo hình thức bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Tham khảo Công ước Viên năm 1980, Công ước này đã công nhận nguyên tắc tự do về hình thức hợp đồng, nghĩa là một hợp đồng MBHH không nhất thiết phải bằng văn bản mà có thể được thành lập bằng lời nói, bằng hành vi và có thể được chứng minh bằng mọi cách, kể cả bằng nhân chứng (Điều 11 Công ước Viên 1980). Đồng thời tại Điều 119 BLDS năm 2015 cũng đã có sự thừa nhận giao dịch dân sự có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể và những giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
Như vậy, về cơ bản, pháp luật Việt Nam hiện hành đã có những quy định tiến bộ hơn nhưng vẫn chưa có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật chung và văn bản pháp luật chuyên ngành. Chính vì vậy, trong thời gian tới, việc sửa đổi và hoàn thiện các quy định của Luật Thương mại năm 2005 là điều vô cùng cần thiết để đem lại sự thống nhất với quy định của BLDS năm 2015.
Thứ tư, bản thân những người làm công tác áp dụng pháp luật nước ngoài, điều ước quốc tế cũng cần phải tự nâng cao và hoàn thiện những kỹ năng cần thiết cho việc áp dụng pháp luật nước ngoài, điều ước quốc tế: thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân, năng lực ngoại ngữ, năng lực công nghệ thông tin và sự nhanh nhạy, linh hoạt, chính xác trong mọi tình huống./.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Khoản 1 Điều 27 Luật Thương mại năm 2005
[2] Điều 1 Công ước Viên năm 1980 của Liên Hiệp Quốc về Hợp đồng Mua bán Quốc tế Hàng hóa
[3] Điều 1 Công ước Lahaye năm 1964 về mua bán quốc tế các động sản hữu hình
[4] Bành Quốc Tuấn (2010), Xác định luật áp dụng trong hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 4, tháng 4/2010.
[5] Khoản 15 Điều 3 Luật Thương mại 2005
[6] Khoản 4,5,6 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015
[7] Khoản 7 Điều 683 Bộ luật Dân sự 2015
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 220.
- Quốc hội (2005), Luật Thương mại 2005.
- Quốc hội (2015), Bộ luật Dân sự 2015.
- Liên Hiệp quốc (1980), Công ước Viên năm 1980 về Hợp đồng Mua bán Quốc tế Hàng hóa.
- UNIDROIT (1964), Công ước Lahaye năm 1964 về mua bán quốc tế các động sản hữu hình.
- Bành Quốc Tuấn (2010), Xác định luật áp dụng trong hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Phát triển và Hội nhập, số 4, tháng 4/2010.
Determining regulations governing the form of sales contracts with foriegn elements
Ph.D Do Qui Hoang1
Master’s student Mai Xuan Quang1
1Faculty of International Law, Hanoi Law University
Abstract:
Vietnam’s Civil Code 2015 affirms the principle of freedom of contract which allows individuals and groups freely choose regulations for contracts with foreign elements, including issues related to the form of contract for sale and purchase of goods with foreign elements. So, in order to exercise this right, what are conditions that the parties of the contract need to comply to? Is this right an absolute right, and how will conflicts related to the determination of regulations governing the form of sales contract with foreign elements be resolved? This paper is to clarify issues related to determining regulations governing the form of sales contracts with foriegn elements.
Keywords: form, purchase and sale of goods, contract for sale and purchase of goods with foreign elements.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2022]