Năm 2024, bên cạnh dự báo nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, ngành dệt may còn đối diện với hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR và CBAM cũng như chiến lược “thời trang bền vững” thay cho “thời trang nhanh”, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của OECD của EU; luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức...
Đặc biệt vấn đề xanh hóa và phát triển bền vững là những tiêu chí cạnh tranh mà các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,... yêu cầu ở các nhà cung cấp, bên cạnh yếu tố về giá cả, chất lượng sản phẩm và thời gian giao hàng.
Đơn cử, những sản phẩm may mặc xuất khẩu vào châu Âu bắt buộc phải được sản xuất từ sợi cotton, sợi polyester pha với sợi tái chế được làm từ các sản phẩm thiên nhiên, phế phẩm hoặc sản phẩm dệt may dư thừa. Tức là các nhà nhập khẩu lớn đang tập trung vào các chỉ số phát triển bền vững ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và tiêu chuẩn LEED (định hướng thiết kế về năng lượng và môi trường). Nhà cung cấp nào có lợi thế này sẽ có sức cạnh tranh và có nhiều đơn hàng.
Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam Vũ Ðức Giang cho biết, để phát triển bền vững, từ nay đến năm 2030, ngành dệt may sẽ chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn từ 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
Theo đó, cần tập trung phát triển nguồn nguyên phụ liệu trong nước nhưng theo xu thế xanh và tuần hoàn, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về xác định nguồn gốc xuất xứ, cũng như các sắc thuế bổ sung có thể áp dụng trong thời gian tới như EPR trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của châu Âu (CBAM).
Đồng thời, cần có chiến lược trong thu hút đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt theo chiến lược dệt may Chính phủ đã thông qua. Để làm được điều này, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về đất đai, đầu tư các cụm, khu công nghiệp sợi, dệt, nhuộm tập trung,... tạo điều kiện để ngành phát triển.
Bộ Công Thương cần sớm làm việc với các địa phương nhằm hoạch định quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tuân thủ các quy định về môi trường, kêu gọi các dự án công nghiệp dệt nhuộm nhất là dệt nhuộm vải cao cấp và dệt thoi, dệt kim vào đầu tư.
Đồng thời cần có cơ chế về thuế với công nghiệp dệt may như xuất khẩu tại chỗ, thuế giá trị gia tăng đầu vào, vì doanh nghiệp hiện chịu áp lực lớn về chi phí lãi vay ngân hàng, lương cho lao động, chấp nhận thanh toán sau…
Cần có giải pháp phát triển môi trường. Môi trường xanh không chỉ là cây xanh mà đòi hỏi đầu tư vào các giải pháp về công nghệ, trang thiết bị, nguồn lực, con người… Không đốt nồi hơi bằng dầu và than mà chuyển sang đốt nồi hơi điện. Như vậy chi phí sẽ tăng lên, lúc này cơ chế tài chính tạo ra cần giúp doanh nghiệp thích ứng cũng như thu được nguồn lợi nhất định.
Ông Vũ Ðức Giang nhấn mạnh thêm, xanh hóa là xu thế tất yếu của ngành dệt may. Cần tích ứng sản phẩm tuần hoàn vào sản phẩm dệt may, đây là điều bắt buộc chứ không còn chỉ nằm trên giấy. Vì thế, Chính phủ phải đồng hành cùng doanh nghiệp để xây dựng “chiến lược xanh hóa”, đầu tư các nhà máy có hạ tầng đạt các chuẩn mực đánh giá của các nhãn hàng như môi trường làm việc, nước thải, khí thải, năng lượng tái tạo bằng điện mặt trời áp mái.
Làm rõ hơn về vấn đề xanh hóa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex Lê Tiến Trường khẳng định: Xanh hóa của dệt may Việt Nam có ba yếu tố cơ bản là sử dụng năng lượng xanh, dùng nguyên liệu sạch và môi trường lao động xanh. Đối với doanh nghiệp dệt may, lượng điện sử dụng rất lớn. Các doanh nghiệp trong Tập đoàn đã lắp đặt điện mặt trời trên mái của các xưởng, có thể đáp ứng khoảng 20% tổng lượng điện tiêu thụ của ngành sợi và 35% tổng lượng tiêu thụ đối với ngành may.
Về nguyên liệu, từ hóa chất, thuốc nhuộm, đến các nguồn nguyên liệu như bông, xơ,... các doanh nghiệp đều sử dụng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc và chứng nhận sạch. Điều này giúp sản phẩm dệt may được truy xuất là sản phẩm xanh. Tiếp đến, các đơn vị thành viên luôn bảo đảm cho người lao động môi trường làm việc đạt tiêu chuẩn về điều kiện vệ sinh an toàn công nghiệp, đáp ứng yêu cầu của hệ thống các nhà mua hàng trên thế giới theo từng chu kỳ,...
Vì vậy, muốn phát triển bền vững ngành dệt may theo hướng "xanh hóa", đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đầu tư, đổi mới trang thiết bị hiện đại, đồng thời tự chủ được nguồn cung nguyên phụ liệu, đa dạng hóa thị trường,... nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ đặc thù, chính sách cụ thể về quỹ đất, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, quỹ tài chính về môi trường,... để các doanh nghiệp theo hướng xanh có thể tiếp cận quỹ, giúp doanh nghiệp có nguồn tài chính thuận lợi, giá hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đầu tư và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.