Chỉnh lý tên gọi để phù hợp với chủ trương, định hướng mới về công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Phát biểu khai mạc Tọa đàm về Dự án nghiên cứu, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (14/7), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, nhằm thể chế hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp, Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm nhằm giải quyết những hạn chế, bất cập trong phát triển công nghiệp trong thời gian tới.
Cụ thể, tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021, Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ (tiến hành trong giai đoạn 2021-2025) và Luật Phát triển công nghiệp (tiến hành trong giai đoạn 2023-2025).
Sau khi Bộ Công Thương đã xây dựng và dự thảo Hồ sơ trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Phát triển công nghiệp, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa Dự án Luật Phát triển công nghiệp vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Thực hiện ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã tổ chức nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.
Sau khi nghiên cứu ý kiến các cơ quan của Quốc hội, và để phù hợp với chủ trương, định hướng mới của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời kỳ mới, Chính phủ đã chỉnh lý đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp thành hồ sơ Luật Công nghiệp trọng điểm, với nội hàm của công nghiệp trọng điểm là các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên theo chủ trương, định hướng công nghiệp hóa của Đảng và Nhà nước.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện nay, hệ thống pháp luật hiện hành có một số ít Luật quy định cụ thể về một ngành công nghiệp như Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản… Đây là các phân ngành công nghiệp có đặc điểm không trực tiếp xây dựng nền tảng vật chất cho nền kinh tế và xã hội, không tạo ra giá trị gia tăng lớn, không có tác động lan tỏa lớn đến các ngành kinh tế - xã hội khác mà chủ yếu sử dụng trực tiếp tài nguyên của quốc gia, nguồn lực của Nhà nước.
“Vì vậy, tính chất và phạm vi điều chỉnh của các đạo luật này chủ yếu tập trung vào việc tăng cường sự can thiệp từ phía Nhà nước nhằm bảo đảm khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của quốc gia, cân bằng cung - cầu đầu vào và đầu ra phục vụ cho các hoạt động sản xuất và tiêu dùng khác”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, khác với các đạo luật trên, Luật Công nghiệp trọng điểm không hướng tới các công cụ quản lý theo hướng tăng cường sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường và hoạt động của doanh nghiệp. Các chính sách dự kiến quy định tại Luật Công nghiệp trọng điểm bao gồm: nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững ngành… Đây là các chính sách, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp theo định hướng của Đảng - đặc biệt là các ngành công nền tảng trong từng thời kỳ hướng tới phát triển bền vững, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao.
Cấp thiết ban hành Luật trong tình hình mới
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, các cơ quan của Quốc hội đã bày tỏ tán thành với sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển công nghiệp và khắc phục vướng mắc, bất cập trong cơ chế, chính sách và thực tiễn phát triển công nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Việc ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm là cấp thiết nhằm khuyến khích, tạo động lực cho ngành công nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, có ý kiến băn khoăn về việc xây dựng dự án Luật này, vì cho rằng phạm vi, đối tượng phát triển công nghiệp rất rộng; trong đó, nhiều lĩnh vực công nghiệp cụ thể đã có luật điều chỉnh, như Luật Hóa chất, Luật Dầu khí, Luật Điện lực, Luật Khoáng sản, Luật Viễn thông, Luật Công nghệ thông tin, Luật Công nghệ cao... cũng như nhiều chính sách phát triển công nghiệp đã được quy định trong các luật về thuế, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Do đó, Bộ Công Thương đang nghiên cứu và thu hẹp phạm vi của Luật, tránh chồng chéo, trùng lặp, hiệu quả điều chỉnh không cao.
Trên cơ sở rà soát phù hợp với định hướng phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, ưu tiên tại Nghị quyết số 29-NQ/TW nêu trên, và để tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật hiện hành, các ngành công nghiệp trọng điểm được điều chỉnh tại Luật được quy định rõ trong nội dung Đề cương chi tiết của Luật, gồm: Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành: dệt may, da - giày, cơ khí, điện tử, ô tô, công nghiệp công nghệ cao; Công nghiệp vật liệu, luyện kim; Công nghiệp điện tử; Công nghiệp cơ khí chế tạo; Công nghiệp thực phẩm và sinh học; Công nghiệp dệt may, da - giày; Các ngành công nghiệp khác theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
“Các ngành công nghiệp năng lượng; công nghiệp quốc phòng, an ninh; công nghiệp công nghệ số, công nghệ thông tin; công nghiệp hóa chất do đã có các đạo luật chuyên ngành điều chỉnh (Luật Điện lực; Luật Dầu khí; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (đang triển khai xây dựng), Luật Hóa chất; Luật Công nghiệp công nghệ thông tin; Luật Công nghiệp công nghệ số (đang triển khai xây dựng) nên sẽ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Công nghiệp trọng điểm”, ông Lương Đức Toàn - Phó trưởng Phòng Công nghiệp chế tạo, Cục Công nghiệp nêu rõ.
Theo Đề cương Luật Công nghiệp trọng điểm, Chính phủ sẽ ban hành Chương trình quốc gia về Phát triển công nghiệp theo từng thời kỳ 10 năm, nhằm xác định quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm trên phạm vi toàn quốc trong từng thời kỳ và tổ chức sử dụng các nguồn lực của đất nước từ Trung ương đến địa phương để bảo đảm thực hiện các quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm của quốc gia.
Trong khuôn khổ các nội dung của Chương trình quốc gia về Phát triển công nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chương trình phát triển công nghiệp đối với từng ngành công nghiệp trọng điểm cụ thể.
Các nội dung chính được đưa ra trong Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ tập trung vào: ưu đãi cho các dự án công nghiệp trọng điểm và quản lý đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua liên kết ngành và nâng cao chất lượng sản xuất, thúc đẩy các “đầu tàu” và doanh nghiệp tiềm năng; ban hành các chính sách đặc biệt trong phát triển công nghiệp trọng điểm; phát triển bền vững. Dự án Luật Công nghiệp trọng điểm cũng sẽ có riêng nội dung về trách nhiệm quản lý nhà nước trong phát triển các ngành này.
Xây dựng Luật tránh chồng chéo, hướng đến huy động tối đa nguồn lực
Đánh giá công tác quản lý nhà nước với lĩnh vực công nghiệp thời gian qua còn phân tán, hạn chế, TS. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng việc Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ thúc đẩy cho phát triển các ngành công nghiệp, làm nền tảng quan trọng cho thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Việt Nam đã “lỡ hẹn” 3 lần.
Đặc biệt, đa số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn hạn chế về nhân sự, nguồn lực tài chính, năng lực nghiên cứu phát triển sản phẩm,… Trong khi đó, xu hướng phát triển hiện đại của thế giới đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải số hóa, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.
Do vậy, nên cân nhắc kết hợp Luật Công nghệ thông tin và Luật Công nghiệp Quốc phòng vào Luật Công nghiệp trọng điểm, qua đó huy động tối đa nguồn lực cho phát triển công nghiệp nói chung.
Đồng quan điểm với TS. Lê Đăng Doanh, PGS.TS. Trần Đình Thiên - Chuyên gia kinh tế, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần có sự đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tiễn trong quá trình xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm để đạt được hiệu quả cao nhất sau khi ban hành.
Ví bộ Luật này như chiếc "phanh" cho ngành công nghiệp, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh chiếc phanh này không phải để "hãm" công nghiệp chạy chậm lại, mà sẽ đảm bảo cho chuyến xe chạy nhanh, an toàn bằng một khung khổ thống nhất, thuận lợi, không "chệch đường" khỏi cấu trúc ngành công nghiệp đã được đề ra trong các quy hoạch, chiến lược.
Mặt khác, PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra, để phát triển "đúng địa chỉ", Luật Công nghiệp trọng điểm cũng cần đưa ra các tiêu chuẩn rõ ràng hơn, lựa chọn các ngành ưu tiên gắn với chính sách ưu đãi cụ thể, khuyến khích mở ra thị trường cạnh tranh.
Để tránh chồng chéo trong công tác xây dựng Luật, TS. Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, Luật Công nghiệp trọng điểm đặt mục tiêu cao hơn là dẫn dắt, lan toả, như vậy có thể trùng về lĩnh vực nhưng có thể không trùng định hướng, tương tự như việc trùng hình thức nhưng không trùng về nội dung.
Đồng thời, quá trình xây dựng Luật cũng cần tính toán đến việc tổ chức thực thi, cân nhắc giao cho một cơ quan đủ thẩm quyền thay vì giao cho các Bộ theo phạm vi chức năng.
Tại tọa đàm, các đại biểu tham dự cũng đưa ra nhiều đóng góp đối với nội hàm của Luật Công nghiệp trọng điểm, nhấn mạnh việc xây dựng và ban hành một đạo luật để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phù hợp với bối cảnh khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hướng đến xây dựng nền công nghiệp độc lập, tự chủ, tự cường, góp phần phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa là hết sức cần thiết.
Nghiêm túc tiếp thu các ý kiến, góp ý tại Tọa đàm với tinh thần cầu thị, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm theo hướng không gây ra mâu thuẫn, chồng chéo với các đạo luật chuyên ngành khác.
"Nội dung và các chính sách tại Luật Công nghiệp trọng điểm sẽ được thiết kế để bảo đảm các chính sách, giải pháp mang tính đặc thù, phù hợp với đặc trưng của các ngành công nghiệp và thực sự cần thiết, đột phá để thúc đẩy phát triển công nghiệp mà các đạo luật chuyên ngành khác chưa giải quyết được", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.