Ngày 5/1, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, tháng 12/2024 Việt Nam xuất khẩu được 15.265 tấn hồ tiêu các loại, tiêu đen đạt 12.771 tấn, tiêu trắng đạt 2.494 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 12 đạt 100,6 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 81,5 triệu USD, tiêu trắng đạt 19,1 triệu USD, so với tháng trước lượng xuất khẩu giảm 4,3%, kim ngạch giảm 5,5%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen trong tháng 12/2024 đạt 6.476 USD/tấn, tiêu trắng đạt 8.198 USD/tấn, giảm 0,6% đối với tiêu đen và 1,1% đối với tiêu trắng so với tháng 11/2024.
Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu Hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 12/2024, chiếm 29,5% đạt 4.509 tấn, giảm 11,4% so với tháng 11/2024. Trong khi đó Olam tiếp tục là doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất đạt 2.551 tấn, chiếm 16,7% và tăng 22,1% so với tháng trước. Tiếp theo là các doanh nghiệp: Nedspice 1.533 tấn, Phúc Sinh 1.006 tấn, Harris Spice: 965 tấn, Trân Châu 954 tấn và DK 813 tấn.
Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu năm 2024 đạt gần 1,4 tỷ USD
Tính chung năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 250.600 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 220.269 tấn, tiêu trắng đạt 30.331 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỷ 318,3 triệu USD, trong đó tiêu đen đạt 1 tỷ 117,7 triệu USD, tiêu trắng đạt 200,6 triệu USD.
So với năm 2023 lượng xuất khẩu giảm 5,1%, tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 45,4%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen năm 2024 đạt 5.154 USD/tấn, tăng 49,7% và tiêu trắng đạt 6.884 USD/tấn, tăng 38,9% so với năm ngoái.
Olam Việt Nam là doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất trong năm 2024 đạt 27.800 tấn, chiếm 11,1% và so với năm 2023 xuất khẩu tăng 36,9%. Tiếp theo là các doanh nghiệp: Phúc Sinh 22.293 tấn, chiếm 8,9% tăng 41,1%; Nedspice Việt Nam 20.420 tấn, chiếm 8,1% tăng 6,4%; Haprosimex JSC 17.899 tấn, chiếm 7,1% tăng 63,8%; Trân Châu 16.210 tấn, chiếm 6,5% giảm 2,0% so với năm 2023.
Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp khác có lượng xuất khẩu tăng đột biến như Simexco Đăk Lăk: 13.352 tấn, tăng 150,3%; Liên Thành 12.224 tấn, tăng 32,4%; Intimex Group 5.171 tấn, tăng 42,8%; Sinh Lộc Phát 4.119 tấn, tăng 50,7%; Hanfimex 3.426 tấn, tăng 68,2%. Các doanh nghiệp xuất khẩu tiêu trắng hàng đầu bao gồm: Nedspice Việt Nam 5.307 tấn, Olam Việt Nam 4.635 tấn, Phúc Sinh 2.400 tấn, Liên Thành 1.827 tấn và Trân Châu 1.266 tấn.
Xuất khẩu hồ tiêu sang Hoa Kỳ lập kỷ lục mới
Về thị trường, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024 với 72.311 tấn, chiếm 28,9% và tăng 33,2% so với năm 2023. Đây cũng là lượng xuất khẩu kỷ lục cao nhất từ trước tới nay, tăng 21,0% so với năm kỷ lục trước đó là 2021 đạt 59.778 tấn.
Tiếp theo là các thị trường: UAE 16.391 tấn, tăng 35,1% chiếm 6,5%; Đức 14.580 tấn, tăng 58,2% chiếm 5,8%, Hà Lan 10.745 tấn, tăng 35,2% chiếm 4,3%; Ấn Độ 10.617 tấn, giảm 17,1%, chiếm 4,2%. Nhập khẩu của Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 6 đạt 10.549 tấn, giảm 82,4% và chiếm 4,2% thị phần.
Riêng các thị trường nhập khẩu tiêu trắng hàng đầu bao gồm: Hoa Kỳ 4.121 tấn, Đức 4.013 tấn, Hà Lan 3.462 tấn, Thái Lan 2.827 tấn và Trung Quốc 1.982 tấn.
Nhập khẩu hồ tiêu từ Indonesia tăng tới 3 con số
Ở chiều ngược lại, cũng theo thống kê sơ bộ của VPSA, trong tháng 12/2024 Việt Nam đã nhập khẩu 3.750 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 2.777 tấn, tiêu trắng đạt 973 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 20,9 triệu USD, so với tháng trước lượng nhập khẩu giảm 14,4%.
Về thị trường, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu hồ tiêu từ Indonesia chiếm 81,9% đạt 3.071 tấn, tiếp theo là Brazil chiếm 9,5% đạt 355 tấn và Campuchia chiếm 5,7% đạt 213 tấn. Các doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu bao gồm: Olam Việt Nam, Phúc Thịnh, Harris Spice, KSS và Haprosimex JSC.
Tính chung cả năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu 36.727 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 31.755 tấn, tiêu trắng đạt 4.972 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 176,2 triệu USD, so với năm 2023 lượng nhập khẩu tăng 38,4%, kim ngạch tăng 99,5%.
Indonesia, Brazil và Campuchia là 3 quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam đạt 17.194 tấn, 9.558 tấn và 6.798 tấn, trong đó nhập khẩu từ Indonesia và Campuchia tăng 431,2% và 80,7% trong khi đó nhập khẩu từ Brazil giảm 42,4%.
Olam Việt Nam là doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất đạt 12.462 tấn, tăng 36,5% và chiếm 33,9% thị phần, tiếp theo là các doanh nghiệp: Trân Châu 4.167 tấn, Harris Spice 2.379 tấn, Phúc Si 1.999 tấn và Phúc Thịnh 1.920 tấn.