Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), Tây Ban Nha đứng thứ 11 về nhập khẩu mực, bạch tuộc trên thế giới, chiếm 2,2% tổng giá trị nhập khẩu mực, bạch tuộc của toàn thế giới. Nhập khẩu mực, bạch tuộc vào Tây Ban Nha ngày càng giảm do nguồn cung mặt hàng này thấp và giá cao.
Theo thống kê của ITC, từ 2014-2016, NK mực, bạch tuộc của Tây Ban Nha dao động từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD. Từ năm 2017 đến nay, giá trị NK mặt hàng này của Tây Ban Nha chỉ đạt trên 50 triệu USD.
Bồ Đào Nha, Peru và Pháp là 3 nguồn cung mực, bạch tuộc lớn nhất cho Tây Ban Nha, lần lượt chiếm 31%, 25% và 14% tổng giá trị NK mực, bạch tuộc vào Tây Ban Nha. Năm 2018, Việt Nam đứng thứ 10 về cung cấp mực, bạch tuộc cho thị trường này, chỉ chiếm 0,8%.
Về giá NK mực, bạch tuộc vào Tây Ban Nha, trong top 4 nguồn cung chính, giá NK mực, bạch tuộc từ Bồ Đào Nha từ tháng 1 đến tháng 5/2019 dao động từ 5,9 – 9,3 USD/kg, Peru từ 2,3-3,9 USD/kg, Pháp từ 6,9-9,1 USD/kg, Italy từ 3,5 – 9 USD/kg. Giá NK từ Việt Nam ở mức trung bình 5,2 USD/kg.
Theo thống kê của ITC, 5 tháng đầu năm 2019, NK mực, bạch tuộc của Tây Ban Nha đạt 3.141 tấn, trị giá 17 triệu USD, giảm 2% về khối lượng và 6,9% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Quý I năm nay, Tây Ban Nha tăng NK mực đông lạnh và bạch tuộc xông khói/đông lạnh/khô/muối trong khi giảm NK bạch tuộc sống/tươi/ướp lạnh và mực nang, mực ống chế biến.
Bạch tuộc sống/tươi/ướp lạnh và mực đông lạnh là 2 sản phẩm NK chính của Tây Ban Nha. Bồ Đào Nha, Pháp. Đức là các nguồn cung lớn nhất bạch tuộc sống/tươi/ướp lạnh cho Tây Ban Nha. Đối với sản phẩm mực nang, mực ống đông lạnh, Tây Ban Nha NK chủ yếu từ các nguồn cung như Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Pháp.
Tây Ban Nha là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn thứ 2 của Việt Nam trong khối EU, chiếm 1,6% tổng giá trị XK mực, bạch tuộc của Việt Nam đi các thị trường. Sáu tháng đầu năm nay, XK mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt 4,5 triệu USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 6/2019, XK mặt hàng này sang Tây Ban Nha đạt 0,9 triệu USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Thẻ vàng của thị trường EU là một trong những nguyên nhân tác động tới XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang Tây Ban Nha.
Trong bối cảnh, Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã được ký kết, XK mực, bạch tuộc Việt Nam sang Tây Ban Nha sẽ được giảm bớt khó khăn do được hưởng những ưu đãi về thuế.
Theo cam kết trong EVFTA, một số sản phẩm mực, bạch tuộc chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao (20%) sẽ được giảm ngay về 0% … Hầu hết các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh đang có mức thuế cơ bản 6-8% sẽ được giảm ngay về 0%. Tuy nhiên, DN phải đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ để có thể được hưởng những ưu đãi thuế quan này.
Theo VASEP, 6 tháng đầu năm nay, XK mực, bạch tuộc Việt Nam chỉ tăng trong hai tháng 1 và 3/2019, các tháng còn lại đều giảm.
Trong tổng cơ cấu mực, bạch tuộc XK của Việt Nam, bạch tuộc chiếm tỷ trọng cao hơn với 52,3%, còn lại mực chiếm 47,7%. Việt Nam vẫn chủ yếu XK các sản phẩm mực, bạch tuộc sống/tươi/đông lạnh (chiếm tỷ trọng 72%), các sản phẩm chế biến vẫn chưa nhiều (chiếm 28%).
Trong tổng cơ cấu các sản phẩm mực, bạch tuộc XK, bạch tuộc khô/muối/ sống/tươi/đông lạnh (HS 03) tăng trưởng mạnh nhất 17%; mực khô/nướng (HS 03) giảm mạnh nhất 29% so với cùng kỳ năm 2018.