Xuất khẩu nông sản ở khu vực miền núi theo chuỗi giá trị: Trường hợp nghiên cứu tỉnh Thanh Hóa

NGÔ CHÍ THÀNH (Trường Đại học Hồng Đức)

TÓM TẮT

Trong những năm gần đây, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Thanh Hóa ngày càng được tăng lên, cùng với đó, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Mặc dù vậy, trước những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid 19 tới hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản của Thanh Hóa cần có những đổi mới trong chiến lược tiếp cận thị trường. Trong đó, phát triển các chuỗi giá trị là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy xuất khẩu nông sản của tỉnh. Bài báo phân tích thực trạng tình hình xuất khẩu nông sản trong những năm gần đây, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Thanh Hóa.

Từ khóa: xuất khẩu, nông sản, chuỗi giá trị, Covid-19, tỉnh Thanh Hóa.

1. Đặt vấn đề

Hoạt động xuất khẩu nông sản đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, xuất khẩu nông sản góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm, nâng cao thu nhập người sản xuất nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, xuất khẩu là con đường quan trọng phát huy được lợi thế so sánh trong sản xuất nông nghiệp của Việt Nam khi tham gia thị trường tiêu thụ nông sản thế giới.

Địa bàn miền núi chiếm ¾ diện tích tự nhiên của Việt Nam, có tiềm lực kinh tế lớn, có vai trò quan trọng đối với môi trường sinh thái của cả nước, đồng thời có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng,  an ninh. Nhận thức được tầm quan trọng trong việc ổn định và nâng cao đời sống của đồng bào khu vực miền núi, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương chính sách nhằm phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của đồng bào các dân tộc. Khu vực miền núi cũng là khu vực có nhiều tiềm năng và lợi thế trong sản xuất các loại sản vật nông nghiệp địa phương chất lượng cao, độc đáo được sự chú ý của các thị trường thế giới, xuất khẩu các sản phẩm này mang lại nguồn lợi rất lớn cho cho nền kinh tế địa phương. Tuy nhiên trên thực tế, việc sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản còn gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ yêu cầu chất lượng, năng lực cạnh tranh, hạ tầng thương mại, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của sản phẩm, cũng như các rào cản gia nhập thị trường thế giới . Chính vì vậy, tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản đang là vấn đề đặt ra đối với các nhà quản lý và các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Thanh Hóa là tỉnh lớn trong cả nước, năm 2020, giá trị xuất khẩu nông sản Thanh Hóa đạt trên 112 triệu USD (Võ Văn Dũng, 2021). Nghị Quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh, đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 5.200 USD trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD; đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 8.990 USD trở lên; kim ngạch xuất khẩu đạt 15 tỷ USD. 

Như vậy, trong những năm tới, hoạt động xuất khẩu của Tỉnh cần được đẩy mạnh và có những bước đột phá. Đối với khu vực 11 huyện miền núi với các điều kiện, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại rau quả nhiệt đới, á nhiệt đới và cả một số loại rau quả ôn đới. Cộng với thế mạnh là nguồn lao động dồi dào, có kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp, những năm qua, nông sản khu vực này là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đáng kể đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh.

Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên trước đòi hỏi nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng tiếp cận thị trường quốc tế cũng như phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng, hoạt động xuất khẩu nông sản đang đặt ra những vấn đề quan trọng cần giải quyết. Trên cơ sở đó, bài báo phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp phát triển xuất khẩu nông sản các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa theo chuỗi giá trị.

2. Kết quả xuất khẩu

2.1. Kết quả xuất khẩu một số mặt hàng nông sản

Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 137 doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có 36 doanh nghiệp FDI, chiếm 80,3% xuất khẩu toàn tỉnh. Xu hướng kim ngạch các thị trường Việt Nam tham gia FTA tiếp tục tăng; một số thị trường chính như: Mỹ đạt 505 triệu USD, Nhật Bản 225,6 triệu USD, Hồng Kong 148,5 triệu USD, Trung Quốc 112,9 triệu USD; Hàn Quốc 102,6 triệu USD… Đối với mặt hàng nông sản, hiện nay tỉnh đang xuất khẩu các sản phẩm chủ yếu, như: Dưa chuột đóng hộp, tinh bột sắn, thịt súc sản, hải sản khác, chả cá Surimi, bột cá. (Bảng 1)

Bảng 1. Kết quả xuất khẩu một số mặt hàng nông sản

 

Chỉ tiêu

Năm 2019

Năm 2020

So sánh (%)

Cộng dồn 9 tháng

Chính thức năm 2019

Cộng dồn 9 tháng

Ước thực hiện năm 2020

9 tháng so sánh với cùng kỳ

Ước năm so với cùng kỳ

- Dưa chuột đóng hộp (tấn)

299

360

465

590

155,5

163,9

-       Tinh bột sắn (tấn)

41.675

57.183

47.432

67.800

113,8

118,6

-       Thịt súc sản (tấn)

914

1.793

549

810

60,1

45,2

-       Hải sản khác (Tấn)

9.217

12.937

8.948

12.900

97,1

99,7

-       Chả cá Surimi (Tấn)

810

1.459

1.391

1.980

171,7

135,7

-       Bột cá (Tấn)

19.582

22.082

25.852

36.500

132,0

165,3

Nguồn: Số liệu của Sở Công Thương Thanh Hóa và tính toán của tác giả

Xuất khẩu nông sản ở khu vực miền núi Thanh Hóa phụ thuộc nhiều vào vai trò của các doanh nghiệp xuất khẩu. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có số lượng lớn các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nông sản (trong đó có cả doanh nghiệp ngoài tỉnh tham gia liên kết, xuất khẩu nông sản). Danh mục các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thể hiện như sau:

Một số các doanh nghiệp địa phương tham gia xuất khẩu các mặt hàng nông sản gồm: Công ty CP XNK Nông sản Đồng Xanh, Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Thanh Hóa, Công ty CP  Xuất nhập khẩu rau quả, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa, Công ty CP Sản xuất chế biến Nông, lâm sản - Vật tư nông nghiệp  Phúc Thịnh, Công ty TNHH Tư Thành. (Bảng 2)

Bảng 2. Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu rau quả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

STT

Tên doanh nghiệp

Thị trường xuất khẩu

1

Công ty CP XNK Nông sản Đồng Xanh

Trung Quốc, Anh, Nga, UAE, Kazakhstan, Uzbekistan

2

Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Thanh Hóa

Trung Quốc, Lào

3

Công ty CP Xuất nhập khẩu K rau quả

Trung Quốc

4

Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa

Trung Quốc

5

Công ty CP Sản xuất chế biến Nông, lâm sản - Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh

LB Nga, Đông Âu, Trung Quốc

6

Công ty TNHH Tư Thành

Châu Âu, Ả rập

8

Công ty TNHH Đình Thế

Trung Quốc

Nguồn: Khảo sát của tác giả

Qua nghiên cứu cho thấy, xuất khẩu rau quả của các huyện miền núi Thanh Hóa đã đạt được những kết quả đáng kể trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu nông sản. Kim ngạch xuất khẩu tăng lên qua các năm, giá trị xuất khẩu nông sản năm 2020 của tỉnh ước đạt 112,482 triệu USD; Trong đó, hàng nông, lâm sản đạt gần 17 triệu USD; thủy sản trên 95,5 triệu USD. Đạt được kết quả trên về kim ngạch xuất khẩu, sản xuất rau quả đã phát triển cả về diện tích và năng suất. Nhiều giống cây trồng có năng suất chất lượng cao đã được trồng đại trà. Công nghệ chế biến đã có bước toàn diện cả về thiết bị quy trình công nghệ, quản lý kỹ thuật, vệ sinh công nghiệp đáp ứng nhu cầu thị hiếu khách hàng trong nước và quốc tế; Thị trường xuất khẩu không ngừng được mở rộng.

Cho đến nay, thị trường xuất khẩu nông sản Thanh Hóa đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới; Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia xuất khẩu rau quả tươi chưa nhiều nhưng hoạt động hiệu quả, tích cực; Về nguồn hàng cho xuất khẩu và mặt hàng xuất khẩu: Một số sản phẩm rau quả đã nâng cao được giá trị và sản lượng trên thị trường xuất khẩu như dứa, dưa chuột, ớt,… Người sản xuất ở khu vực miền núi đã quan tâm đến nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm hướng tới xuất khẩu rau quả.

3. Một số giải pháp phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản

3.1. Tăng cường liên kết trong sản xuất và xuất khẩu nông sản theo chuỗi giá trị

Thúc đẩy liên kết giữa hộ sản xuất và doanh nghiệp theo hướng hình thành chuỗi giá trị là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Trên cơ sở liên kết sẽ vừa đảm bảo được nguồn nguyên liệu cung cấp ổn định về giá cả và số lượng, vừa đảm bảo cho người sản xuất có thị trường tiêu thụ ổn định. Để thực hiện được liên kết này, các doanh nghiệp chế biến căn cứ vào thông tin về thị trường và khả năng sản xuất của mình, với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng tỉnh, huyện trực tiếp ký kết hợp đồng với các nông hộ. Hợp đồng sản xuất và cung cấp sản phẩm này sẽ duy trì mối quan hệ kinh tế này chặt chẽ và thường xuyên đảm bảo lợi ích kinh tế cho đôi bên. Bên cạnh đó, phát triển liên kết còn khắc phục được thực trạng sản xuất nông sản quy mô nhỏ; Thông qua liên kết có thể hỗ trợ nâng cao giá trị gia tăng thông qua hình thành vùng nguyên liệu, phát triển các cơ sở chế biến, giảm chi phí vận chuyển và nâng cao chất lượng, hình thức nông sản.

Chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền địa phương các huyện miền núi cần có các chính sách khuyến khích liên kết giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp; khuyến khích các hộ sản xuất và doanh nghiệp liên kết theo các mô hình liên kết phù hợp với từng loại nông sản, từng địa bàn cụ thể; Lựa chọn các doanh nghiệp xuất khẩu có đủ điều kiện về tiềm lực để tham gia. Từ đó, nâng cao hiệu quả lâu dài trong liên kết xuất khẩu nông sản miền núi.

3.2. Giải pháp đối với các doanh nghiệp xuất khẩu

Trong thời gian tới các doanh nghiệp chế biến cần tiếp tục hoàn thiện khâu thu gom hàng theo hướng giảm thiểu các chi phí không cần thiết. Các doanh nghiệp chế biến cần có các đơn vị tiến hành thu mua trực tiếp tại các đơn vị sản xuất, tránh thông qua trung gian để giảm chi phí. Với các đơn vị có truyền thống có khả năng cung ứng một lượng nguyên liệu lớn và thường xuyên cho các doanh nghiệp chế biến có thể đặt bộ phận chuyên trách như thiết lập đại lý, văn phòng đại diện để đảm bảo công tác thu gom diễn ra thuận lợi.

Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến cần hình thành một bộ phận với chức năng di động để tìm nguồn hàng trong dân khi có nhu cầu đột xuất. Trong trường hợp nguồn hàng ở xa, nên có các biện pháp thu gom, bảo quản, chế biến và nghiệm thu chất lượng để xuất thẳng sang thị trường có hợp đồng đã được ký kết, tránh vận chuyển vòng vèo, vừa phát sinh chi phí, vừa là giảm chất lượng hàng hóa. Như vậy, hoàn thiện khâu thu gom hàng sẽ giúp các doanh nghiệp chế biến tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành sản phẩm và giúp có nguồn hàng ổn định, cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất chế biến hoạt động

3.3. Mở rộng thị trường xuất khẩu

Trong hoạt động xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cần đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu thị trường như thu thập thông tin thị trường thông qua báo chí trong nước và nước ngoài, tài liệu, tạp chí thương mại quốc tế, internet; thường xuyên tổ chức các đoàn đi công tác, tham quan, khảo sát, tham gia hội thảo, hội chợ để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, đồng thời học tập kinh nghiệm của nước ngoài và khảo sát thị trường nước ngoài có nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, cần củng cố mạng thông tin, tăng cường đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ làm công tác thị trường, khai thác thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh của từng đơn vị.

Các doanh nghiệp chế biến cần tiếp tục đa dạng hoá sản phẩm về chủng loại, kích cỡ bao bì cho phù hợp với từng thị trường nước ngoài. Cụ thể là cần đa dạng hóa các sản phẩm rau quả chế biến (bảo quản lạnh và đông lạnh, đóng hộp, sấy khô, muối chua, muối mặn, dầm dấm, cô đặc, nghiền ép...). Đồng thời bổ sung vào danh mục rau quả tươi xuất khẩu các mặt hàng mới, như: bí đỏ vỏ xanh, khoai mỡ trắng, dưa bao tử,..

3.4. Nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu

Để các mặt hàng nông sản có chất lượng tốt, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu, trong quá trình thực hiện liên kết, các doanh nghiệp cần nhập khẩu đầu tư giống tốt để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cấp, mở rộng các nhà máy, hiện đại hóa các dây chuyền công nghệ sản xuất các mặt hàng rau quả chế biến xuất khẩu. Thực hiện liên doanh, liên kết với các công ty có uy tín của nước ngoài để tổ chức sản xuất, chế biến các loại nông sản có giá trị xuất khẩu cao; Chú trọng công tác bảo quản sau thu hoạch; Cải tiến bao bì của sản phẩm; Đa dạng hóa bao bì đóng gói: hộp sắt, lọ thuỷ tinh, hộp nhựa, các tông,... Tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

3.5. Đổi mới và đầu tư công nghệ mới cho sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản

Hiện nay, nhiều hàng nông sản khi đưa ra thị trường đang còn ở dạng thô, mới chỉ qua sơ chế, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sản phẩm. Để cho các sản phẩm của các doanh nghiệp chế biến có chất lượng tốt và đồng bộ cần phải đầu tư hơn nữa khoa học công nghệ cho sản xuất chế biến và bảo quản rau quả. Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ vào khâu bảo quản sau thu hoạch. Đây là khâu có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giảm tổn thất, nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu của người tiêu dùng. Đầu tư vào công nghệ chế biến, bảo quản cho phép tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có khả năng vận chuyển đi xa. Như vậy, các doanh nghiệp chế biến có thể tăng được khối lượng sản phẩm tiêu thụ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới công nghệ, lắp đặt thêm các thiết bị sản xuất chế biến, cải tiến quy trình sản xuất. Tuy nhiên, để công tác chế biến, bảo quản phát huy hết tác dụng trong việc giảm hư hao nguyên liệu, nâng cao năng suất, các doanh nghiệp chế biến cần quan tâm đến kế hoạch đầu tư thông qua các biện pháp như thiết lập và củng cố mối quan hệ giữa các chủ thể sản xuất nguyên liệu và chủ thể chế biến nguyên liệu rau quả; Hiện đại hóa hệ thống vận chuyển, hệ thống bảo quản sau thu hoạch; Đặc biệt cần chú ý đầu tư về bao bì sản phẩm, bảo đảm mẫu mã đẹp, bảo quản hàng hóa lâu và phù hợp với yêu cầu của từng loại sản phẩm.

3.6. Phát triển Hợp tác xã (HTX) tham gia xuất khẩu nông sản miền núi

Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới (các nước EU, Nhật Bản) cho thấy, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia tìm kiếm thị trường, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, ký kết hợp đồng, thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Phát triển HTX về số lượng, chất lượng và năng lực của đội ngũ quản trị là giải pháp quan trọng thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản. HTX sẽ là khâu trung gian trong việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thông qua chế biến, đóng gói, bảo quản nông sản sau thu hoạch. Bênh cạnh đó, HTX trực tiếp tham gia tìm kiếm thị trường, đối tác và ký kết hợp đồng xuất khẩu nông sản.

4. Kết luận và khuyến nghị

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong những năm gần đây, giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh Thanh Hóa ngày càng được tăng lên, cùng với đó, thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng. Mặc dù vậy, trước những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 tới hoạt động xuất khẩu nói chung, xuất khẩu nông sản của tỉnh Thanh Hóa nói riêng phải có những đổi mới trong chiến lược tiếp cận thị trường. Trong đó, phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản là một trong những con đường quan trọng nâng cao khả năng tiếp cận, cạnh tranh thị trường của nông sản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khi tham gia thị trường xuất khẩu.

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản theo chuỗi giá trị và hướng đến giá trị cao hơn khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, các giải pháp cần tập trung vào: Tăng cường liên kết trong sản xuất và xuất khẩu nông sản theo chuỗi giá trị; Mở rộng thị trường xuất khẩu; Nâng cao chất lượng các mặt hàng nông sản xuất khẩu; Đổi mới và đầu tư công nghệ cho sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản; Phát triển HTX tham gia xuất khẩu nông sản.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2020), Nghị quyết số 58 NQ/TW ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
  2. Cục Thống kê tỉnh Thanh Hóa, (2019), Niên giám thống kê tỉnh Thanh Hóa 2019, NXB Cục Thống kê.
  3. Thanh Hóa, (2019), Xuất khẩu Thanh Hóa năm 2019 nối dài mạch tăng trưởng, Báo Thanh Hóa, http://baothanhhoa.vn/doanh-nghiep/xuat-khau-thanh-hoa-nam-2019-noi-dai-mach-tang-truong/112444.htm
  4. Võ Văn Dũng, (2021), Thanh Hóa xuất khẩu nông sản đạt trên 112 triệu USD, https://nongnghiep.vn/thanh-hoa-xuat-khau-nong-san-dat-tren-112-trieu-usd-d281738.html.
  5. Ngo Chi, T., Le Hoang Ba, H., Hoang Thanh, H., Le Quang, H., & Le Van, C. (2019). Linkages in modern distribution channels formation: the study of factors affecting mountainous agricultural products consumption in Vietnam. Economic Annals-XXI, 178(7-8), 134-147.
  6. Ngô Chí Thành, (2020), Sản xuất và tiêu thụ nông sản đặc trưng, đặc sản miền núi tỉnh Thanh Hóa trong điều kiện hệ thống phân phối chuyển đổi theo hướng hiện đại, NXB Đại học KTQD, 2020.

Value chains for agricultural exports in mountainous areas: A case study of Thanh Hoa Province

Ph.D  Ngo Chi Thanh

Hong Duc University

ABSTRACT:

In recent years, Thanh Hoa Province’s export turnover of agricultural products has increased and the province’s export markets have been increasingly expanded. However, the on-going Covid-19 pandemic have significantly affected Thanh Hoa Province’s exports in general and exports of agricultural products in particular. Hence, it is necessary for Thanh Hoa Province to innovate its export and market access strategies. In which, the value chain development is considered an important solution to help Thanh Hoa Province promote its exports of agricultural products. This paper analyzes the situation of Thanh Hoa Province’s agricultural exports in recent years. Based on the paper’s findings, the paper proposes some solutions to help Thanh Hoa Province develop value chains for agricultural exports.

Keywords: export, agricultural products, value chain, Covid-19, Thanh Hoa Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2021]