Hà Lan là cửa ngõ đối với nhiều loại hàng hóa nhập khẩu vào EU vì tập trung nhiều cảng biển lớn. Do các nhà nhập khẩu thủy sản của EU nhập khẩu về Hà Lan và xuất khẩu trở lại các nước trong EU, nên xu hướng tiêu dùng thủy sản của Hà Lan không phản ánh xu hướng nhập khẩu thủy sản của thị trường này.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, trong nhiều năm qua, Hà Lan là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU. Hiệp định EVFTA có hiệu lực được kỳ vọng tác động mạnh tới kết quả xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Hà Lan với những ưu đãi về thuế đối với các nhóm hàng thủy sản.
Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Hà Lan tăng nhẹ, mặc dù dịch Covid-19 tác động xấu tới nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Hà Lan. Nguyên nhân chính là do xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Hà Lan giai đoạn cuối năm 2020 đã bứt phá khi EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Hà Lan tăng 7,4% về lượng và tăng 4,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 19,9 nghìn tấn với trị giá 99,2 triệu USD, chiếm 19,09% về lượng và chiếm 20,45% về trị giá xuất khẩu thủy sản tới EU, là thị trường có tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam tại EU.
Trong đó, xuất khẩu tôm chiếm 40% về lượng và 65,2% về trị giá; xuất khẩu cá tra chiếm 35,9% về lượng và 19,6% về trị giá; xuất khẩu cá ngừ chiếm 5,3% về lượng và 6,5% về trị giá... Trong ba nhóm hàng xuất khẩu chính chỉ có nhóm hàng tôm có lượng và trị giá xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2020. Ngoài ra xuất khẩu nhóm hàng nghêu và mực đang có lượng xuất khẩu tới Hà Lan tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021. Riêng trong quý II/2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Hà Lan đạt 12,2 nghìn tấn với trị giá 58,7 triệu USD, tăng 60,8% về lượng và tăng 45,3% về trị giá so với quý I/2021; tăng 21,1% về lượng và tăng 9,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam tới Hà Lan đang được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo EVFTA. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tôm tới Hà Lan 6 tháng đầu năm 2021 chiếm 26,85% về lượng và chiếm 25,29% về trị giá trong tổng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Hà Lan, đạt 7,9 nghìn tấn với trị giá 64,67 triệu USD, tăng 15,4% về lượng và tăng 15,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, thời điểm EVFTA chưa có hiệu lực. Hà Lan là thị trường tiêu thụ tôm lớn nhất của Việt Nam trong khối EU.
Đáng chú ý là xuất khẩu tôm của Việt Nam tới Hà Lan trong quý II/2021 tăng 71,5% về lượng và tăng 55,3% về trị giá so với quý I/2021 và tăng 24,8% về lượng và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2020. Giá xuất khẩu tôm của Việt Nam tới Hà Lan nửa đầu năm 2021 đạt bình quân 8,13 USD/kg, tương đương mức giá cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu thống kê từ Eurostat, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ hai cho Hà Lan tính theo trị giá, xếp sau Ma-rốc, nhưng xét theo lượng, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn thứ 3 sau Marốc và Ấn Độ. Hiện mức giá nhập khẩu tôm của Hà Lan từ Việt Nam vẫn cao hơn so với giá nhập khẩu từ Ấn Độ. Cụ thể giá tôm nhập khẩu từ Việt Nam đạt bình quân 7,53 EUR/kg, trong khi giá nhập khẩu tôm từ Ấn Độ là khoảng 5,9 EUR/kg. Việc mức giá tôm của Việt Nam vẫn cao hơn mức giá tôm của Ấn Độ và Ecuador tại Hà Lan cho thấy, sản phẩm tôm của Việt Nam có trị giá cao hơn. Tuy nhiên nếu xu hướng tiêu dùng tôm giá rẻ ở Hà Lan tiếp diễn sẽ khiến lợi thế từ EVFTA với các sản phẩm tôm của Việt Nam tại Hà Lan giảm.
Dự báo, nhu cầu nhập khẩu thủy sản của Hà Lan sẽ tăng trong thời gian tới, do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu của EU tăng. Hà Lan là cửa ngõ của EU do có nhiều cảng biển lớn nên nhập khẩu thủy sản vào Hà Lan để xuất khẩu tới những thị trường khác cũng tăng.
Để thúc đẩy xuất khẩu thủy sản tới Hà Lan trong giai đoạn cuối năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh xuất khẩu những sản phẩm thủy sản thế mạnh tới Hà Lan như tôm, cá ngừ, cá tra.
Đặc biệt, trong những tháng cuối năm 2021, nhu cầu tiêu thụ tại EU đang có xu hướng hồi phục trở lại cộng với những ưu đãi đặc biệt về thuế quan từ EVFTA sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho các sản phẩm thủy sản của Việt Nam tăng thêm tính cạnh tranh tại thị trường EU. Tuy nhiên, diễn biến của dịch Covid-19 tại thị trường trong và ngoài nước cùng với những ảnh hưởng của thẻ vàng IUU sẽ tiếp tục là những yếu tố tác động lớn nhất đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này. Hiện hoạt động sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản đang gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh đang lây lan mạnh tại hàng loạt địa phương trên cả nước. Do vậy, cần triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho việc phục hồi và duy trì ổn định sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tận dụng tốt cơ hội thị trường trong thời gian tới.
Xuất khẩu cá ngừ tới Hà Lan: Theo số liệu thống kê của Eurostat, Hà Lan là thị trường có nhu cầu nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 2 của EU. Nhập khẩu cá ngừ của Hà Lan từ thị trường ngoài EU trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng 19,7% về lượng và tăng 11,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 32,78 nghìn tấn với trị giá 120,03 triệu EUR (tương đương 141,7 triệu USD). Trong đó Việt Nam là thị trường ngoại khối cung cấp cá ngừ lớn thứ 8 cho Hà Lan, chiếm 2,1% về lượng và 3,1% về trị giá.
Xuất khẩu cá tra tới Hà Lan: Việt Nam là thị trường cung cấp cá da trơn lớn nhất cho EU nói chung và cho Hà Lan nói riêng với thị phần gần như tuyệt đối khi chiếm tới hơn 97% tổng lượng cá da trơn nhập khẩu của thị trường này. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra tới Hà Lan nửa đầu năm 2021 đạt 7,1 nghìn tấn với trị giá 19,4 triệu USD, giảm 10,8% về lượng và giảm 13,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 28,1% về lượng và 33,8% về trị giá xuất khẩu cá tra tới EU, là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất ở EU.