“Nhìn chung, các nhà máy ở Sóc Trăng cũng như ĐBSCL hiện vẫn đang hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu bình thường”, ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Sóc Trăng, nhận định.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, những tháng đầu năm nay, thị trường tôm thế giới liên tục biến động nhưng giá tôm trong nước vẫn giữ vững và tăng trở lại, một phần nhờ sự đa dạng sản phẩm chế biến sâu đã chiếm lĩnh phân khúc thị trường cao cấp. Trình độ chế biến của các doanh nghiệp ngành tôm Việt Nam hiện thuộc hàng “chiếu trên” so với nhiều nước sản xuất tôm lớn trên thế giới.
Tại Sóc Trăng (địa phương có diện tích nuôi tôm thâm canh lớn nhất nước với gần 25.000ha), hầu hết doanh nghiệp chế biến tôm lớn đều đã đầu tư máy móc, công nghệ chế biến hiện đại để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng phục vụ các thị trường cao cấp trên thế giới. Tuy nhiên, lợi thế về các sản phẩm chế biến sâu của Việt Nam sẽ không thể kéo dài mãi khi một số nước cũng đã đầu tư máy móc, công nghệ chế biến, ông Lực nói.
Giá tôm ở Cà Mau hiện giảm mạnh so với các tỉnh khác, một phần là do thị trường tiêu thụ tôm, đặc biệt tôm sú của hầu hết doanh nghiệp ở đây là Trung Quốc. Tuy nhiên, do hai nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc là Ấn Độ và Ecuador cũng đang gặp khó khăn về thời tiết và dịch bệnh, nên nhiều khả năng con tôm Việt Nam sẽ rộng cửa hơn khi vào thị trường này thời gian tới.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, xuất khẩu tôm cả nước quý I đạt 628,6 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 115,5 triệu USD, tăng 18,2%; sang Nhật Bản đạt gần 132 triệu USD, tăng 8,4%...