Mở rộng thị trường
Theo ước tính của Bộ Công Thương, tháng 2/2020, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc giảm 15% về lượng và 18% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Riêng với xuất khẩu tôm, một số doanh nghiệp dù đã có đơn hàng xuất đi Trung Quốc, nhưng tạm thời chưa thể thực hiện, do nhà nhập khẩu lùi thời gian giao hàng, khiến doanh nghiệp gặp khó bởi chi phí lưu kho tăng lên.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, Trung Quốc nằm trong top 6 thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp kinh doanh và sản xuất tôm cũng đã có những phương án tìm kiếm, mở rộng thị trường.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong tháng đầu tiên của năm 2020, Mỹ đứng đầu danh sách các thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam với kim ngạch 37,9 triệu USD.
Trước đó, vào cuối năm 2019, Bộ Thương mại Mỹ công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 về thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam vào Mỹ với 31 doanh nghiệp được hưởng mức thuế 0%. Đây là lợi thế đáng kể cho các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh xuất khẩu tôm vào thị trường lớn này trong năm nay.
Còn với thị trường EU, trong tháng 1/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này đạt 36,4 triệu USD, giảm 26,6% so với tháng cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, theo VASEP, Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7/2020 được kỳ vọng sẽ mở rộng cánh cửa hơn cho tôm Việt Nam tới thị trường này.
Nắm bắt và đáp ứng nhu cầu thị trường
Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại một số quốc gia châu Âu, nhưng theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, nếu dịch bệnh chỉ kéo dài vài tháng, thì ngành tôm không quá lo ngại, vì chưa vào chính vụ.
Ông Lực phân tích, do dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng tại một số nước châu Âu sẽ có thay đổi. Cụ thể, nhu cầu nhập khẩu thủy sản đông lạnh, đóng hộp tiện dụng, dễ chế biến tại nhà sẽ cao hơn thủy sản tươi sống. Về dài hạn, xuất khẩu sang thị trường EU sẽ có lợi thế khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Trong tháng 2 vừa qua, Công ty Sao Ta đã tiêu thụ 937 tấn tôm thành phẩm, doanh thu 10,7 triệu USD. Các trại tôm của Công ty đang thả giống để chuẩn bị cho vụ mùa sắp tới.
Là đơn vị sản xuất tôm giống lớn nhất Việt Nam, Tập đoàn Việt - Úc đang có chính sách hỗ trợ tôm giống nhằm chung tay hỗ trợ người nuôi tôm. Theo ông Bùi Bá Sự, Phó tổng giám đốc kinh doanh Tập đoàn Việt - Úc, người nuôi nên cân nhắc thả tôm ở thời điểm hiện tại để đón đầu xu thế giá tôm sẽ tăng do thiếu hụt thực phẩm sau dịch bệnh, đồng thời, tập trung nuôi tôm sạch, truy xuất nguồn gốc để tăng xuất khẩu sang châu Âu và hưởng ưu đãi thuế quan từ EVFTA.
Tương tự Tập đoàn Việt - Úc, Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn cũng đang hướng đến thị trường EU. Tuy nhiên, ông Mai Ngọc Sơn, Giám đốc Công ty cổ phần Đông lạnh Quy Nhơn cũng lưu ý, muốn hưởng lợi từ EVFTA, doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Ưu đãi thuế quan từ EVFTA sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hướng vào thị trường EU nhiều hơn. Ông Trần Đình Tài, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Hoài Nhơn chia sẻ: “Trước đây, xuất khẩu vào thị trường EU gặp nhiều khó khăn do “thẻ vàng” và hàng rào kỹ thuật. Tuy nhiên trước cơ hội lớn mà EVFTA mang lại, Công ty sẽ nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường”.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP, các doanh nghiệp Việt cần nắm bắt và áp dụng linh hoạt quy tắc tại “sân chơi” EVFTA, minh bạch nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, nỗ lực tìm kiếm và phát triển nguồn nguyên liệu trong nước và tại các đối tác có ký kết hiệp định thương mại tự do, tận dụng tối đa ưu đãi về thuế quan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm, tham gia chuỗi cung ứng khu vực… để tận dụng cơ hội từ EVFTA.