1: Một năm 2018 đã trôi qua với nhiều kỷ lục về xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong 365 ngày qua, Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước lập kỷ lục, đạt 480,17 tỷ USD, tăng hơn 52 tỷ USD về mặt số tuyệt đối so với kết quả thực hiện của một năm trước đó. Kết quả này vẫn còn thấp hơn mức tăng tuyệt đối 76,75 tỷ USD của năm 2017 so với năm 2016. Như vậy, chỉ số độ mở của nền kinh tế Việt Nam (xuất nhập khẩu hàng hóa/GDP) trong năm 2018 ước tính là 196%.
Với kết quả ấn tượng của xuất nhập khẩu trong năm 2018 thì thứ hạng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018 có thể được cải thiện khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố báo cáo tổng quan về xuất nhập khẩu toàn cầu dự kiến vào tháng 4/2019. Theo WTO, trong năm 2017, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có vị trí thứ 27 trên thế giới và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có thứ hạng 25 trên phạm vi toàn cầu.
2: Cả xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng hóa tăng với tốc độ 2 con số so với năm 2017, cụ thể xuất khẩu tăng 13,2% và nhập khẩu tăng 11,1%. Như vậy, cả hai tốc độ tăng này đều thấp hơn nhiều so tốc độ tăng ấn tượng đạt được trong năm 2017 (xuất khẩu tăng 21,8% và nhập khẩu tăng 21,9% so với năm 2016).
3: Năm 2018 là năm thứ 3 liên tiếp, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam có thặng dư (xuất siêu). Cụ thể, theo thống kê sơ bộ phổ biến ngày 10/01/2019 của Tổng cục Hải quan thì trong năm 2018, Việt Nam mức thặng dư kỷ lục lên gần 6,8 tỷ USD, con số tương tự của năm 2017 là 2,11 tỷ USD và năm 2016 là 1,78 tỷ USD. Có thể thấy, trong 5 năm gần nhất thì cán cân thương mại của Việt Nam có 4 năm có thặng dư thương mại và chỉ duy nhất năm 2015 có thâm hụt cán cân thương mại. Trong năm 2018, Việt Nam có thặng dư cán cân thương mại với 150 nước, vùng lãnh thổ đối tác và có thâm hụt với 85 nước, vùng lãnh thổ.
5: Hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt ở 5 châu lục và ở chiều ngược lại doanh nghiệp Việt Nam cũng nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ tất cả 5 châu lục. Trong năm 2018 vừa qua, châu Á vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam (xuất khẩu chiếm 54% và nhập khẩu chiếm 80,3%); tiếp theo là châu Mỹ (xuất khẩu chiếm 23,8% và nhập khẩu chiếm 8,6%); châu Âu (xuất khẩu chiếm 19%, trong đó EU28 chiếm 17,2% và nhập khẩu chiếm 7,5%, trong đó EU28 chiếm 5,9%); châu Đại Dương (xuất khẩu chiếm 2% và nhập khẩu chiếm 1,9%); và châu Phi (xuất khẩu chiếm 1,2% và nhập khẩu chiếm 1,7%).
6: Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy thứ 6 là ngày có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa sôi động nhất năm.
10: Nhóm 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam chiếm hơn 72% tổng trị giá xuất nhập khẩu trong năm 2018.
Trong đó, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc là lớn nhất, đạt 106,7 tỷ USD và chiếm 22,2% tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước; tiếp theo với Hàn Quốc đạt 65,7 tỷ USD (chiếm 13,7%), với Hoa Kỳ 60,3 tỷ USD (chiếm 12,6%), với Nhật Bản đạt hơn 37,8 tỷ USD (chiếm 7,9%, với Thái Lan đạt 17,3 tỷ USD (chiếm 3,6%), với Malaysia đạt 11,5 tỷ USD (chiếm 2,4%), với Đức đạt 10,7 tỷ USD (chiếm 2,2%), với Ấn Độ đạt 10,7 tỷ USD (chiếm 2,2%) và với Hồng Kông đạt gần 9,5 tỷ USD (chiếm 2%). Trong đó, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với tất cả 9 thành viên ASEAN đạt 56,3 tỷ USD, chiếm 11,7% và xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU28) đạt 55,8 tỷ USD, chiếm 11,6%.
20: Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy 20 nước, vùng lãnh thổ đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam đã chiếm hơn 85% tổng trị giá xuất nhập khẩu với tất cả 230 đối tác thương mại trong năm 2018.
20/80: Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá của 20 mặt hàng, nhóm mặt hàng xuất nhập khẩu lớn nhất về mặt giá trị chiếm đã hơn 80% tổng trị giá xuất nhập khẩu của tất cả các mặt hàng của Việt Nam trong năm 2018. Nhóm mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước ta trong năm 218 là điện thoại và linh kiện các loại với trị giá ghi nhận được lên đến 49,1 tỷ USD, chiếm 1/5 tổng trị giá xuất khẩu. Mặt hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là máy tính, sản phẩm điện tử và link kiện, trị giá 42,2 tỷ USD, chiếm 17,8% tổng trị giá nhập khẩu.
65,2% là tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng hóa của hơn 10 nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018, trong đó tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI là 70,5% và nhập khẩu của khu vực FDI gần 60%. Đây cũng là các chỉ số phản ánh độ mở của nền kinh tế Việt Nam.
5072 USD/người: ước tính trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa tính theo đầu người của Việt Nam trong năm 2018, cao hơn 2,5 lần mức xuất nhập khẩu bình quân/người trong giai đoạn 2015-2017 theo tính toán của WTO. Con số tương tự của năm 2017 là 4569 USD/người.
48 nghìn: số lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ có xuất xứ ASEAN (Thái Lan và Indonesia) nhập khẩu trong năm 2018 được hưởng mức thuế suất thuế nhập khẩu 0% theo Hiệp định ATIGA có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Số lượng ô tô nguyên chiếc này chiếm gần 89% tổng số ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2018.
85,6 nghìn doanh nghiệp được cơ quan Hải quan thống kê trên thực tế có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Trước đó trong năm 2017, có 79,8 nghìn doanh nghiệp. Ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 100 nghìn doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa.
12,14 triệu là số lượng tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan thuộc 35 Cục Hải quan tỉnh thành phố, tăng 7,3% so với con số này của cả năm 2017.
480,17 tỷ USD: tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó xuất khẩu sơ bộ đạt 243,48 tỷ USD và nhập khẩu sơ bộ đạt 236,69 tỷ USD. Trước đó giữa tháng 12 năm 2017, Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đã cán mốc 400 tỷ USD.
500 tỷ USD: Nếu xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2019 tăng 5% so với năm 2018 thì cột mốc 500 tỷ USD sẽ đạt được trong quý IV năm 2019.