Tăng cường xuất khẩu gạo trước thời cơ "vàng"

Nhằm khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu gắn với bảo đảm an ninh lương thực bền vững, cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá tại thị trường trong nước.

Xuất khẩu gạo đứng trước cơ hội "vàng"

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến chiều ngày 1/8, giá gạo 5% tấm của Việt Nam và Thái Lan tiếp tục tăng thêm 20 USD lên mức tương ứng là 588 USD và 623 USD/tấn - mức giá cao nhất được ghi nhận kể từ cơn sốt giá gạo lịch sử năm 2008 đến nay.

Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 6/2023 của cả nước ước đạt 650 nghìn tấn với giá trị 383 triệu USD. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo đạt 4,27 triệu tấn và 2,3 tỷ USD, tăng 22,2% về khối lượng và tăng 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.

Giá gạo xuất khẩu bình quân lên đến 534 USD/tấn, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu gạo đến nhiều thị trường truyền thống lẫn thị trường mới đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, như Indonesia (tăng 1.500%), Angola (tăng 600%), Trung Quốc (tăng 71%). Theo đánh giá của một số chuyên gia và doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, dự kiến cả năm 2023, Việt Nam sẽ xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo và thu về khoảng 4,1 tỷ USD.

Tăng cường xuất khẩu gạo trước thời cơ "vàng"
Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam được nhận định đang đứng trước cơ hội “vàng”

Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam được nhận định đang đứng trước cơ hội “vàng” khi Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đột ngột cấm xuất khẩu phần lớn các loại gạo kể từ ngày 20/7. Qua đó, khiến thị trường gạo mất đi một nguồn cung đáng kể, buộc các nước nhập khẩu gạo lớn như Trung Quốc và Philippines phải tìm đến các nguồn cung thay thế như Việt Nam và Thái Lan. Điều này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam thuận lợi mở rộng thị phần, ký kết các đơn hàng dài hạn với giá cao.

Điển hình, Tập đoàn Lộc trời cho biết hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp sang Trung Quốc - thị trường trọng điểm hiện nay sẽ thuận lợi hơn. Việc thiếu hụt nguồn cung gạo từ Ấn Độ cùng với nguồn cung gạo nội địa giảm do hạn hán sẽ khiến Trung Quốc tăng cường nhập khẩu gạo từ các nước khác, đặc biệt là Việt Nam do các lợi thế về vị trí địa lý cũng như nguồn cung ổn định.

Bên cạnh đó, việc Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực đã mở ra cơ hội cho các mặt hàng của tập đoàn này thâm nhập thị trường EU. Năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của Tập đoàn Lộc Trời sang thị trường EU đã tăng hơn 200%, doanh thu tăng hơn 150% so với năm 2021 nhờ tận dụng các ưu đãi của hiệp định EVFTA. Ngay từ tháng 10/2022, Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng lên đến 400.000 tấn gạo cho thị trường EU trong năm 2023.

Tương tự, Gạo Trung An đã tận dụng cơ hội này liên tiếp trúng thầu nhiều lô gạo xuất sang Hàn Quốc với đơn giá lên tới 674 USD/tấn, cao vượt trội so với đơn giá xuất khẩu trung bình của gạo Việt Nam.

Hàn Quốc hiện là thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm của Gạo Trung An, chiếm tới 52,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty trong năm 2022.

Năm 2021, Gạo Trung An đã trúng 4 gói thầu xuất khẩu với tổng khối lượng đạt 50.000 tấn sang Hàn Quốc, các lô hàng này đều có mức giá trúng thầu cao, chiếm 83% tổng sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Hàn Quốc.

Đến năm 2022, Gạo Trung An tiếp tục trúng 4 gói thầu xuất khẩu gạo sang thị trường này với tổng khối lượng đạt 68.000 tấn, chiếm 68,5% hạn ngạch xuất khẩu gạo hàng năm được Hàn Quốc phân bổ cho Việt Nam.

Thời gian tới, phía công ty dự kiến sẽ mở rộng phân phối tại các thị trường EU, Singapore, Malaysia… đây đều là những thị trường có biên lợi nhuận cao và Gạo Trung An có thể tận dụng triệt để điểm mạnh của mình là các loại gạo sạch và hữu cơ cáo phẩm cấp cao cũng như việc sở hữu vùng nguyên liệu chuẩn hữu cơ quy mô lớn, được kiểm soát chất lượng đạt tiêu chuẩn EU.

Tăng cường các công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới

Trước tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian gần đây trên thế giới biến đổi liên tục, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Thủ tướng xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới nhằm khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu cũng như góp phần đảm bảo an ninh lương thực của thế giới theo các cam kết của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, ngoài đảm bảo nguồn hàng ổn định và chất lượng ngành sẽ thúc đẩy phát triển thị trường, tập trung xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Liên minh kinh tế Á - Âu… Tận dụng các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới từ nay đến cuối năm.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã có bước chuyển biến ngay từ đầu quý 3/2023, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và ngành Công Thương cho biết, sẽ tập trung vào các giải pháp và có điều chỉnh, điều hành linh hoạt trong công tác xúc xúc tiến thương mại cũng như giải quyết các vấn đề do thực tiễn đặt ra để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của năm nay cũng như các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam được nhận định đang đứng trước cơ hội “vàng”
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất Thủ tướng xét ban hành chỉ thị về tăng cường công tác xuất khẩu gạo trong tình hình mới nhằm khẳng định vai trò quan trọng, giữ vững vị thế và uy tín của ngành hàng gạo Việt Nam trong chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu

Mới đây, Bộ Công Thương đã có công văn gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về việc thực hiện trách nhiện quy định tại Nghị đinh 107/2018/NĐ-CP về xuất khẩu gạo.

Tại công văn, Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm túc quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, và thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, đảm bảo cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, góp phần bình ổn giá thóc, gạo tại thị trường trong nước.

Chủ động theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo toàn cầu; trao đổi với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, kịp thời báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tình hình liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu gạo trên thị trường trong nước và quốc tế; đề xuất giải pháp phù hợp với Bộ, ngành liên quan.

Đặc biệt, Bộ Công Thương yêu cầu Hiệp hội và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo tình hình lượng thóc, gạo tồn kho; tình hình ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP trước ngày 03/8/2023 về Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương qua địa chỉ email: [email protected].

Ngày 4/8/2023 sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tổ chức Hội nghị về xuất khẩu gạotại Thành phố Cần Thơ, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Hội nghị sẽ tập trung sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2023, bàn phương hướng điều hành xuất khẩu những tháng cuối năm 2023; đồng thời triển khai các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đến năm 2030.

Huyền My