Tập đoàn Lộc Trời (cổ phiếu LTG): Chấp thuận các hợp đồng xuất khẩu gạo lên đến 127 triệu USD/hợp đồng

Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời vừa chấp thuận việc thực hiện các hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Malaysia với giá trị lên đến 127 triệu USD/hợp đồng.
Cổ phiếu LTG Tập đoàn Lộc Trời Tạp chí Công Thương
Cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời đã bật tăng sau thông tin tập đoàn này chấp thuận các đơn hàng xuất khẩu gạo với giá trị "khủng".

Việc giá gạo xuất khẩu Việt Nam liên tục tăng kỷ lục thời gian gần đây đã thúc đẩy sự quan tâm của giới đầu tư đến nhóm cổ phiếu gạo trên thị trường chứng khoán, kéo theo đó là sự bùng nổ của các cổ phiếu gạo như: LTG, TAR, VSF… Giới đầu tư kỳ vọng giá gạo xuất khẩu tăng cao sẽ giúp các doanh nghiệp ngành gạo cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh trong năm nay.

Vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã cổ phiếu LTG – sàn UPCoM) đã công bố nghị quyết của Hội đồng Quản trị về việc chấp thuận các hợp đồng xuất khẩu gạo quy mô lớn với đối tác nước ngoài.

Hợp đồng xuất khẩu gạo giá trị lớn sang Indonesia và Malaysia

Cụ thể, Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời chấp thuận các hợp đồng giao dịch giữa Tập đoàn Lộc Trời và các đối tác liên quan đến việc mua bán, xuất khẩu lúa, gạo đến Indonesia và/hoặc Malaysia được thực hiện trong năm 2023, với mỗi giao dịch có giá trị tối đa 127 triệu USD.

Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời giao ông Nguyễn Duy Thuận - Tổng Giám đốc Tập đoàn được quyền đại diện cho Tập đoàn Lộc Trời ký kết các hồ sơ, tài liệu tham gia đấu thầu (nếu có), chào giá, liên quan đến giao dịch nêu trên.

Xét về tình hình kinh doanh, trong quý 2/2023, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.678 tỷ đồng, tăng gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái, và báo lãi ròng gần 425 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 44 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm nay, Tập đoàn Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.130,2 tỷ đồng, tăng 4%, và lãi ròng đạt hơn 343 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với nửa đầu năm 2022. Xét về cơ cấu doanh thu, mảng lương thực – lúa, gạo chiếm phần lớn tổng doanh thu của tập đoàn này với 4.220 tỷ đồng, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong năm 2023, Tập đoàn Lộc Trời đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,8% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy sau 6 tháng, tập đoàn này đã thực hiện được 86% mục tiêu cả năm.

Xem thêm: "Giá gạo xuất khẩu “tăng từng ngày”, cổ phiếu gạo VSF tăng 250% chỉ trong 10 ngày" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao kỷ lục, cổ phiếu LTG cũng có nhịp tăng 45%

Tập đoàn Lộc Trời Tạp chí Công Thương
Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới đạt kết quả hoàn hảo của việc thực hiện tiêu chuẩn trồng lúa gạo bền vững SRP.

Theo đánh giá của một số công ty chứng khoán, Tập đoàn Lộc Trời là một trong số ít các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam hưởng lợi từ việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao kỷ lục trong thời gian gần đây. Tính đến cuối tuần trước, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đạt 618 USD/tấn - mức cao nhất kể từ cơn sốt giá gạo lịch sử vào năm 2008 đến nay.

Trong năm ngoái, mảng lương thực – lúa, gạo đã ghi nhận sự bứt phá rõ rệt trong cơ cấu kinh doanh của Tập đoàn Lộc Trời với việc ký kết nhiều thoả thuận cung cấp lúa, gạo số lượng lớn và dài hạn cho nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp này là một trong số ít các doanh nghiệp gạo Việt Nam thực hiện xuất khẩu gạo trực tiếp tới những thị trường khó tính như EU, Anh, Nhật Bản…

Đặc biệt, Tập đoàn Lộc Trời đã giới thiệu thành công “Cơm Việt Nam Rice” – thương hiệu gạo Việt Nam đầu tiên tại thị trường châu Âu hồi giữa năm 2022 và phân phối thông qua 2 hệ thống đại siêu thị lớn nhất của Pháp là Leclerc và Carrefour.

Ngay sau đó, Tập đoàn Lộc Trời đã nhận được các đơn hàng bổ sung từ các đối tác EU với tổng sản lượng 400.000 tấn tính đến cuối năm 2022 và các lô hàng này đã được hoàn thành trong quý 2/2023. Đây được xem là những tín hiệu tích cực cho hoạt động kinh doanh gạo của Tập đoàn Lộc Trời, đặc biệt giá gạo xuất khẩu sang thị trường EU thường có mức giá cao vượt trội so với mặt bằng chung.

Mặc dù doanh thu xuất khẩu gạo sang EU chiếm chưa đến 5% tổng doanh thu năm 2022 nhưng thị trường này được nhận định sẽ đóng góp lớn hơn vào kết quả kinh doanh của Tập đoàn Lộc Trời trong năm nay.

Giá cổ phiếu LTG Tập đoàn Lộc Trời Tạp chí Công Thương
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Vì sao giá gạo xuất khẩu lên cao kỷ lục, lợi nhuận của Gạo Trung An (TAR) vẫn giảm 99%?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Đáng chú ý, Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp đầu tiên trên thế giới đạt kết quả hoàn hảo của việc thực hiện tiêu chuẩn trồng lúa gạo bền vững SRP (The Sustainable Rice Platform) được đưa ra bởi Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI). Hiện tập đoàn này đang có vùng canh tác khoảng 100 ha tại An Giang và Đồng Tháp đạt 100 điểm SRP (mức cao nhất) và đang tiếp tục duy trì mô hình 100 điểm qua 9 vụ mùa liên tục từ năm 2020 đến nay.

Đây là yếu tố thuận lợi để Tập đoàn Lộc Trời đẩy mạnh xuất khẩu thương hiệu gạo chất lượng cao đến các thị trường phát triển vốn có yêu cầu cao về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm nhưng có biên lợi nhuận cao như Hoa Kỳ, Canada, Australia…

Ngoài ra, việc Trung Quốc - một trong những thị trường chính của Tập đoàn Lộc Trời mở cửa lại từ đầu năm nay cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tập đoàn này đẩy mạnh xuất khẩu gạo.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 7/8, cổ phiếu LTG của Tập đoàn Lộc Trời tăng 2,3%, lên mức 39.700 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu gạo này đã tăng gần 64%.

Trong đó, cổ phiếu LTG đã xác lập đà tăng giá kéo dài từ đầu tháng 5/2023 - thời điểm giá gạo xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu tăng rõ rệt. Tính từ đầu tháng 5 đến nay, cổ phiếu LTG đã tăng khoảng 45% - mức cao hơn đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường.

Duy Quang