Ngày 07 tháng 9 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 (Chiến lược SXSH) tại Quyết định số 1419/QĐ-TTg. Chiến lược đã xác định mục tiêu “Sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khoẻ con người và bảo đảm phát triển bền vững”. Sau 10 năm thực hiện, Chiến lược SXSH đã được triển khai trên khắp cả nước, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, chương trình triển khai Chiến lược SXSH.
Ngành Than không ngừng áp dụng khoa học công nghệ hướng tới nền sản xuất sạch. Ảnh: Internet
Tại cấp Trung ương, Bộ Công Thương với vai trò là đơn vị chủ trì thực hiện Chiến lược SXSH đã thành lập Ban điều hành do một đồng chí Thứ trưởng của Bộ làm trưởng Ban. Hàng năm, Ban điều hành chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược, trong đó, đã sớm tổ chức rà soát cơ chế chính sách về tài chính nhằm thúc đẩy SXSH và đề xuất các chính sách. Năm 2012, Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BTC-BCT của liên Bộ Tài chính và Công Thương hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 đã được ban hành. Đồng thời, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành trên 20 hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cho các ngành dệt, giấy, tinh bột sắn, bia, mạ điện, đúc, xi măng, tấm lợp, sơn, dừa, NPK..., và đang tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn kỹ thuật về SXSH cho các ngành khác như chế biến thủy sản, mây tre lá, nhựa tái chế, đường... Song song đó, Bộ cũng đã phối với các tỉnh, các tổ chức tư vấn tiến hành tư vấn kỹ thuật dưới dạng đánh giá nhanh cho trên 400 các cơ sở sản xuất, đánh giá chi tiết cho hơn 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Trong đó, 2/3 số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này đã được nhận hỗ trợ đầu tư.
Bên cạnh các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, Bộ Công Thương cũng rất chú trọng đến các hoạt động truyền thông và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện áp dụng SXSH cho các địa phương. Đến nay, đã có 125 phóng sự, chuyên đề về SXSH đã được phát trên các kênh truyền hình quốc gia và Đài tiếng nói Việt Nam, trên 400 bài báo về SXSH đã được đăng tải, phát hành thường niên tạp chí chuyên đề về SXSH trong công nghiệp. Các tờ rơi, pano, bản tin về SXSH được thiết kế, đăng tải trên trang web www.sxsh.vn để các địa phương, doanh nghiệp chủ động tiếp cận và sử dụng trong công tác tuyên truyền. Các hoạt động nâng cao năng lực đã được Bộ Công Thương triển khai sâu rộng tại khắp các tỉnh, thành trong cả nước với 60 hội thảo giới thiệu về SXSH cho 4.000 lượt người tham dự, 120 hội thảo tập huấn chuyên sâu về SXSH đã được tổ chức cho gần 2.300 học viên từ các địa phương, doanh nghiệp trên cả nước. Để các địa phương, doanh nghiệp có thể tự chủ động tiếp cận SXSH, Bộ Công Thương ngay từ đầu đã rất chú trọng đến việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ SXSH. Thông qua hệ thống các trung tâm khuyến công, hỗ trợ phát triển công nghiệp, xúc tiến thương mại, tiết kiệm năng lượng, đến nay, một mạng lưới bao gồm gần 50 các tổ chức có hoạt động hỗ trợ về SXSH đã được hình thành trên khắp cả nước. Trong đó, 350 cán bộ của các Sở Công Thương đã được đào tạo chuyên sâu về SXSH nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ nòng cốt cho các hoạt động tư vấn, hướng dẫn thực hiện sản xuất sạch hơn tại các doanh nghiệp.
Ngành Thép cũng là đối tượng của sản xuất sạch. Ảnh Internet
Tại địa phương, Chiến lược SXSH cũng đã được các tỉnh, thành phố tích cực triển khai và đã đạt được hiệu quả nhất định. Trong đó, rất nhiều UBND các tỉnh, thành phố đã phê duyệt và ban hành các kế hoạch, chương trình triển khai Chiến lược SXSH. Các kế hoạch, chương trình này làm cơ sở pháp lý để các Sở, ban ngành của địa phương chủ động triển khai thực hiện Chiến lược SXSH. Nhờ đó, kết quả thực hiện Chiến lược SXSH tại trên cả nước là rất khả quan. Theo thống kê ban đầu, các địa phương đã tổ chức được 340 hội thảo, khóa đào tạo về SXSH cho hơn 25.000 lượt người tham dự; xây dựng và phát sóng trên 130 phóng sự, chuyên đề về SXSH trên đài truyền hình địa phương, 256 bài báo về SXSH trên báo địa phương và đã có hơn 150.000 tờ rơi, pano đã được in, phát đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.
Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cũng được tiến hành với sự hỗ trợ từ Ban chỉ đạo thực hiện Chiến lược SXSH. Gần 350 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được hỗ trợ đánh giá nhanh, 90 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng SXSH trở thành các mô hình điểm về áp dụng SXSH.
Một số các địa phương có hoạt động SXSH điển hình như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Bình Dương, Hà Tĩnh,....
Chia sẻ về các hoạt động thực hiện Chiến lược SXSH tại địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, ông Lê Văn Nưng đánh giá cao vai trò của Bộ Công Thương trong điều phối các hoạt động của Chiến lược SXSH. Ông Nưng cho biết, nhờ sự hỗ trợ tích cực của Bộ Công Thương nên việc áp dụng SXSH trên địa bàn tỉnh An Giang đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp đã từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, sử dụng năng lượng hiệu quả, sử dụng các nguyên liệu thay thế ít phát sinh chất thải… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Các hoạt động của Chiến lược SXSH được đăng tải và cập nhật thường xuyên tại trang web www.sxsh.vn. Thông qua website này, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất có thể tiếp cận được tất cả các sản phẩm của Chiến lược SXSH như các hướng dẫn kỹ thuật về SXSH, các bài giảng và hướng dẫn đào tạo, các mẫu tờ rơi, mạng lưới chuyên gia và tổ chức về SXSH trên toàn quốc...
Chế biến thực phẩm luôn phải chú ý đến sản xuất sạch. Ảnh: Internet
Đánh giá kết quả ban đầu về việc triển khai thực hiện Chiến lược SXSH, bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã đánh giá cao hiệu quả của các hoạt động của Chiến lược SXSH. Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã nhận thức rõ hơn và chủ động áp dụng các giải pháp về SXSH nhằm giảm mức phát sinh chất thải, tiêu thụ nguyên vật liệu, năng lượng và nước, tiết kiệm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Qua đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã dần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các hoạt động của Chiến lược trong giai đoạn này còn có nhiều thuận lợi khi được lồng ghép thực hiện với các chương trình khác như Chương trình khuyến công quốc gia, chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, chương trình tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả... Tuy nhiên, bà Giang cũng cho biết quá trình triển khai thực hiện Chiến lược SXSH cũng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó các khó khăn lớn nhất là nguồn kinh phí từ Trung ương cũng như địa phương còn rất hạn hẹp, sau 10 năm, nguồn nhân lực nòng cốt về SXSH hiện không còn duy trì đầy đủ do biến động nhân sự phụ trách SXSH tại các địa phương. Những khó khăn này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc đạt được các mục tiêu cụ thể của Chiến lược SXSH.
Cùng quan điểm đó, qua quá trình triển khai Chiến lược SXSH, UBND các tỉnh, thành phố báo cáo gửi về Bộ Công Thương cũng nhận định thêm về những khó khăn về tài chính, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai áp dụng SXSH. Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Bến Tre thẳng thắn chia sẻ, nhân sự chuyên trách triển khai thực hiện hoạt động SXSH thực sự chưa đáp ứng tốt được yêu cầu về trình độ, năng lực và phương tiện làm việc. Chuyên gia tư vấn SXSH còn hạn chế về số lượng và chất lượng là một trong những rào cản thúc đẩy hoạt động SXSH tại các doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo và phối hợp với các UBND các Tỉnh, Thành phố trong cả nước tích cực triển khai các hoạt động để đạt được các mục tiêu đề ra của Chiến lược SXSH. Đồng thời, năm 2019, 2020 sẽ đánh giá lại toàn bộ quá trình triển khai Chiến lược SXSH để báo cáo Chính phủ và làm cơ sở đề xuất các hoạt động về SXSH cho giai đoạn sau năm 2020.