Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), tháng 11/2019, giá mủ cao su nguyên liệu tại tỉnh Đắk Lắk có xu hướng tăng. Ngày 30/11/2019, giá thu mua mủ cao su nước tại vườn và nhà máy trên địa bàn tỉnh Đắc Lắk đạt lần lượt 246 Đ/độ TSC và 251 Đ/độ TSC, tăng 16 Đ/độ TSC và 21 Đ/độ TSC so với cuối tháng 10/2019.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cao su của cả nước đã tăng từ 800.000 ha với sản lượng đạt hơn 789.000 tấn trong năm 2011, lên 965.000 ha với sản lượng 1,1 triệu tấn trong năm 2018, vượt quy hoạch khoảng 165.000 ha. Năm 2020, định hướng phát triển ngành là tăng tỷ lệ tiêu thụ cao su tự nhiên nội địa đạt từ 20%- 30%, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu cao su tự nhiên đạt trên 2 tỷ USD.
Theo ước tính, xuất khẩu cao su trong tháng 11/2019 đạt 200 nghìn tấn, trị giá 260 triệu USD, tăng 4,2% về lượng và tăng 4,3% về trị giá so với tháng 10/2019, tăng 11,3% về lượng và tăng 16,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018; giá cao su xuất khẩu bình quân tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2018, lên 1.300 USD/tấn. Tính chung 11 tháng năm 2019, xuất khẩu cao su đạt 1,5 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018.
Thị trường cao su Việt Nam được dự báo có dấu hiệu khởi sắc do: Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung có triển vọng đạt được từng phần. Dự báo sản lượng cao su thế giới trong năm 2019 giảm 800 nghìn tấn (theo Hội đồng Cao su Quốc tế Ba bên. Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2019 sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng so với 2018: Ấn Độ tăng 34,7%; Hàn Quốc tăng 28,7%; Brasil tăng 25,5%...