Sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng
2009 là năm thứ ba Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là bước ngoặt lớn trên hành trình đổi mới và hội nhập. Song những thách thức đặt ra không nhỏ, khi phải thực hiện cam kết giảm thuế trong bối cảnh sản xuất trong nước mới chiếm 30 - 50% nhu cầu đối với nhiều loại hàng hóa tiêu dùng. Đồng thời, tâm lý sính hàng ngoại và thích sử dụng hàng trôi nổi giá rẻ của người tiêu dùng còn khá phổ biến. Hệ quả là, hàng năm đất nước phải nhập khẩu nhiều chục tỷ USD hàng tiêu dùng, nguyên, nhiên, vật liệu, gây căng thẳng cho cán cân thanh toán, sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi, một phần đáng kể lượng hàng nhập khẩu này, trong nước có thể tự sản xuất thay thế được.
Việt Nam đã kịp thời nhìn nhận lại vai trò của thị trường trong nước. Ngày 07/5/2009, Ban Tuyên giáo Trung ương có Tờ trình số 115-TTr/BTGTW về Đề án tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tại phiên họp ngày 15/6/2009, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương báo cáo với Bộ Chính trị về Đề án này. Ngày 31/7/2009, Ban Bí thư ra Văn bản số 264-TB/TW Thông báo “Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tổ chức Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Năm 2015, sau Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Kết luận số 107-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện Cuộc vận động. Kết luận số 107-KL/TW khẳng định vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động trong phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách, gắn với quá trình xây dựng và thực hiện các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của các cấp, ngành, địa phương…
Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng XIII đã đề ra phương hướng: “Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 cũng khẳng định: “Thúc đẩy phát triển thương mại trong nước theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, gắn với nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”.
Sau Đại hội, ngày 19/5/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động. Chỉ thị 03-CT/TW một lần nữa nhấn mạnh trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Đồng thời, tiến thêm một bước nữa “đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam”.
15 năm qua, Cuộc vận động được triển khai dưới sự chỉ đạo sát sao, xuyên suốt của Đảng, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, từ các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở, cơ quan, đơn vị, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp, gia đình, mỗi người dân.
Kết nối sản xuất, sử dụng hàng Việt
Đối với ngành Công Thương, Cuộc vận động tập trung vào 5 nội dung trọng tâm, gồm: (i) Tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ thực hiện Cuộc vận động. (ii) Rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. (iii) Tôn vinh doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng. (iv) Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Và (v) Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
5 nội dung trọng tâm này là một hệ thống đồng bộ các giải pháp đã thổi bùng lên sức sống mãnh liệt của hàng Việt, là chất xúc tác giúp doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng, nhà quản lý, nhà phân phối, cùng nhau xây dựng một môi trường sinh thái mà trong đó, các chuỗi giá trị được gắn kết với nhau bằng công nghệ, bằng quản trị và cả bằng lòng tự hào, tự tôn dân tộc của người Việt Nam.
Bộ Công Thương đã phối hợp với các ban, ngành, địa phương bám sát chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động và thực tiễn triển khai đã chủ động tham mưu, đưa ra những quyết sách đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động. Những đề án, chương trình, chiến lược như: Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam”; Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước”; Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài”,… đã củng cố và khơi thông mạch nguồn để dòng chảy Cuộc vận động đến từng ngôi nhà, ngõ xóm trên khắp dải đất hình chữ S.
Trong môi trường kinh doanh thuận lợi đó, nhiều doanh nghiệp chủ động đầu tư phát triển sản phẩm thay thế nhập khẩu và tham gia đấu thầu các dự án, như Công trình giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước phù hợp với điều kiện Việt Nam; Cụm công trình “Nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện công nghệ thu gom, xử lý, vận chuyển dầu thô trong điều kiện đặc thù của các mỏ liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ kết nối trên thềm lục địa Việt Nam” - được đánh giá đặc biệt xuất sắc, làm thay đổi hoàn toàn quan điểm thiết kế hệ thống công nghệ do Liên Xô xây dựng ban đầu theo mô hình mỏ ở biển Caspi, đặt cơ sở vận hành an toàn các mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 6 sản phẩm được công nhận “Make by EVN”. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nội địa hóa nhiều thiết bị cơ khí như chế tạo thành công giàn mềm GM 20/30, giá thủy lực phân thể GCTL1600/16/24F; chế tạo thành công xe khoan ME-01-DE, mở ra bước phát triển đột phá trong việc ứng dụng công nghệ mới trong khoan đào lò. Bên cạnh đó, nhiều phần mềm tiên phong công nghệ Việt liên tục trình làng: Bộ giải pháp công nghệ toàn diện cho xe hơi của Công ty TNHH Phần mềm FPT; Trung tâm số điều hành sản xuất - kinh doanh của Công ty Cổ phần Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông; Hệ thống robot Delta trong sản xuất bánh kẹo của Công ty Cổ phần Giải pháp công nghệ cao VAS…
“Chúng ta là một”
15 năm qua, Cuộc vận động như “lời hịch” non sông, truyền đi tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, truyền đi khát vọng kết nối hàng Việt đã chạm đến tầng trầm tích sâu lắng nhất của mỗi con tim người Việt, kết nối vào chung một dòng chảy, kết nối 100 triệu người tiêu dùng, nhà sản xuất Việt Nam thành một khối thống nhất, liên thông với gần 6 triệu đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.
Dòng chảy của Cuộc vận động đã thúc đẩy năng lượng tích cực của hệ giá trị Việt ngày càng lan tỏa, mang đến thông điệp “chúng ta là một” hết sức trực quan, sinh động.
Từ hoàn cảnh hết sức khó khăn: “Tâm lý sính dùng hàng ngoại vẫn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp phải hạn chế sản xuất, số người thất nghiệp tăng cao…” (Trích Kết luận số 264-TB/TW), đến nay, Cuộc vận động đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ hàng Việt tại các các kênh phân phối chiếm tỷ lệ khá cao, trên 80% tại các siêu thị; từ 60% trở lên tại kênh bán lẻ truyền thống.
Kết quả thăm dò dư luận xã hội gần đây về thực hiện Cuộc vận động của Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho thấy, Cuộc vận động đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân: Trên 80% người được hỏi cho rằng, công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm tốt nhiệm vụ. Và có đến 87% người được hỏi cho rằng, Cuộc vận động đã khuyến khích, động viên người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam; 82% người được hỏi cho rằng Cuộc vận động đã khơi dậy ý chí tự lực tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất - kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam; 81% người được hỏi cho rằng, Cuộc vận động đã cổ vũ và khơi dậy tinh thần yêu nước của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.
Cuộc vận động không chỉ góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc của người Việt Nam trong sản xuất và tiêu dùng; không chỉ nâng đỡ xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tốt trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới quản lý, khẳng định vị trí của hàng hóa Việt Nam trong lòng người tiêu dùng trong và ngoài nước, mà quan trọng hơn, còn từng bước hình thành bộ máy, cách thức tổ chức, huy động nguồn lực, đưa thị trường trong nước trở thành một trong những động lực trọng yếu vào tăng trưởng, trở thành tuyến phòng ngự vững chắc của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội khi có những biến động từ bên ngoài, khi nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Hội nhập là câu chuyện liên thông của thị trường trong nước với thế giới, để hàng hóa chúng ta hòa nhập vào dòng chảy lớn. Nhưng hội nhập còn là ý thức tự tôn dân tộc, với sự chung tay góp sức của gần 100 triệu người nuôi dưỡng sức sống của hàng Việt, để khi thị trường liên thông, hàng Việt sẵn sàng chảy đi muôn phương; và khi thị trường biến động, làm gián đoạn nguồn cung, hay suy giảm nhu cầu, thì hàng Việt trên thị trường nội địa sẽ trở thành điểm tựa cho tăng trưởng, duy trì sự phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng và an sinh xã hội.
Cuộc vận động đã góp phần quan trọng làm sáng tỏ quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết số 22-NQ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị: “Hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Mọi cơ chế, chính sách phải phát huy tính chủ động, tích cực và khả năng sáng tạo của tất cả các tổ chức, cá nhân, khai thác hiệu quả các tiềm năng của toàn xã hội, của các tầng lớp nhân dân, bao gồm cả cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài”. Cuộc vận động cũng góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, bổ sung, phát triển tư duy lý luận của Đảng ta trong giải quyết mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa hội nhập quốc tế với nâng cao sức mạnh tổng hợp, huy động tiềm năng của toàn xã hội. Từ đó, đề ra định hướng chiến lược lớn tại Đại hội Đảng XIII: “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả".