Ngày 11 tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam công bố Quyết định thành lập Ban Quản trị rủi ro. Theo đánh giá của Lãnh đạo Tập đoàn, Ban Quản trị rủi ro Petrolimex được thành lập nhằm cung cấp một cách nhìn toàn diện, nhất quán về rủi ro và tạo ra giá trị thông qua việc góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng việc giảm thiểu rủi ro để tăng lợi nhuận và dòng tiền cũng như sử dụng các công cụ của quản trị rủi ro doanh nghiệp để đạt mục tiêu chiến lược đã đặt ra.
Ngược dòng thời gian, từ tháng 4 đến nay, nhiều quyết định, quyết sách đã được ban hành và thực hiện. Tháng 4 tháng 5 ban hành 2 văn bản “xương sống” trong toàn hệ thống gồm Điều lệ Tập đoàn xăng dầu Việt Nam, và Quy chế Quản trị nội bộ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Ngày 11 tháng 5 ban hành Quy định 189 về kiểm tra bằng Thẻ kiểm tra viên trong lĩnh vực quản lý đo lường, chất lượng xăng dầu; trong đó khẳng định: Kiểm tra bằng Thẻ kiểm tra viên là phương pháp tăng cường giám sát nội bộ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đo lường, giao nhận và chất lượng xăng dầu trong hệ thống nhằm giữ gìn sự tín nhiệm Petrolimex đối với khách hàng về chất lượng & số lượng xăng dầu bên cạnh các công cụ quản lý đã áp dụng như Egas, ERP và các công cụ giám sát, quản trị điều hành đang áp dụng.
Ngày 4/7 trong cuộc giao ban đánh giá tình hình sản
xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và xác định các nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng
cuối năm 2018, công tác quản trị rủi ro được xác định là 1 trong 5 nhiệm vụ
trọng tâm từ nay đến cuối năm: Tập trung phân tích, dự báo ảnh hưởng của biến
động tỷ giá, giá dầu thô (chịu ảnh hưởng của tình hình địa chính trị thế giới)
và chính sách vĩ mô để hiệu chỉnh các giải pháp tối ưu trong tạo nguồn, sử dụng
công cụ tài chính, quản trị điều hành doanh nghiệp trên cơ sở tuân thủ các Quy
chế, Quy định nội bộ; việc chi tiêu thực hiện đúng các chuẩn mực kế toán và kế
hoạch ngân sách đã được phê duyệt; tăng cường công tác pháp chế Petrolimex và
phát huy hiệu quả công tác tự kiểm tra (Trong đó có Thẻ kiểm tra viên Petrolimex).
Trước đó, tháng giêng năm nay, Petrolimex mở khóa đào tạo nghiệp vụ quản lý rủi ro nhằm giúp học viên là lãnh đạo công ty, chi nhánh, tổng kho, cảng, phòng ban nghiệp vụ và cán bộ phụ trách công tác an toàn của 10 đơn vị thành viên Petrolimex được cập nhật kiến thức về công tác nhận diện rủi ro, quản lý rủi ro, đánh giá định lượng rủi ro các công trình xăng dầu, gas đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật, phù hợp với thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu, khí hóa lỏng. Đồng thời xác định, đây là tiền đề quan trọng trong lộ trình xây dựng các báo cáo đánh giá định lượng rủi ro cho các công trình trọng điểm của Petrolimex trong thời gian tới.
Thời gian gần đây Petrolimex ngày càng quan tâm đến quản trị rủi ro một cách thực chất trên cơ sở kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện các công cụ pháp luật, sử dụng công cụ tài chính, đào tạo nguồn nhân lực... để ứng phó kịp thời với những biến động đối với một mặt hàng chiến lược xăng dầu. Đây là mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những xung đột địa-chính trị, xung đột thương mại và biến động tỷ giá trên thế giới.
Với tầm nhìn rộng lớn của một tập đoàn kinh tế lớn, có doanh thu lớn nhất sàn HoSE, vốn hoá trong thị trường lớn, quản trị rủi ro càng trở nên bức bách hơn khi Petrolimex sắp vào cuộc chơi lớn, trong giai đoạn 2018 - 2023 có 7 dự án đầu tư với tổng nguồn vốn lên tới 34.100 tỷ đồng. Trong đó có 2 dự án lớn nhất là đầu tư vào nhà máy lọc dầu của JXTG tại Nhật Bản (50% vốn nhà máy) với 11.500 tỷ đồng và đầu tư kho cảng LNG Tân Phước (70% tổng giá trị dự án) với 6.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc quan tâm đến quản trị rủi ro trên hết là xuất phát từ 2 lý do căn bản. Thứ nhất, đây là mặt hàng chiến lược, liên quan đến cân đối vĩ mô, đảm bảo an ninh năng lượng mà Petrolimex chịu trách nhiệm chính. Thứ hai, là công ty đại chúng, vốn hoá trong thị trường lớn, Petrolimex phải chịu trách nhiệm trước những quyền lợi và sự kỳ vọng của cổ đông.