Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được ban hành cuối năm 2012 và triển khai cụ thể qua Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 ban hành năm 2014 với 4 chủ đề chính, 12 nhóm hoạt động và 66 nhiệm vụ hành động, với sự phân định trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức chủ trì và phối hợp thực hiện.
Nhìn chung việc thực hiện Chiến lược đã đi đúng hướng, triển khai khá toàn diện. Tăng trưởng xanh từ chủ trương chiến lược đã trở thành động lực quan trọng thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
Mặc dù vậy, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh vẫn còn những mặt hạn chế như:
Chiến lược thiếu định hướng và lộ trình khả thi cho các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và huy động nguồn lực do phương pháp luận chưa toàn diện;
Nhiều mục tiêu của Chiến lược hiện đang giao thoa và chưa định lượng được; Việc huy động nguồn lực thực hiện tăng trưởng xanh mới chỉ tập trung chủ yếu vào nguồn lực nhà nước và ODA;
Các hoạt động thực hiện tăng trưởng xanh mới chỉ mang tính tự nguyện, thiếu quy định bắt buộc và chế tài trong giám sát, đánh giá.
Do đó, việc xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 là cần thiết.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đề nghị đại biểu tập trung thảo luận vào 5 nhóm nội dung chính, trong đó có 4 nội dung đề xuất
Thứ nhất, về bổ sung một số khía cạnh mới trong Chiến lược, bên cạnh việc kế thừa có chọn lọc các quan điểm của Chiến lược giai đoạn 2012-2020, Tổ Biên tập đề xuất bổ sung các khía cạnh về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số và một số nội dung xã hội.
Thứ hai, về Chiến lược sử dụng phương pháp định lượng, kết hợp các mô hình kinh tế lượng, mô hình cân bằng tổng thể, với các mô hình ngành trong xây dựng các kịch bản tăng trưởng xanh cho tổng thể nền kinh tế và từng ngành ưu tiên, phân tích chi phí - lợi ích, và đánh giá tác động kinh tế - xã hội của Chiến lược.
Thứ ba, đề xuất xây dựng giải pháp triển khai Chiến lược theo 2 nhóm giải pháp có tính xuyên suốt và giải pháp theo ngành ưu tiên để xác định rõ trọng tâm và tăng hiệu quả huy động nguồn lực trong việc triển khai Chiến lược.
Việc lựa chọn ngành ưu tiên dựa trên các tiêu chí về đóng góp của ngành đối với phát triển kinh tế - xã hội, tỷ trọng phát thải khí nhà kính và đánh giá việc thực hiện Chiến lược giai đoạn 2012-2020.
Thứ tư, đề xuất bổ sung vào Chiến lược 2021-2030 các quy định, hướng dẫn cụ thể, có tính ràng buộc cao hơn trong triển khai thực hiện, biện pháp xử lý sau giám sát và quy định thẩm quyền, trách nhiệm của các bên liên quan trong giám sát, đánh giá.
Công tác giám sát, đánh giá được thực hiện căn cứ trên “Bộ chỉ tiêu thống kê” được ban hành kèm theo Chiến lược 2021-2030.
Thứ năm, thảo luận Đề cương Báo cáo xây dựng Chiến lược.