Điểm sáng tôm và cá tra
Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), những tháng đầu năm, cá tra và tôm tiếp tục là 2 điểm sáng trong xuất khẩu thủy sản. Theo đó, xuất khẩu cá tra trong tháng 1/2021 đạt 123,5 triệu USD, tăng 22% và tháng 2 đạt 90 triệu USD, giảm 17%. Lũy kế xuất khẩu cá tra 2 tháng đầu năm đạt 214 triệu USD, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm tháng 2 ước đạt gần 160 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 2 tháng đầu năm xuất khẩu tôm đạt trên 380 triệu USD, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 304 triệu USD, chiếm khoảng 80% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Quan sát diễn biến thị trường gần đây, VASEP nhận định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục bị chi phối bởi xu hướng tiêu thụ của thị trường trong bối cảnh Covid-19. Do đó, nhu cầu của thị trường hiện vẫn nghiêng về các sản phẩm có giá vừa phải, dễ chế biến, thời hạn bảo quản lâu, phù hợp với chế biến và tiêu thụ tại gia.
Các sản phẩm này gồm tôm chân trắng cỡ nhỏ đông lạnh, tôm chân trắng chế biến, chả cá, surimi, cá biển phi-lê, cắt khúc, cá cơm khô, mực khô... Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm tôm nguyên con đông lạnh, nhất là tôm sú, giảm do yếu tố giá cao và do sự kiểm soát chặt hàng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu của Trung Quốc.
Những ngày đầu năm 2021, ngành chế biến, xuất khẩu tôm đón nhận tin tốt khi Mỹ ra thông báo hủy quyết định áp thuế tôm xuất khẩu của Công ty CP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, thậm chí doanh nghiệp này còn được hoàn các khoản thuế chống bán phá giá đã tạm nộp trước đó.
Tận dụng FTAs để duy trì đà xuất khẩu
Theo VASEP, xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 2 ước đạt trên 405 triệu USD, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lũy kế cả 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản vẫn đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, riêng tháng 1/2021, xuất khẩu thủy sản tăng tới 21,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Tháng 1/2021, Nhật Bản trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đạt 112,2 triệu USD, giảm 13,5% so với tháng 12/2020, nhưng tăng 26,5% so với tháng 1/2020. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tính theo trị giá tăng từ mức 17,7% trong tháng 1/2020 lên 18,4% trong tháng 1/2021. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Mỹ tháng 1/2021 đạt 109,8 triệu USD, giảm 17,3% so với tháng 12/2020, nhưng tăng 26,7% so với tháng 1/2020. Năm 2020 Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 7 cho Mỹ, đạt 228.900 tấn, tăng 1,8% so với năm 2019.
Với đà xuất khẩu này, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 3 sẽ đạt khoảng 640 triệu USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó các sản phẩm sang Mỹ, EU và các nước thành viên Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ duy trì tích cực nhờ nhu cầu cao và đòn bẩy từ các hiệp định thương mại.
Đặc biệt, theo dự báo của VASEP, tôm đang có lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) vừa ký kết và đi vào thực thi. Ví dụ, với thị trường EU, nhờ Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA), thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu sẽ được giảm từ 12 - 20% xuống 0% ngay sau khi hiệp định có hiệu lực.
Ngoài ra, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang khối thị trường tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng đang có sự tăng trưởng. Trong đó, Nhật Bản, Australia và Malaysia đang là các thị trường nhập khẩu nhiều nhất trong khối thị trường này.
Với thị trường Anh, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe khẳng định, FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ mở thêm cơ hội cho thủy sản Việt Nam xuất sang thị trường này. Được biết, Anh thuộc top 10 thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam với kim ngạch tăng liên tục. Bộ Công Thương cũng cho hay, hiệu ứng của UKVFTA đã giúp xuất khẩu thủy sản sang thị trường này đạt 19,72 triệu USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, VASEP cho rằng, để tận dụng được các ưu đãi từ thị trường EU sau EVFTA và các thị trường khác, cần thiết phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm. Bởi sản phẩm không chỉ muốn là bán được mà còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác khi họ cũng có khả năng phát triển rất nhanh như Ấn Độ, Indonesia,… Hiện khó có thể giảm giá thành, nên để cạnh tranh, chỉ còn cách tạo sự khác biệt về mặt chất lượng để thuyết phục khách hàng chấp nhận mua sản phẩm của Việt Nam với mức giá cao hơn.
Đồng thời, doanh nghiệp cần tìm kiếm các thị trường mới như Ấn Độ, bên cạnh tập trung phát triển các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc. Song song đó, cần triển khai tiêu thụ cá tra trong nước, nhằm giảm rủi ro và ảnh hưởng từ sự sụt giảm thị trường xuất khẩu.