Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2022 được công bố ngày 6/4 của ADB cho biết, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự báo đạt 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023 nhờ tỷ lệ tiêm chủng COVID-19 cao, sự chuyển hướng tiếp cận linh hoạt hơn trong kiểm soát đại dịch, thương mại tiếp tục mở rộng cùng việc đẩy mạnh triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch COVID-19 mới trong năm 2021 đã cản trở sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, thắt chặt thị trường lao động và gây gián đoạn chuỗi cung ứng sản xuất. “Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng cao, sự thay đổi kịp thời trong chiến lược ngăn chặn đại dịch đã giúp khôi phục các hoạt động kinh tế và giảm bớt những nút thắt trong môi trường kinh doanh”, ông Andrew Jeffries nhận định.
Báo cáo của ADB nhận định, thị trường lao động đang phục hồi, cùng với các giải pháp kích thích tài chính và tiền tệ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ sẽ thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp của Việt Nam đạt mức dự kiến 9,5% vào năm 2022. Sản lượng nông nghiệp dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm nay, do nhu cầu trong nước phục hồi và giá cả hàng hóa toàn cầu tăng lên.
Việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch vào giữa tháng 3 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, theo đó dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ là 5,5%, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP trong năm nay. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy đầu tư xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan.
Việc tăng cường phối hợp giữa chính quyền trung ương và địa phương và sự dịch chuyển lao động phục hồi sẽ khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ ngày 01/01/2022 dự kiến sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, hình thành các thị trường xuất khẩu ổn định và đáng tin cậy cho Việt Nam. Dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tăng 8% –10% trong năm nay.
Nhập khẩu cũng sẽ tăng do nhu cầu về tư liệu sản xuất và đầu vào cho công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên và tiêu dùng trong nước phục hồi trở lại. Sự phục hồi của du lịch và lượng kiều hối bền vững sẽ giúp tăng thặng dư tài khoản vãng lai, dự báo ở mức 1,5% GDP trong năm nay và 2% vào năm 2023.
Bên cạnh những triển vọng tích cực, Báo cáo của ADB cho rằng rủi ro trong ngắn hạn có thể cản trở sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, trong khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm lại và giá dầu thế giới tăng mạnh do xung đột Nga - Ucraina sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Hơn nữa, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu và việc các nền kinh tế tiên tiến ngừng thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng cũng là yếu tố tác động đến phát triển kinh tế Việt Nam. Cùng với sự phục hồi kinh tế và tình trạng bất ổn của giá dầu thế giới, ADB dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng lên 3,8% vào năm 2022 và 4% vào năm 2023.
Bên cạnh đó theo ADB, thách thức về mặt chính sách là cần đảm bảo thực hiện nhanh chóng và hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cần triển khai nhanh chóng và hiệu quả các quy trình, thủ tục giải ngân vốn đầu tư, có sự hướng dẫn rõ ràng và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan nhằm tăng cường giám sát việc thực hiện Chương trình... Việc triển khai hiệu quả Chương trình có vai trò quan trọng để Việt Nam tiếp tục khôi phục động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.