“Chúng tôi đánh giá cao các hoạt động ứng phó nhanh chóng và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam đối với đại dịch COVID-19”, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries phát biểu.
“Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và ý thức tự giác của người dân, Việt Nam nằm trong số ít các quốc gia đã thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19”.
Viện trợ không hoàn lại này đến từ hai khoản hỗ trợ kỹ thuật từ Quỹ Hỗ trợ Kỹ thuật Đặc biệt của ADB. Khoản thứ nhất cung cấp đồ bảo hộ cá nhân trị giá 500.000 USD cho Bệnh viện Phổi Quốc gia thuộc Bộ Y tế.
Khoản thứ hai giúp nâng cấp trang thiết bị trị giá 100.000 USD cho Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC) thuộc Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế.
Đồ bảo hộ cá nhân sẽ giúp bảo vệ nhân viên y tế tránh lây nhiễm virus Corona, điều tiên quyết trong cuộc chiến kéo dài chống COVID-19. Các thiết bị được nâng cấp cho PHEOC sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu quả các hoạt động phối hợp của Bộ Y tế trong các đợt bùng phát dịch bệnh tại cộng đồng.
Vào tháng 4 năm 2020, ADB đã phê duyệt gói hỗ trợ mở rộng trị giá 20 tỷ đô la để hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển ứng phó với COVID-19.
Ở Việt Nam, ADB đã và đang phối hợp với các đối tác phát triển khác tìm kiếm thêm các nguồn hỗ trợ các nỗ lực không ngừng của Chính phủ trong việc chống lại đại dịch COVID-19. Hỗ trợ của ADB nhằm cung cấp thêm các nguồn lực giúp Việt Nam nâng cao khả năng ứng phó với các ổ dịch.
ADB cam kết đạt tới một khu vực Châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.