Ngày 21/8/2020, Bộ Tài chính Ấn Độ ban hành Thông báo số 81/2020-Customs (N.T.) và Thông tư số 38/2020-Customs quy định về việc xác minh xuất xứ hàng hóa theo các Hiệp định thương mại mà Ấn Độ là thành viên. Các quy định này có hiệu lực thực hiện kể từ ngày 21/9/2020.
Theo đó, cơ quan hải quan Ấn Độ có thẩm quyền yêu cầu nhà nhập khẩu cung cấp thông tin về xuất xứ của lô hàng bao gồm: tờ khai hải quan nhập khẩu, các chứng từ nhập khẩu, chi tiết các thông tin của Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), quy trình sản xuất hàng hóa...
Trường hợp nhà nhập khẩu không cung cấp được các thông tin, chứng từ nói trên, cơ quan hải quan Ấn Độ sẽ không cho hưởng thuế ưu đãi và tiến hành xác minh xuất xứ bắt buộc đối với tất cả các lô hàng từ cùng một nhà xuất khẩu cho đến khi đáp ứng yêu cầu xác minh từ hải quan Ấn Độ.
Dư luận Ấn Độ đánh giá cao quy định mới của Chính phủ với hy vọng sẽ ngăn chặn được hàng hóa Trung Quốc xâm nhập Ấn Độ thông qua nước thứ ba. Đồng thời cũng hi vọng giảm thâm hụt thương mại giữa Ấn Độ với các nước có hiệp định thương mại song phương, nhất là ASEAN.
Theo số liệu thống kê, xuất khẩu của Ấn Độ sang các nước đối tác FTA hầu như không thay đổi, trong khi nhập khẩu lại tăng nhanh chóng, nhập siêu ngày càng mở rộng.
Đối với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), chênh lệch thương mại hàng hóa đã tăng từ 5 tỉ USD vào năm 2010 khi FTA ASEAN được thực thi, lên hơn 22 tỉ USD hiện nay.
Vị trí thặng dư thương mại hàng hóa của Ấn Độ với Việt Nam và Singapore đã thay đổi trong 3 đến 4 năm qua. Ngoài ra, khoảng cách thương mại cũng đã mở rộng với Malaysia, Thái Lan, Indonesia.