Đây là thông tin được Thứ trưởng Trần Quốc Khánh công bố tại Hội nghị “Đánh giá công tác thực thi quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA”, do Bộ Công Thương chủ trì, tổ chức sáng ngày 17/10/2020 tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đây là hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương. Mục tiêu của Hội nghị, nhằm chủ động cung cấp thông tin về Hiệp định EVFTA, đặc biệt những thông tin chuyên sâu về quy tắc xuất xứ chũng như cách thực hiện tiếp cận thị trường EU một cách phù hợp cho các doanh nghiệp.
Hội nghị đã thu hút sự tham gia khoảng hơn 150 đại biểu bao gồm; Đại diện Bộ Công Thương; Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Các cơ quan, tổ chức cấp C/O được Bộ Công Thương ủy quyền; Các Hiệp hội ngành hàng và Doanh nghiệp xuất khẩu cả nước.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chia sẻ, Hiệp định EVFTA có hiệu lực mang một ý nghĩa to lớn đối với cả Việt Nam và EU, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới.
Hiệp định mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường gần 460 triệu dân với GDP bình quân hơn 35.000 USD, với mức thuế bằng 0% ngay từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực cho hơn 85% số dòng thuế.
Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU (bao gồm cả Anh) đạt trên 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 41,54 tỷ USD và nhập khẩu đạt 14,90 tỷ USD. Các nước xuất khẩu chính của Việt Nam tại thị trường EU trong thời gian qua vẫn tập trung vào các thị trường truyền thống như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, I-ta-li-a, Tây Ban Nha, Bỉ và Ba Lan.
Gần đây nhất, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và Anh trong tháng 8 năm 2020 đạt 3,77 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 9, tổng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU và Anh đạt 3,54 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Số liệu cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 kể từ khi EVFTA có hiệu lực cho thấy mức độ quan tâm của doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của thị trường này đối với xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến ngày 12/10, sau chưa đầy 2 tháng rưỡi thực thi Hiệp định, các tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 23.800 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch khoảng 963 triệu USD đi 28 nước EU.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh kỳ vọng, thông qua Hội nghị này, Bộ Công Thương sẽ được lắng nghe nhiều ý kiến từ các đại biểu tham dự, phản ánh những vướng mắc thực tế, đề xuất các giải pháp khắc phục những khó khăn, hạn chế khi thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hoá theo Hiệp định EVFTA, đảm bảo thực thi và tận dụng hiệu quả các lợi thế từ Hiệp định này.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi, cập nhật thông tin, đồng thời nhận diện những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức của doanh nghiệp xuất nhập khẩu và cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) khi áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hoá tại Việt Nam, đưa ra những phương hướng, hành động cụ thể trong thời gian tới nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp mở cửa sâu rộng cho hàng hoá Việt Nam tại thị trường EU. Đồng thời, nhằm đi sâu tìm hiểu, đánh giá và hỗ trợ việc thực hiện quy tắc xuất xứ hàng hoá của Hiệp định EVFTA.
Theo đại diện Cục Xuất nhập khẩu, một trong những lợi ích rõ rệt nhất mà Hiệp định EVFTA mang lại cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam đó là mức độ cam kết cắt giảm thuế quan cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong số các FTA đã được ký kết (99% dòng thuế nhập khẩu giữa hai bên được xóa bỏ trong vòng 7 - 10 năm).
Việc triển khai các biện pháp thực thi Hiệp định EVFTA, hướng tới tận dụng cơ hội ngay trong Quý III đã được Bộ Công Thương cùng các Bộ, ngành, địa phương chú trọng đẩy mạnh thực hiện. Tính chủ động trong việc tổ chức triển khai thực thi EVFTA ngay từ những ngày đầu tiên khi Hiệp định được ký kết thể hiện thông qua việc kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các quy định tại hiệp định, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình cấp C/O, tổ chức các hội thảo tuyên truyền, phổ biến EVFTA…
Tại cuối chương trình, Hội nghị đã có phần Hỏi đáp trực tiếp giữa các chuyên gia về Quy tắc xuất xứ hàng hoá đến từ Bộ Công Thương và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham dự Hội nghị.
Một doanh nghiệp thắc mắc, đứng trước những cơ hội và thách thức trên, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì để có thể tận dụng ưu đãi ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực và được đưa vào thực thi.
Đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết, do quy tắc xuất xứ trong Hiệp định EVFTA yêu cầu sự tham gia lớn của nguồn nguyên liệu trong khu vực FTA, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sâu, tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong khu vực hoặc phát triển các nguồn nguyên liệu từ trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, tham gia các hoạt động tập huấn chuyên sâu để có thể hiểu rõ, hiểu đúng các quy định về quy tắc xuất xứ, tự tin áp dụng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để chứng minh được xuất xứ hàng hóa khi có yêu cầu hậu kiểm, đảm bảo hiệu quả công tác xác minh xuất xứ, giúp C/O được hải quan EU chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan EVFTA. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU.