Ngày 16/6/2024, tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang, Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND tỉnh An Giang, UBND TP. Cần Thơ tổ chức Lễ khánh thành Dự án xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên nằm trong tổng thể quy mô chung của Dự án Kết nối đồng bằng Mekong đi qua huyện Vĩnh Thạnh, quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) và TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Quyết định số 612/QĐ-TTg ngày 05/5/2017. Ngày 22/11/2018, Dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 2527/QĐ-BGTVT và được Bộ Giao thông vận tải tổ chức lễ khởi công vào ngày 18/01/2022.
Dự án có chiều dài tuyến xây dựng mới là 15,3km và đoạn nâng cấp cải tạo Quốc lộ 80 với chiều dài khoảng 2km. Điểm đầu của dự án tại Km7+877,13 kết nối với đường dẫn vào cầu Vàm Cống từ Quốc lộ 80 đến nút giao Lộ Tẻ, sau đó vượt Quốc lộ 80 tuyến đi tránh TP. Long Xuyên, vượt đường tỉnh 943 và sông Long Xuyên bằng cầu Long Xuyên kết nối về điểm cuối tại Km23+561,22, vị trí giao với Quốc lộ 91 tại km65+000, thuộc địa phận thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang.
Quy mô đầu tư Dự án theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, nền đường rộng 12m, mặt đường rộng 11m bao gồm 02 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp và lề đường, vận tốc thiết kế 80 Km/h; riêng đoạn cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 80 hiện hữu, đầu tư theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng, vận tốc 60 Km/h (theo TCVN 4054:2005).
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, trong quá trình thực hiện dự án, mặc dù gặp một số khó khăn như: thiếu vật liệu đắp nền đường (khoảng 1,6 triệu m3 cát); thiếu nguồn cát hạt thô làm lớp đệm cát thoát nước trong xử lý đất yếu nên phải điều chỉnh giải pháp xử lý đất yếu; thay đổi điều chỉnh thiết kế cầu để bổ sung đường chui dân sinh dưới cầu theo đề nghị của địa phương… nhưng với sự sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự sâu sát và kịp thời của Bộ Giao thông vận tải, sự phối hợp, tạo điều kiện của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của chính quyền và nhân dân tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ, dự án đã về đích thành công, đủ điều kiện đưa vào sử dụng.
Dự án xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên hoàn thành và đưa vào khai thác nhằm từng bước giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, đảm bảo giao thông đường bộ thông suốt, liên tục trên Quốc lộ 91 đoạn qua TP. Long Xuyên, kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Dự án còn là một mảnh ghép rất quan trọng để góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông hiện hữu, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh của tỉnh An Giang, TP. Cần Thơ nói riêng và khu vực Tây Nam bộ nói chung; đồng thời đáp ứng được mong mỏi của người dân, rút ngắn thời di chuyển từ TP. Châu Đốc về cầu Vàm Cống còn khoảng 01 giờ so với 02 giờ như hiện nay.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh, An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, tiếp giáp Vương quốc Campuchia, hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh.
Trong bối cảnh Quốc lộ 91 là tuyến đường giao thông độc đạo, nối từ TP. Cần Thơ đi An Giang và qua Campuchia, tỉnh được Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải quan tâm, hỗ trợ đầu tư Dự án tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên.
Bên cạnh tạo thuận lợi lưu thông, giải tỏa sự ùn tắc giao thông qua trung tâm tỉnh, dự án còn giúp mở rộng không gian đô thị cho TP. Long Xuyên, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mời gọi đầu tư của tỉnh An Giang trong thời gian tới.
UBND tỉnh An Giang kiến nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục quan tâm, xem xét hỗ trợ đầu tư bổ sung một số hạng mục của dự án, nhằm nâng cao chất lượng và tăng cường tính ổn định của công trình, đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị trong quá trình khai thác, sử dụng lâu dài, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án.