TÓM TẮT:
Thực tế thời gian qua cho thấy, có sự thu hút không đồng đều về thu hút vốn đầu tư giữa các tỉnh, thành phố. Những địa phương thu hút được nhiều vốn đầu tư nhiều thì có trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn, làm nảy sinh tình trạng phát triển không đều giữa các vùng. Do đó, bài viết phân tích những kinh nghiệm từ các địa phương nằm trong top thu hút vốn đầu tư cao nhất. Từ đó đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng thu hút vốn đầu tư hiện nay nhằm tránh khả năng nới rộng khoảng cách không đồng đều giữa các vùng.
TỪ KHÓA: thu hút vốn đầu tư, hiệu quả, bài học..
1. Đặt vấn đề
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến hết năm 2023, Việt Nam thu hút được 39.140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt 468,917 tỷ USD. Trong số đó, 10 địa phương thu hút nhiều FDI nhất, bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Long An và Quảng Ninh. Top 10 địa phương thu hút FDI thấp nhất của Việt Nam tính lũy kế đến năm 2023, bao gồm: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Gia Lai, Sơn La, Cà Mau, Tuyên Quang và Đồng Tháp. Đặc biệt, tại 2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, chỉ thu hút được 1 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký rất nhỏ, lần lượt là 1,5 triệu USD và 3 triệu USD. Dòng vốn đầu tư thời gian qua vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, ví dụ như cơ sở hạ tầng thuận lợi, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, việc nghiên cứu kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố trong top 10 địa phương thu hút nhiều FDI nhất, góp phần giúp các tỉnh khác nâng cao hiệu quả thu hút vốn đầu tư vào địa phương.
2. Kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố trong nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
2.1. Về cơ sở hạ tầng
Để tạo hấp dẫn cho các nhà đầu tư, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng là hết sức cần thiết. Hiện nay, chủ trương chính sách đầu tư về phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng được từng địa phương quan tâm và đẩy mạnh thực hiện, nhằm thiết lập được hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cơ bản của quá trình sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng về các mặt:
Thứ nhất, tập trung thực hiện và triển khai các khu, cụm công nghiệp đã có trong quy hoạch, đảm bảo các khu, cụm công nghiệp hoàn thành và đi vào hoạt động đúng tiến độ, đồng bộ. Tại tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020 cơ bản lấp đầy diện tích các KCN tập trung đã đầu tư hạ tầng, lấp đầy 80% các cụm công nghiệp quy hoạch mới. Tại Thái Nguyên đã sớm ưu tiên phát triển hạ tầng đối với Tổ hợp KCN - đô thị Yên Bình và các cụm công nghiệp phía Nam tỉnh Thái Nguyên, nhằm thu hút các nhà đầu tư sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp, công nghệ cao.
Thứ hai, phát triển hạ tầng giao thông thông suốt, kêu gọi nhà đầu tư thực hiện đầu tư, hoàn thiện thống giao thông tại địa bản tỉnh, kết nối với các tuyến quốc lộ, giữa các khu vực, tạo thuận lợi cho di chuyển và lưu thông hàng hóa. Tại tỉnh Nam Định, chú trọng thi công đường trục phát triển kết nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình; Thái Nguyên ưu tiên hoàn thiện cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn; xây dựng tuyến trục ngang liên tỉnh Bắc Giang - Lạng Sơn - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Tuyên Quang; nâng cấp tuyến trục dọc liên tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Hà Giang; nâng cấp các đường tỉnh lộ và hệ thống đường tỉnh; cải tạo nâng cấp các tuyến đường kết nối với khu, cụm công nghiệp với hệ thống đường quốc lộ; Bình Dương đầu tư hạ tầng giao thông kết nối khu công nghiệp như tuyến cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn; dự án “Cầu vượt quốc lộ 13” khi hoàn thành sẽ giúp giảm rất nhiều chi phí vận tải hàng hóa cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, phát triển hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, hệ thống hạ tầng thông tin liên lạc đồng bộ, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục của doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tế và có sự trao đổi với các doanh nghiệp sản xuất đặc thù; thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong các KCN tập trung. Tại KCN Phúc Long (tỉnh Long An) đã đầu tư đường ống cấp nước của toàn khu dài hơn 6,4km; đường dây điện dài hơn 5km phục vụ sản xuất cũng như chiếu sáng trong khu. Hệ thống xử lý nước thải phục vụ toàn khu với công suất thiết kế 5.200m3/ngày đêm; xây dựng 2 hệ thống xử lý nước thải gồm của nhà đầu tư hạ tầng trang bị cho toàn khu để xử lý tập trung và hệ thống xử lý riêng của doanh nghiệp thứ cấp.
Thứ tư, hỗ trợ đầu tư hoàn thiện hạ tầng xã hội như nhà ở cho người lao động, công trình thương mại, dịch vụ, văn hóa thể thao, cơ sở đào tạo nghề, y tế, giáo dục, nhằm đáp ứng được đầy đủ các nhu cầu cơ bản và thiết thực cho người lao động. Tỉnh Bình Dương đã triển khai xây dựng trên 1,3 triệu m2 sàn, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho hơn 111.000 người. Công tác xã hội hóa giáo dục mầm non được tỉnh đặc biệt quan tâm; tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia phát triển cấp học mầm non. Kinh nghiệm của Bắc Ninh cho thấy, đầu tư vào xây dựng nhà ở cho công nhân là một yếu tố mang lại lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư của tỉnh. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 250.000 công nhân đang làm việc trong 9 KCN tập trung, trong đó 70% là người lao động ngoại tỉnh. Bắc Ninh đã xây dựng một Chương trình Phát triển nhà ở xã hội, thu hút 39 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân và người thu nhập thấp với diện tích lũy kế đạt khoảng 2,3 triệu m2, với tổng số trên 27.000 căn hộ đáp ứng cho hơn 155.000 người. Trong đó, nhà ở công nhân với tổng diện tích 854.000 m2 đáp ứng cho khoảng 76.000 người; nhà ở thu nhập thấp với tổng diện tích 1,5 triệu m2 với 18.906 căn hộ đáp ứng cho hơn 79.000 người.
2.2. Về giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh và dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư
Thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch cải cách hành chính; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với từng lĩnh vực, nhất là thủ tục hành chính ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của doanh nghiệp như đất đai, thuế, hải quan...; tăng cường năng lực hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, trong đó đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức “4 tại chỗ”, góp phần bảo đảm các thủ tục hành chính được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian, có cơ chế kiểm tra, giám sát, các hoạt động được thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu. Bài học thành công của Quảng Ninh trong cải thiện môi trường đầu tư là liên tục duy trì đứng đầu bảng xếp hạng trong những nawm gần đây, là tỉnh có chất lượng điều hành liên tục được xếp trong top 5 cả nước kể từ năm 2013 (để cải thiện môi trường đầu tư, Quảng Ninh đã tập trung cải cách hành chính qua việc vận hành mô hình Trung tâm Hành chính công và thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, để từ đó rút ngắn thời gian và giảm thiểu chi phí cho các nhà đầu tư).
Bên cạnh đó, định kỳ tổ chức đối thoại trực tiếp giữa chính quyền và doanh nghiệp; tăng cường năng lực hoạt động của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, dịch vụ việc làm; hỗ trợ tư vấn thông tin pháp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Từ năm 2016, Bắc Ninh đã ký cam kết với VCCI về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, từng bước xây dựng chính quyền năng động, quản lý, điều hành hiệu quả; tích cực cải thiện môi trường đầu tư.
2.3. Chính sách nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư
Lựa chọn dự án đầu tư
Một số địa phương đã ban hành tiêu chí và phương pháp lựa chọn đầu tư như tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; Thừa Thiên Huế; một số tỉnh đã triển khai thực hiện đấu thầu lựa chọn đối với tất cả các dự án đầu tư có sử dụng đất như Hà Nội, Bắc Ninh tạo sự công khai, minh bạch trong việc chấp thuận các dự án đầu tư. Quy định lựa chọn dự án đầu tư bám sát theo quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng tỉnh, trong đó hầu hết ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, có số thu ngân sách lớn, nâng cao mức sống của người lao động và nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, suất đầu tư lớn, tác động lan tỏa tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra giá trị gia tăng cao. Dự án đầu tư cần đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế với giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Thừa Thiên Huế đã ban hành quy định Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư cụ thể cho từng lĩnh vực có tính chất đặc thù như các dự án nằm trên các trục đường lớn, các trục đường có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan đô thị…; Bà Rịa Vũng Tàu ban hành tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, dự án đầu tư và danh mục các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư.
Về công tác xúc tiến đầu tư
Triển khai công tác xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, bám sát nhu cầu thực tế của tỉnh. Chủ động công tác xúc tiến đầu tư với nhiều hình thức khác nhau. Tăng cường chính sách vận động, thu hút đầu tư với các tập đoàn đa quốc gia, cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và các đối tác trọng điểm. Phối hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch. Kết hợp với các bộ, ngành trung ương, các tỉnh lân cận địa phương nhận đầu tư, các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp về xúc tiến đầu tư để tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh. Lồng ghép chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia. Điển hình, Bắc Ninh đã chủ trương kết hợp xúc tiến đầu tư với xúc tiến thương mại và du lịch tại các nước có tiềm năng về thương mại như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước EU, Bắc Mỹ, ASEAN; các nước có tiềm năng về du lịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN, EU, Bắc Mỹ, Nga.
Hay tại Thái Nguyên, nhằm tăng cường đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư, trong tháng 7/2023, một đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện các hoạt động quảng bá và giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư tỉnh Thái Nguyên tại Brazil và Canada với nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Thái Nguyên tới đất nước Brazil và Canada. Cùng với đó, đoàn công tác gặp gỡ, thiết lập mối quan hệ giao lưu tìm kiếm cơ hội hợp tác các doanh nghiệp của Brazil và Canada có tiềm năng mở rộng hoặc đầu tư mới tại các địa phương Việt Nam.
Tại Quảng Ninh, đã thành lập Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư với vai trò liên kết, phối hợp với các tổ chức uy tín nhằm tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu và xúc tiến đầu tư vào tỉnh; thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực về xúc tiến đầu tư cho các cán bộ của các sở, ban, ngành của tỉnh, qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách có năng lực và kinh nghiệm, chủ động trong hoạt động xúc tiến đầu tư của địa phương. Ngoài ra, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư cũng tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư tại nước ngoài; các chương trình giao lưu trực tuyến, talkshow cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp có mối quan tâm về đầu tư tại Quảng Ninh.
Chính sách ưu đãi hỗ trợ
Tại hầu hết các tỉnh, chính quyền địa phương thông báo chính sách ưu đãi hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong các buổi xúc tiến đầu tư. Để thu hút các dự án đầu tư trên địa bàn, chính quyền tỉnh thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ chủ yếu về: tài chính (thuế, tín dụng), đất đai (hỗ trợ cho thuê đất, giải phóng mặt bằng), hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động, hỗ trợ đổi mới và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chính sách hỗ trợ phát triển ngành chủ lực trên địa bàn tỉnh. Bắc Ninh thực hiện các chính sách thu hút đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư, hỗ trợ ưu đãi đầu tư tối đa. Tất cả đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tỉnh cũng ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án thu hút đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn 2030; Quyết định về Ban hành quy định ưu đãi đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực xã hội hóa sử dụng đất tại các đô thị trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh... Bên cạnh những chính sách ưu đãi về thuế, phí, tiền thuê đất, Bắc Ninh còn ban hành nhiều chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư như: hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp thông qua kế hoạch chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp có nguồn thu ngân sách lớn; hỗ trợ đào tạo lao động và sử dụng lao động; hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp. Với tỉnh Thái Nguyên ngoài thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Nhà nước, đối với các dự án đầu tư kinh doanh phát triển hạ tầng khu công nghiệp lớn và nhỏ, tỉnh Thái Nguyên xem xét hỗ trợ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng đến 30% tùy theo từng dự án.
3. Bài học kinh nghiệm rút ra cho các tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả huy động vốn đầu tư
Thứ nhất, cần thống nhất về quan điểm chỉ đạo, nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò của thu hút đầu tư đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Với nguồn lực đầu tư công có hạn, động lực cho tăng trưởng kinh tế của các tỉnh là tiếp tục thu hút mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó trọng tâm là đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và trực tiếp nước ngoài gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư, từ đó tạo cơ sở, nền tảng cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng nền kinh tế từ dựa vào tài nguyên sang mô hình phát triển dựa vào năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Đồng thời cần tập trung phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, coi đó là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, kết hợp với phát triển các lĩnh vực thương mại dịch vụ, du lịch tạo nền tảng cho phát triển xanh cho giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh đó, không ngừng tăng cường nhận thức của các cấp, các ngành từ tỉnh, đến huyện, xã, thôn đối với nhiệm vụ thu hút đầu tư của tỉnh, tạo sự thống nhất trong nhận thức của cả hệ thống chính trị.
Thứ hai, tập trung nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư.
Hệ thống giao thông, lưu chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh hiện nay được đánh giá là tương đối thuận lợi với 3 loại hình vận tải: đường sắt, đường bộ và đường thủy, kết nối thuận tiện với sân bay Nội Bài và cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư, hạ tầng các khu công nghiệp vẫn còn nhiều yếu kém, thiếu đồng bộ chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn; hạ tầng phục vụ trực tiếp các khu công nghiệp (đặc biệt là vấn đề nhà ở công nhân) còn thiếu; hạ tầng các cụm công nghiệp manh mún, thiếu các hạ tầng thiết yếu, hầu hết chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ quá trình sản xuất của các nhà đầu tư. Do đó, cần tập trung quan tâm bố trí nguồn ngân sách thỏa đáng để xây dựng hệ thống hạ tầng ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ xây dựng khu nhà ở cho các công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp và các hạ tầng xã hội khác.
Bên cạnh đó, cần xem xét bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp đáp ứng cho nhu cầu trước mắt và định hướng lâu dài, trong đó chú trọng lựa chọn các nhà đầu tư thực sự có năng lực triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp đảm bảo đồng bộ, tạo quỹ đất và mặt bằng sạch phục vụ thu hút đầu tư.
Thứ ba, thực hiện chủ trương thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, công tác thu hút đầu tư tại các tỉnh còn có những lúc nóng vội, chưa quan tâm tới chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư, do đó nhiều dự án đầu tư triển khai thực hiện không đạt kỳ vọng của Chính phủ, triển khai chậm tiến độ, nhiều nhà đầu tư có tư tưởng giữ đất, chuyển nhượng thu lợi bất chính; các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, sử dụng công nghệ trung bình, lạc hậu tác động xấu tới môi trường.
Với các nguồn lực (đất đai, lao động và một số yếu tố khác) ngày càng có hạn, để phát huy những tiềm năng, lợi thế, nguồn lực cần thiết phải chọn lọc các dự án đầu tư theo hướng chất lượng, hiệu quả. Những dự án đầu tư cần phải được xem xét thẩm định một cách kỹ lưỡng, thận trọng trước khi xem xét chấp thuận đầu tư.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính.
Để các doanh nghiệp, nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, chính quyền các cấp của tỉnh cần tạo môi trường hoạt động thuận lợi, công khai, minh bạch; thực hiện nhất quán quan điểm chính quyền kiến tạo, kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”.
Đồng thời thực hiện công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, dự án đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư, việc tiếp cận các nguồn lực của nhà nước (vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản,…), không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, xây dựng cơ chế phân bổ, tiếp cận các nguồn lực công khai, minh bạch, rõ ràng (ví dụ: thực hiện công khai việc đấu giá, đấu thầu quyền sử dụng đất để lựa chọn các nhà đầu tư; công khai, minh bạch trong đấu thầu các dự án sử dụng vốn đầu tư công,…).
Mặt khác, có các giải pháp để quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh của địa phương trong mắt các nhà đầu tư (cả trong nước và nước ngoài); chú trọng các hình thức marketing địa phương, đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, chú trọng hình thức trực tiếp liên hệ, tiếp xúc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài đầu tư vào các dự án theo định hướng của tỉnh.
Thứ năm, giao đất, cho thuê đất.
Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo các quy hoạch phải có tính định hướng, tầm nhìn lâu dài, tránh chạy theo nhà đầu tư dẫn đến phá vỡ quy hoạch.
Xây dựng và thực hiện Bảng giá đất vừa đảm bảo tính cạnh tranh, tính thị trường, vừa đảm bảo nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và có tính ổn định. Tăng cường công tác đấu giá, đấu thầu để giao đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư để lựa chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực.
Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng tại những khu vực đã có quy hoạch, tạo quỹ đất sạch thu hút các nhà đầu tư thực hiện dự án, đặc biệt là các khu vực, vị trí có lợi thế thương mại.
Thứ sáu, định hướng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực.
Tại các tỉnh, lao động có tay nghề hay qua đào tạo chất lượng cao trên địa bàn không có nhiều, làm giảm sức hút của tỉnh đối với các nhà đầu tư. Do đó, tỉnh cần có chính sách khuyến khích phát triển nguồn lao động có chất lượng, năng suất cao; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đào lao động trên địa bàn tỉnh thông qua đề án, chính sách phát triển nguồn nhân lực; đồng thời chú trọng chính sách thu hút nhân tài về làm việc tại tỉnh.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ Chính trị (2019), Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023), Báo cáo tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
- Bộ Công Thương (2023), Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2023 và kỳ vọng năm 2023.
- Quốc hội (2020), Luật Đầu tư, số 61/2020/QH14, ngày 17/06/2020.
- Quốc hội (2013), Luật Đất đai, số 45/2013/QH13, ngày 29/11/2013.
Investment capital attraction lessons for provinces and cities in Vietnam
Ph.D Nguyen Duc Trong
Hanoi University of Science and Technology
Abstract:
There is an uneven attraction of investment capital among provinces and cities in Vietnam. Localities that attract more investment capital have higher levels of socio-economic development, resulting in development gaps between areas. This paper analyzed experiences from provinces and cities that attract the most investment to find investment attraction solutions. The paper is expected to help provinces and cities avoid the possibility of widening development gaps.
Keywords: attracting investment capital, efficiency, lessons.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6 tháng 3 năm 2024]