Tăng cường thêm trách nhiệm an toàn thực phẩm
Mới đây, theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Kế hoạch số 1766/KH-BCĐTƯATTP ngày 27/12/2022 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm năm 2023, Phú Yên đã được đánh giá là có nhiều chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành, công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm.
Đoàn kiểm tra đã nghe đại diện Sở Công Thương tỉnh Phú Yên báo cáo các nội dung đã thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới và việc triển khai công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm theo Kế hoạch 1766/KH-BCĐTƯATTP ngày 27 tháng 12 năm 2022 của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Theo đó, Đoàn ghi nhận rằng, trong 6 tháng đầu năm 2023, Sở Công Thương đã tăng cường triển khai thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã được UBND tỉnh phân công, phân cấp tại Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND ngày 01/6/2020; đồng thời triển khai đầy đủ các hoạt động quản lý ATTP ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh trong năm 2023; ban hành các Văn bản triển khai công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tháng hành động vì ATTP. Kết thúc các đợt triển khai, Sở đều có báo cáo kết quả thực hiện gửi Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Công Thương tiếp tục thực hiện đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực ATTP nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi thực hiện các thủ tục hành chính và người tiêu dùng tiếp cận thông tin về ATTP.
Thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục hành chính cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh do Sở Công Thương thực hiện. Thực hiện công bố công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết hồ sơ, các biểu mẫu, phí thẩm định,... trên Cổng dịch vụ công tỉnh Phú Yên tại địa chỉ: dichvucong.phuyen.gov.vn và đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cấp 10 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP đúng thời hạn theo quy định, không có hồ sơ tồn đọng.
Bên cạnh đó, mọi thông tin về các sản phẩm thực phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; các cơ sở sản xuất thực phẩm bị xử lý vi phạm hành chính về ATTP; các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thực phẩm an toàn, cảnh báo về một số sản phẩm thực phẩm có nguy cơ mất an toàn, … được Sở cập nhật thường xuyên trên Trang thông tin điện tử của Sở và sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh (https://phuyentrade.gov.vn).
Cần “cú hích” mạnh mẽ trong an toàn thực phẩm
Một điểm mới là Phú Yên đã phát triển mới 4 cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Coopfood, nâng tổng số lên 12 cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Coopfood và 47 cửa hàng tiện lợi thuộc các cơ sở kinh doanh khác. Cùng với các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại, Sở Công Thương đã tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh, v.v.... Qua đó, góp phần hỗ trợ các cơ sở phát triển hệ thống phân phối. Đồng thời, luôn quan tâm, khuyến khích và nhân rộng các các mô hình kinh doanh thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của xứ sở “hoa vàng cỏ xanh” đã có nhiều nỗ lực và hiệu quả, tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều tồn tại, cần phải có sự đột phá để khắc phục tình trạng này.
Đó là việc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh phần lớn hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, không sản xuất thường xuyên, do đó công tác triển khai thực hiện các thủ tục cấp phép, kiểm tra, kiểm soát còn gặp nhiều khó khăn. Về nhân sự quản lý an toàn thực phẩm ngành Công Thương, theo quy định về phân cấp quản lý an toàn thực phẩm tại Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND thì các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ ngành Công Thương được phân cấp cho cấp huyện, cấp xã quản lý.
Việc phân công theo hướng trên là phù hợp. Tuy nhiên, đối với tuyến huyện, tuyến xã hiện nay không có công chức chuyên trách quản lý về an toàn thực phẩm, chủ yếu kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi vị trí công tác, chưa cập nhật kịp thời hệ thống văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm đầy đủ, năng lực quản lý, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Ngoài ra, theo quy định các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không thuộc đối tượng cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm phải ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, hiện nay không có quy định xử lý vi phạm hành chính trong trường hợp cơ sở không thực hiện ký cam kết.